Điểm 10 tặng những cô giáo sau giờ lên lớp

Ngoài việc cống hiến hết mình cho sự nghiệp 'trồng người', các cô giáo có tuổi đời còn rất trẻ nhưng giàu sáng tạo, đầy năng lượng và nhiều tâm huyết còn tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời những sáng kiến mang ý nghĩa đẹp đẽ về lòng nhân ái cùng niềm mong ước một cuộc sống yên bình với môi trường 'xanh-sạch- đẹp'.

Mách trẻ cách đối phó với giặc lửa

Chứng kiến những vụ cháy lớn xảy ra, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng với giả thiết sự cố cháy nổ có sự hiện diện của trẻ nhỏ. Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ khi không may xảy cháy? Những trăn trở của phụ huynh cũng là mối quan tâm của các cô giáo trường mầm non Họa Mi (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Cùng chung quan điểm và cách giải quyết vấn đề, 3 cô giáo Cao Thị Vân, Nguyễn Thị Huế và Nguyễn Ánh Tuyết đã miệt mài nghiên cứu và cho ra đời bộ giáo án điện tử E-learning “Bé làm gì khi có hỏa hoạn”. Mặc dù vấn đề đặt ra trong bài giảng không mới nhưng câu hỏi và tình huống các cô đưa ra vẫn giàu sự sáng tạo và mang dấu ấn riêng.

Bộ giáo án này là tập hợp nhiều bài giảng giúp trẻ nhận biết về hậu quả của thiên tai, hỏa hoạn; từ đó hình thành ý thức phòng chống cháy nổ qua các hình ảnh. Hình thức của bài giảng là cô giáo dạy, trẻ thực hành tương tác bằng cách nhấn chuột các hình ảnh đúng- sai.

Sau 3 tháng triển khai, bài giảng trên đã được ứng dụng ngay tại trường mầm non Họa Mi- nơi các cô theo dạy và thu được kết quả khả quan. Nội dung đơn giản, hình ảnh gần gũi với trẻ mầm non, nhóm tác giả hy vọng ứng dụng của mình được nhân rộng tại các trường học, cộng đồng dân cư và mang đến nhiều hữu ích cho cuộc sống của mọi người, mọi nhà.

Cô và trò trường THCS Việt Hùng làm túi thân thiện. ẢNH: M.A

Hô biến quần tất, túi nilon, chai nhựa… thành phao

Dù không sinh ra ở vùng sông nước nhưng những vụ trẻ tử vong do đuối nước khiến cô giáo trẻ Phạm Ngọc Hiệp, trường THCS Vân Hà, xã Vân Hà, huyện Ðông Anh, Hà Nội thấy đau xót và tự đặt cho mình việc phải tìm giải pháp, cách thức để giảm thiểu những vụ việc tương tự.

Qua tìm hiểu sách báo, cô giáo trẻ này biết được rằng: Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước; trong đó nhóm tuổi chiếm tỉ lệ tử vong cao là từ 5-14 tuổi. Thêm nữa, tai nạn đuối nước có thể xảy ra ở nhiều lừa tuổi khác nhau và với cả những người đã biết bơi.

Từ thực tiễn cuộc sống, nữ giáo viên tìm hiểu và đã cho ra đời ý tưởng sáng tạo về cách thức làm áo phao từ những vật dụng có sẵn, phổ biến trong cuộc sống của mỗi gia đình như túi nilon, chai nhựa, quần tất. Cô giáo Phạm Ngọc Hiệp cho rằng, nếu ý tưởng của mình được trẻ em và mọi người biết đến thì chắc chắn những vụ việc thương tâm do đuối nước sẽ hạn chế xảy ra vì chiếc phao này rất đơn giản, ai cũng có thể làm được.

Nhằm thể hiện ý tưởng sáng tạo của mình một cách sinh động, cô giáo Phạm Ngọc Hiệp và cậu học trò lớp 6 Phạm Văn Thăng đã dựng một đoạn “video hướng dẫn làm 3 kiểu áo phao từ những vật dụng sẵn có trong gia đình” để hướng dẫn mọi người cách làm và cách sử dụng áo phao khi ở trên cạn và cả khi ở dưới nước. Xem viedeo này, ai cũng có thể tự chế cho mình một chiếc áo phao; đồng thời hiểu được tính năng của chiếc áo này.

