Điểm chạm văn hóa

Thường xuyên đi lại giữa Việt Nam - Pháp với hãng hàng không Vietnam Airlines, lần nào lên máy bay tôi cũng xem ấn phẩm Heritage của hãng; không phải giết thời gian mà vì nội dung tạp chí thường hay, trình bày đẹp.

Nhưng cuối tháng 3-2019 tôi có “cú chạm” cảm xúc không nhỏ khi đọc “xã luận” của Tổng giám đốc Dương Trí Thành. Bài viết có đoạn: “... Năm 2019 tiếp tục mở ra những thay đổi của Vietnam Airlines trên lĩnh vực ẩm thực hàng không. Chuỗi món ăn do đại sứ ẩm thực Luke Nguyễn sáng tạo, chuẩn bị được giới thiệu trên thực đơn của hành khách Vietnam Airlines. Nét truyền thống trong hương vị, kết hợp với sự mới mẻ trong cách chế biến, hứa hẹn đưa các món ăn trở thành điểm chạm văn hóa ấn tượng trên mỗi chuyến bay...”.

Điểm chạm văn hóa! Tôi khẽ reo, thầm cảm ơn tác giả bài viết, khi tìm thấy cụm ngữ thích đáng mà từ lâu tôi chưa tìm ra để gọi tên những trải nghiệm của mình.

Sinh ra ở Pháp năm 1993, mười tám tuổi, con gái tôi vào ban biên tập của tạp chí Bèo. Bèo là nguyệt san của Hội Thanh niên Việt Nam tại Pháp (Union des Jeunes Vietnammiens de France) - tổ chức trực thuộc Hội Người Việt Nam tại Pháp. Bèo ra đời năm 2001 mà lý do khai sinh là dòng đối lưu qua lại giữa Pháp - Việt Nam - Pháp ngày càng mạnh mẽ.

Vì sao Bèo? Câu trả lời của ban biên tập bộ mới, khiến tôi bất ngờ quá đỗi. Rằng Bèo dễ phát âm, nhưng cái chính nó gợi lên đúng hình ảnh của cộng đồng thanh niên Việt: lênh đênh, không gốc rễ rõ ràng, không thể mọc riêng lẻ mà phải liên kết nhau tồn tại. Rằng với phương tiện khiêm tốn, Bèo mong ước làm chiếc cầu thông tin nhỏ giữa Việt Nam và Pháp, mà ấp ủ sâu xa hơn là làm ra chứng từ vật chất, ghi dấu một thời kỳ.

Hỏi vì sao hầu hết bìa đều trang trí bằng ảnh trái cây châu Á. Mai Lan - thành viên biên tập cũng sinh trưởng ở Pháp như con tôi - nói đó là chủ trương của ban biên tập, bởi “với đa số bạn trẻ ở đây, ẩm thực dân tộc gần như là mối liên hệ thiết thân, duy nhất với gốc rễ”.

Thổ lộ của Mai Lan làm tôi xao xuyến, thấy các phụ trang Bon Plans Saigon, Bon plans Hà Nội hướng dẫn địa chỉ ăn ngon, thấy mục Vào bếp với công thức món ăn Việt của tạp chí không chỉ như kỹ thuật thông tấn, mà man mác vị thương yêu. Thấy mục Cuộc sống nhà quê với những câu kiểu “Hôm qua mẹ đưa tôi hộp thịt heo kho tàu để mang đi công tác cùng đồng nghiệp”, “Hôm kia bạn tôi suýt kêu cứu hỏa vì sự cố hở gas, hóa ra đó là miếng sầu riêng của tôi trong tủ lạnh”; không chỉ để hài hước mà là “mối liên hệ thiết thân, duy nhất với gốc rễ”.

Khi đó tôi nói vui với Mai Lan: “Bèo làm độc giả chảy nước miếng”. Nói để chính mình không chảy nước mắt.

Thời gian trôi qua, tôi càng xác tín “mối liên hệ thiết thân, duy nhất với gốc rễ” của thế hệ người Việt sinh trưởng ở Tây là ẩm thực. Nhiều bạn trẻ không nói được tiếng Việt, thậm chí chưa về Việt Nam, nhưng phát âm rất chuẩn tên các món ăn Việt như phở, hủ tiếu, bánh bèo, bánh cuốn, nước mắm...

Không chỉ lớp trẻ Việt, mà cả bạn ngoại quốc của chúng cũng thuần thuộc tên các món ăn Việt Nam. Cậu bạn Tây của con gái tôi nói các câu tiếng Việt chưa đủ đầu ngón tay, nhưng tháng 3 vừa qua, khi được hỏi con muốn ăn gì, “bác gái” nấu. Chàng ta trả lời: chả cá Lã Vọng - món ăn chàng có dịp biết khi tới Hà Nội. Tôi trêu thích món đó vì có thì là - thứ rau phổ biến bên Tây phải không. Thật bất ngờ, chàng kêu thích... mắm tôm với vị riềng.

Bữa ăn được chàng nói ngon hơn ở Hà Nội. Vị giác chắc chắn sai vì “bác gái” không sành món ăn Bắc, nhưng cảm giác có thể đúng: món ăn Việt thật ấm nồng giữa Paris mùa đông...

Ở Tây càng lâu, tôi càng tin có sợi dây - vô hình nhưng chắc chắn - kết nối giữa ẩm thực quê hương và người xa xứ, giữa địa phương và khách du lịch dù không gọi được tên cảm giác đó, cho tới khi đọc lời phi lộ của của Dương Trí Thành. Lời phi lộ về ẩm thực của Tổng giám đốc Vietnam Airlines có đoạn kết như sau: “Cùng với các hoạt động văn hóa nói chung, đây tiếp tục là nỗ lực của hãng hàng không quốc gia trong hành trình khắc họa và giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với du khách thế giới”.

Việt Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288784/diem-cham-van-hoa-.html