Điếc đột ngột: Tĩnh lặng bất thường của âm thanh cuộc sống

Điếc đột ngột và sự suy giảm thính lực theo thời gian hoàn toàn không giống nhau. Nếu phát hiện sớm, tìm đúng nguyên nhân để có hướng điều trị kịp thời, thì triệu chứng này có thể xử lý được.

Điếc đột ngột là một cấp cứu thuộc nội khoa tai- mũi- họng. Bệnh có thể để lại những di chứng nặng nề cho bệnh nhân như nghe kém, chóng mặt, ù tai…, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm việc, học tập của bệnh nhân, nếu như không được phát hiện và điều trị sớm.

Bài toán khó trong xác định nguyên nhân

Mức độ điếc có nhiều tính chất rất khác nhau, có thể xẩy ra một bên tai hoặc cả hai tai, mức độ từ nghe kém nhẹ (trên 30 dB so với mức bình thường ), đến điếc nặng hoàn toàn trên ít nhất ba tần số liên tiếp, diễn tiến trong 3 ngày liên tiếp. Hiện vẫn chưa rõ chính xác nguyên nhân gì gây ra mất thính lực đột ngột (trên 90% chưa xác định được nguyên nhân). Do đó, việc xác định chính xác căn nguyên để có phương án điều trị phù hợp cũng gặp nhiều khó khăn.

Ở một chiều hướng khác, suy giảm thính lực -một hiện tượng sinh lý hầu khó tránh khỏi, là hệ quả của sự suy giảm chức năng của cơ thể. Cụ thể là sự suy giảm bộ máy thính giác, mức độ nặng nhẹ tùy thuộc ở mỗi cá nhân; nhưng nếu xảy ra quá sớm thì trở thành bệnh lý. Suy giảm thính lực là “điếc tiếp nhận” đơn thuần; không kèm theo chóng mặt, nếu có ù tai thì cũng nhẹ. Hiện tượng suy giảm thính giác có thể bắt đầu 20 - 30 tuổi, nhưng cũng có thể gây phiền hà, khó chịu từ tuổi 50 trở đi.

Cấu trúc giải phẫu của tai

Cấu trúc giải phẫu của tai

Điếc đột ngột không phải là một vấn đề quá phổ biến. Theo các thống kê, tỷ lệ mắc trung bình của bệnh nằm ở khoảng 5-20/100.000 người mắc. Nếu tính tương đương, ở nước ta sẽ có từ 5.000 - 18.000 người găp phải tình trạng này. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 50-60 ở nam và nữ. Một số nghiên cứu cho thấy có sự cao hơn ở nữ giới. Đa phần tình trạng điếc đột ngột có thể tự bình phục (47%-70%), thường xảy ra ở một bên tai (2% bệnh nhân xảy ra ở cả hai tai).

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng điếc đột ngột. Thường được chia làm thành 4 nguyên nhân chủ yếu như: chèn ép mạch máu, vỡ các màng trong ốc tai, nhiễm siêu vi, bệnh tự miễn. Dựa trên sự liên hệ với cấu trúc ốc tai, các nguyên nhân gây điếc đột ngột được chia làm các nguyên nhân tại ốc tai và các nguyên nhân sau ốc tai:

Nguyên nhân tại ốc tai: Có thể gây ra tình trạng điếc đột ngột do nhiễm virus, vi khuẩn như HIV, giang mai, quai bị, zona, sởi, cúm…; do tổn thương như co thắt mạch máu, huyết khối, xuất huyết trong tai,..; các nguyên nhân bệnh về máu như hồng cầu hình liềm, thiếu máu thiếu sắt...; do việc sử dụng một số loại thuốc như kháng sinh, aspirin...; các rối loạn về chuyển hóa như đái tháo đường, suy tuyến giáp… hay các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống…

Nguyên nhân sau ốc tai: Các nguyên nhân sau ốc tai phổ biến như u não, viêm não, u bao dây thần kinh tiền đình, ung thư di căn…

Một số triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân có liên quan đến tình trạng điếc đột ngột như:

- Nghe kém tiếp nhận một bên hay cả hai bên tai.