Cô giáo Phạm Ngọc Hiệp cho rằng: “Nếu có mưa lũ, áo phao được sử dụng giúp bảo vệ tính mạng con người. Áo phao được làm với chi phí thấp, dễ làm, dễ sử dụng, phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân nghèo, nhất là vùng nông thôn…”. Trường THCS Vân Hà đã có những giờ học ngoại khóa để cô Hiệp hướng dẫn cách làm và cách sử dụng áo phao, cung cấp cho các em học sinh có những kỹ năng cần thiết trong việc phòng, tránh đuối nước.

Cô giáo Phạm Ngọc Hiệp hướng dẫn học sinh cách mặc áo phao.

Nét vẽ thổi hồn cho bao đựng gạo

Khi đi chợ, đi chơi hoặc đi siêu thị, nếu vô tình bắt gặp những chiếc túi độc đáo có họa tiết thông minh, sinh động được vẽ trên nền vỏ bao gạo thì đó là túi thân thiện- sản phẩm sáng tạo của tập thể nữ giáo viên trường THCS Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Cô giáo Phạm Thị Tuấn- đại diện nhóm tác giả cho biết, các cô giáo đã nung nấu ý tưởng thiết kế túi thân thiện từ thực tế cuộc sống hàng ngày tại địa phương. Việc vứt rác một cách bừa bãi làm ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm, lo lắng của những người biết yêu quý, trân trọng môi trường sống. Từ nỗi trăn trở đó, các cô đã hướng dẫn học trò của mình cùng sáng tạo ra những chiếc túi xinh xắn và có công năng sử dụng cao.

Những sản phẩm này được làm từ việc tận dụng các vỏ bao đựng gạo, túi đựng cám gia súc, gia cầm. Vật dụng này đáng lí sẽ vứt đi nhưng dưới bàn tay khéo léo, tư duy thông minh của cả cô và trò, những sản phẩm túi thân thiện được ra đời; góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm về đất, nước, không khí, rác thải… ngoài ra còn góp phần giáo dục ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.

Để làm túi thân thiện, cô giáo Phạm Thị Tuấn cùng đồng nghiệp hướng dẫn các em học sinh dùng vỏ bao tải đã qua sử dụng giặt sạch, vẽ phác họa hình ảnh, cắt, khâu, máy… và trong thời gian 1 tuần, những chiếc túi thân thiện được hoàn thành. Sản phẩm vừa phát huy tính sáng tạo vừa góp phần nhỏ vào định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho học sinh. Túi tái chế gọn, nhỏ, ưa nhìn, thuận tiện và có thể sử dụng để đựng đồ và các sinh hoạt khác trong gia đình. Việc dùng túi thân thiện còn hạn chế việc sử dụng túi nilon; từ đó sẽ giảm đáng kể rác thải từ loại chất liệu khó phân hủy này.

3 sản phẩm sáng tạo của các cô giáo huyện Đông Anh, Hà Nội là 3 trong 22 sản phẩm sáng tạo được tằng Bằng khen trong Ngày phụ nữ sáng tạo năm 2017 với chủ để “Phụ nữ tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Cụ thể: Bài giảng Elearning “Bé làm gì khi có hỏa hoạn” của nhóm tác giả Cao Thị Vân, Nguyễn Thị Huế, Nguyễn Ánh Tuyết (trường Mầm non Họa Mi) nhận được Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Túi thân thiện” của tập thể nữ giáo viên (trường THCS Việt Hùng) và “Video hướng dẫn làm 3 kiểu áo phao từ những vật dụng sẵn có trong gia đình” của cô giáo Phạm Ngọc Hiệp (trường THCS Vân Hà) nhận được Bằng khen của Hội LHPN Việt Nam.

Nam Du

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/diem-10-tang-nhung-co-giao-sau-gio-len-lop-111216.html