Dịch vụ tư vấn du lịch đắt khách

Một trong những công việc đang 'ăn nên làm ra' hiện nay là tư vấn du lịch, đặc biệt là tư vấn cho các địa phương lập quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch.

Một công ty du lịch giới thiệu điểm đến tại TPHCM. Ảnh: Đào Loan

Không lo hết việc

Trao đổi với TBKTSG bên lề một buổi giới thiệu điểm đến tại TPHCM, giám đốc một sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh cho biết đang tìm chuyên gia giỏi tư vấn để lập chiến lược phát triển du lịch nhưng chưa tìm ra người thích hợp. Chuyên gia nước ngoài đến từ các tập đoàn quốc tế rất muốn tham gia nhưng chi phí trả cho họ quá đắt, lên đến hàng triệu đô la Mỹ; một số chuyên gia có tiếng trong nước thì đang bận rộn nên từ chối. Còn một số người khác thì sở đắn đo vì lo nhà tư vấn chưa có nhiều kinh nghiệm và thiếu am hiểu về địa phương.

Câu chuyện của tỉnh này phần nào nói lên sự nhộn nhịp trong mảng dịch vụ tư vấn phát triển du lịch hiện nay. Nếu như trước kia, dịch vụ tư vấn du lịch chỉ tập trung ở phần tư vấn phát triển dịch vụ-sản phẩm cho doanh nghiệp thì nay mảng tư vấn để lập chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch của địa phương đang diễn ra rất sôi động. Địa phương ở đây không chỉ là một tỉnh, thành phố mà còn là huyện, thị xã. Chính quyền ở những nơi này không chỉ muốn lập quy hoạch, chiến lược chung mà còn có nhiều yêu cầu khác, chẳng hạn tư vấn để phát triển một sản phẩm đặc thù: sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, hay đơn giản như là mở một phố đi bộ...

Do thị trường du lịch chưa có nhiều chuyên gia, nhà lập quy hoạch du lịch chuyên nghiệp thực sự nên những người có kinh nghiệm ở các trung tâm du lịch lớn như TPHCM, Hà Nội đang được săn đón để thuê làm dịch vụ tư vấn này. Giám đốc một số công ty, quan chức du lịch nghỉ hưu, những người có tiếng trong việc phát triển một sản phẩm nào đó đang nhận được nhiều lời mời tư vấn từ địa phương.

Một số trường về du lịch cũng tham gia làm dịch vụ tư vấn nhưng bên cạnh lợi thế về chuyên môn, các trường lại có hạn chế về mảng tư vấn để sản phẩm kết nối được với thị trường nên chưa có nhiều địa phương chọn lựa. Thực tế đã có trường hợp một tỉnh muốn lập quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch và có đến năm trường đại học đề nghị tham gia tư vấn nhưng cuối cùng địa phương lại chọn doanh nghiệp vì có lợi thế về mạng lưới và khả năng kết nối với thị trường.

Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, rất nhiều tỉnh, thành muốn phát triển du lịch nhưng không biết bắt đầu từ đâu nên rất cần tư vấn. Đặc biệt, từ đầu năm ngoái, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 với mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì nhu cầu của các địa phương lại càng cao hơn.

“Vài địa phương vừa đề nghị hợp tác nhưng tôi chưa dám nhận lời vì đã kín lịch đến hết năm. Đây là dịch vụ đang có nhu cầu cao nhưng lại đang thiếu người có kinh nghiệm để làm”, ông nói.

Gần hai năm nay, cùng với việc kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nhân này đang chuyển dần sang mảng dịch vụ tư vấn. Tương tự như một số chuyên gia khác, ông thường không làm một mình mà hợp tác với nhiều người có kinh nghiệm ở những mảng khác nhau như chuyên gia về môi trường, về một số sản phẩm đặc trưng... để thực hiện dự án.

Trao đổi với TBKTSG, một số chuyên gia cho biết chi phí tư vấn để lập quy hoạch, chiến lược du lịch của chuyên gia trong nước khá mềm so với yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài. Thông thường, các địa phương chi khoảng 500 triệu đến 1 tỉ đồng cho một dự án, có khi trả chi phí theo từng phần của công việc.

Cân nhắc về chất lượng

Việc các địa phương đang rốt ráo lập quy hoạch, đề án phát triển du lịch, phát triển sản phẩm cho thấy quyết tâm thúc đẩy ngành du lịch đi lên, nhưng bên cạnh đó cũng đặt ra vấn đề về chất lượng tư vấn.