- Ù tai: Xuất hiện ở 60% - 70% trường hợp bệnh nhân đến khám do điếc đột ngột, các triệu chứng ù tai kiểu tai trong khi bệnh nhân cảm nhận được các âm thanh như tiếng ve kêu, tiếng xay lúa, tiếng máy bay… Ù tai có thể xuất hiện vài ngày trước khi có tình trạng nghe kém, có thể biến mất hoặc còn sau khi tình trạng nghe kém được hồi phục.

- Chóng mặt: 20% - 40%.

- Đầy nặng tai: 15% - 30%.

- Viêm nhiễm đường hô hấp trên do virus: 20% - 40%.

Cần điều trị sớm

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên tình trạng điếc đột ngột, cho nên việc tìm đúng nguyên nhân gây bệnh để điều trị đúng và kịp thời là vô cùng quan trọng. Bằng nhiều biện pháp khác nhau như thăm khám lâm sàng, điều tra tiền sử bệnh, lịch sử dùng thuốc, chấn thương cũng như các biện pháp chẩn đoán hình ảnh, nội soi tai, thực hiện các xét nghiệm công thức máu, đông máu, MRI sọ não có tiêm thuốc cản từ… Bác sĩ điều trị cần nhanh chóng xác định chính xác nguyên nhân và có chỉ định điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Trong các trường hợp điếc đột ngột vô căn, corticoid đang được chấp nhận và sử dụng rộng rãi bằng đường toàn thân hay dùng tại chỗ. Tuy nhiên liệu pháp này thường không có hiệu quả hoặc hiệu quả kém nếu trường hợp điếc >90dB, liều điều trị được áp dụng là 1mg/Kg/ngày và được giảm liều dần trong 3 tuần. Việc sử dụng corticoid trên đường toàn thân có thể tiềm ẩn một số tác dụng không mong muốn như tăng đường huyết, tăng huyết áp, loét dạ dày, loãng xương, làm chậm lành vết thương, gây tăng cân và béo phì.

Trong những năm gần đây phương pháp corticoid chích xuyên nhĩ (tại chỗ) có thể giúp cải thiện sức nghe 50% trong các trường hợp sử dụng Desamethasone hoặc Methylprednisone, được sử dụng khi chống chỉ định sử dụng corticoid toàn thân, giúp nồng độ hoạt chất tại mô đích cao hơn. Có thể thực hiện trên bệnh nhân ngoại trú, áp dụng ở những trường hợp trễ (trong vòng 1 tháng), ít tác dụng phụ hơn so với trường hợp dùng đường toàn thân. Ngoài ra, một số phương pháp khác có thể sử dụng như oxy cao áp, thuốc kháng virus, lợi tiểu hoặc phẫu thuật trong các trường hợp rò ngoại dịch.

Một số trường hợp bệnh nhân không có khả năng phục hồi, cần có sự tư vấn để sự thay đổi lối sống, sinh hoạt phù hợp với tình trạng nghe kém. Họ sẽ được sử dụng máy trợ thính, tập các bài tập chống ù tai, chóng mặt; đo, kiểm tra thính lực định kỳ trong vòng 6 tháng.

Nghe chính là chức năng của ốc tai. Thông qua cơ chế tiếp nhận và chuỗi truyền tín hiệu được thực hiện bởi các cơ quan cấu trúc trong tai, các tín hiệu âm thanh được chuyển thành các tín hiệu xung thần kinh được phần ốc tai của thần kinh sọ VIII truyền về não cho ta nhận biết về âm thanh đã phát ra. Ốc tai được cung cấp máu bởi động mạch tiểu não trước dưới, do đó khi xuất hiện các tổn thương đến việc tuần hoàn máu đến ốc tai, có thể dẫn đến tình trạng tiếp nhận kém tiếp nhận.

ThS.BS VĂN THỊ HẢI HÀ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/diec-dot-ngot-tinh-lang-bat-thuong-cua-am-thanh-cuoc-song-n184414.html