Thực tế, không hiếm những bản tư vấn có nội dung chung chung, không có tư vấn rõ ràng về sản phẩm, thị trường. Cũng có không ít trường hợp địa phương đi theo phong trào, dựa quá nhiều vào thương hiệu của nhà tư vấn để chọn lựa, nên cứ thấy địa phương khác làm sản phẩm nào thành công và người nào nổi tiếng với sản phẩm đó là mời về làm tư vấn, để cuối cùng kết quả nhận được không như ý.

Chẳng hạn, hiện mô hình phát triển du lịch cộng đồng và dịch vụ lưu trú homestay đang nổi lên như một cách đầu tư ít mà mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nên rất nhiều tỉnh muốn phát triển và mời những người thành công trong mảng này về tư vấn. Tuy nhiên, cả nhà tư vấn và cơ quan quản lý đều không để ý đến đặc thù về chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch hiện tại, đặc thù về nguồn khách... nên cùng là một dịch vụ nhưng nơi khác thành công còn nơi kia thì ế ẩm.

Đã có không ít trường hợp, lúc mới làm quy hoạch và đưa ra sản phẩm thì có vẻ “xôm tụ” bởi không chỉ có các buổi lễ công bố rình rang mà còn có nhiều chuyến famtrip (chuyến đi tìm hiểu sản phẩm) của công ty lữ hành và các cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, sau đó sản phẩm cứ èo uột dần, người dân bán không được dịch vụ. Hỏi ra mới biết, ban đầu có một số công ty lữ hành gửi khách đến, thông tin xuất hiện khá nhiều là do đơn vị tư vấn có mối quan hệ tốt nên đẩy thông tin lên, còn sau đó ít người đến vì dịch vụ du lịch xung quanh còn ít, chưa đồng bộ, điểm đến lại xa trung tâm...

Theo ông Phạm Hà, CEO của Luxury Travel, vấn đề dễ thấy nhất trong các bản chiến lược là các địa phương đang quá coi trọng về lượng khách. Vì thế, địa phương thường chăm chút nhiều vào mục tiêu số lượng mà chưa đi sâu vào phân tích thị trường, lợi thế cạnh tranh, tâm lý khách hàng để đưa ra những sản phẩm đặc trưng. Chưa kể, có những bản chiến lược ngắn hạn, chú trọng vào những sản phẩm, thị trường dễ thu hút để có kết quả nhanh, nhằm cho thấy đề án hiệu quả chứ chưa nhắm đến mục tiêu phát triển dài hạn, có tính đến những thay đổi của thị trường du lịch.

“Các địa phương nên có chiến lược riêng để phù hợp với điều kiện của mỗi nơi và nhà tư vấn không chỉ phải giỏi mà còn phải độc lập, không bị các nhóm lợi ích chi phối”, ông Hà nói.

Ông Phan Đình Huê cũng cho rằng bên cạnh kiến thức, kinh nghiệm về du lịch, am hiểu địa phương, khả năng kết nối với thị trường thì nhà tư vấn còn phải có tính kiên định. Hầu như địa phương nào cũng có quyết tâm phát triển du lịch, cũng thấy nơi đó có nhiều tiềm năng và ngay lập tức muốn thu hút thị trường này, thị trường kia với những con số về lượng khách lớn trong tưởng tượng. Tuy nhiên, đi vào thực tế thì nhiều khi những điểm tưởng chừng là lợi thế lại rất khó để phát triển du lịch và nhà tư vấn phải quyết liệt để không vẽ ra những bản tư vấn đọc có vẻ hay nhưng không có tính khả thi.

“Có nơi cho rằng văn hóa Khmer là tài nguyên đặc biệt, là điểm nhấn để kéo khách nhưng khi hỏi nếu muốn du khách xem biểu diễn múa Khmer thì có sân khấu biểu diễn không, có nhà hàng Khmer không, xem lễ hội ở đâu... thì lại không có, rất khó để tạo thành sản phẩm hữu hình. Vì thế, nếu nhà tư vấn cứ chiều theo ý muốn của địa phương thì không thể có bản tư vấn có chất lượng”, ông nói.

Cũng theo ông Huê, chiến lược phát triển phải đánh giá kỹ càng nhiều vấn đề liên quan đến điểm đến, trong đó có tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, hạ tầng du lịch, sản phẩm, thị trường. Bên cạnh đó, nhà tư vấn phải đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu của địa phương trong tương quan với các điểm đến khác nhằm định vị được điểm đến thì mới có thể đưa ra những gợi ý hay về sản phẩm, thị trường, về những việc cần làm theo từng giai đoạn.

Đào Loan

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281253/dich-vu-tu-van-du-lich-dat-khach-.html