Dịch vụ tàu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long: Loay hoay gỡ khó

Dịch vụ tàu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long là một dịch vụ lưu trú cao cấp của du lịch Hạ Long, Quảng Ninh. Các tàu nghỉ đêm trước nay thường đón khách nước ngoài là chủ yếu. Chính vì vậy mà giai đoạn này, khi lượng khách quốc tế bị hạn chế do tác động nặng nề của dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn…

Quảng Ninh hiện có 187 tàu nghỉ đêm hoạt động trên Vịnh Hạ Long.

Quảng Ninh có 187 tàu lưu trú nghỉ đêm với gần 2.200 phòng, chiếm 37,4% số lượng tàu du lịch được cấp phép hoạt động trên Vịnh Hạ Long hiện nay. Các tàu này đều đạt hạng 2 sao, 1 sao, trong đó có khoảng 30% là tàu vỏ thép.

Khi dịch vụ tham quan Vịnh Hạ Long mở cửa trở lại từ đầu tháng 5, sau thời gian giãn cách xã hội, lượng khách tham quan Vịnh Hạ Long tăng lên khá nhanh, trong tháng 5 đạt 138,2 nghìn lượt. Tuy nhiên, lượng khách lưu trú trên vịnh còn khiêm tốn với 5,7 nghìn lượt.

Số khách lưu trú trên tàu nghỉ đêm giảm mạnh là khó khăn lớn nhất của dịch vụ tàu nghỉ đêm hiện nay. Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hoàng Phương, chia sẻ: Gói kích cầu du lịch của tỉnh chỉ hỗ trợ miễn, giảm vé tham quan cho khách đi tàu tiếng nên hút dòng khách này nhưng lại khó thu hút nguồn khách cho tàu lưu trú.

Tàu nghỉ đêm của chúng tôi cả tháng chỉ chạy tầm 6-7 chuyến, bằng 10 đến 15% so với trước kia. Vì vậy, nhân sự của đơn vị hiện mới huy động trở lại khoảng 70%, trong đó số giảm chủ yếu là với nhân lực tàu lưu trú, không thì không đủ chi phí.

Khách tàu nghỉ đêm trước đây 80% là khách nước ngoài, giờ muốn mở rộng vào thị trường nội địa thiết nghĩ nên xem xét giảm giá vé tham quan cho cả dòng khách này. Chúng tôi hiện đang giảm giá dịch vụ xuống còn gần 50%, nếu tỉnh hỗ trợ giảm giá vé tham quan nữa thì chắc chắn sẽ thu hút nguồn khách nội địa nhiều hơn…

Vốn chủ yếu đón nguồn khách nước ngoài nên không chỉ chịu ảnh hưởng ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thời gian hồi phục của các tàu nghỉ đêm cũng kéo dài hơn. Không chỉ doanh nghiệp Hoàng Phương, qua khảo sát trên trang web của các doanh nghiệp kinh doanh tàu lưu trú trên Vịnh Hạ Long, nhiều đơn vị đều chọn cách giảm giá dịch vụ từ 20% tới 40, 50% để lôi kéo khách.

Ông Trần Văn Hồng, Chi hội Phó Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, cho hay, do không có khách, các tàu nghỉ đêm đa phần đều đỗ tại bến trong thời gian qua. Các chủ tầu đều phản ánh tới chi hội về những khó khăn hiện nay. Tàu đỗ, các doanh nghiệp đều tiết giảm nhân sự và phải huy động nguồn vốn của gia đình để trả lương giữ chân nhân viên, trả lãi suất ngân hàng…

Nhiều doanh nghiệp tàu nghỉ đêm đã hạ giá dịch vụ để tự cứu mình trong thời điểm này, mặc dù hạ giá như thế, họ không còn lợi nhuận nữa mà chỉ muốn có nguồn thu làm sao đủ trả lương cho công nhân, duy trì hoạt động của tàu để chờ thị trường khách hồi phục sau này.

Cũng do ảnh hưởng bởi dịch dẫn tới giảm lượng lớn khách sử dụng dịch vụ tàu nghỉ đêm nên một số doanh nghiệp đã đầu tư, dự kiến đưa vào hoạt động một số tàu vỏ thép lớn, thay thế những con tàu vỏ gỗ cũ, nay đã tạm dừng lại hết, nằm im trong xưởng.

Khách nước ngoài là lượng khách chủ yếu của tàu nghỉ đêm trước đây.

Bên cạnh đó, dịch vụ tàu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long hiện đang phải cạnh tranh mạnh với dịch vụ tàu nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ của Hải Phòng. Theo ông Hồng phân tích thì không chỉ nhiều tàu nghỉ đêm phía địa phương bạn được đóng mới với hàng loạt tàu vỏ thép, đẹp hơn và tiêu chuẩn hơn vì mới được đầu tư mà chính sách về thuế, phí cũng “dễ thở” hơn. Phí cảnh điểm của phía bạn đối với tàu lưu trú trước nay vốn thấp hơn gần một nửa so với Quảng Ninh, sau dịch còn được giảm thêm nữa nên các dịch vụ càng giảm phí thấp hơn để hút khách.

Tranh thủ sự thuận lợi ấy, những năm gần đây, không ít chủ doanh nghiệp tàu lưu trú của tỉnh đã chuyển một số tàu du lịch, trong đó có nhiều tàu lưu trú sang kinh doanh tại vịnh Lan Hạ, dẫn tới thất thoát nguồn thuế không nhỏ cho Quảng Ninh…

Đó là vấn đề chiến lược mang tính dài hơi của tỉnh, tuy nhiên giải quyết những khó khăn trước mắt về tài chính đang là nỗi lo của các doanh nghiệp kinh doanh tàu nghỉ đêm.

Ông Hồng cho biết: Các chủ doanh nghiệp chủ yếu cũng phải đi vay ngân hàng đầu tư cho tàu nghỉ đêm vì mức kinh phí lớn, riêng trả lãi ngân hàng hàng tháng có thể lên tới vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng/tháng. Đó là khó khăn thực sự của chủ tàu.

Giờ vắng khách như thế, đề nghị tỉnh có hỗ trợ về lãi suất, giảm thuế, giãn nợ thời gian dài để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tàu nghỉ đêm chủ động nguồn tài chính hồi phục sau dịch. Chứ tàu mấy chục tỷ mà đem chở khách tham quan theo tiếng, thu mấy triệu đồng/chuyến thì không đủ chi phí nhưng vì khó khăn, không ít đơn vị vẫn đưa tàu lưu trú đi kinh doanh như thế để có nguồn thu phần nào chi trả lương, giữ chân người lao động.

Qua tìm hiểu, chúng tôi cũng được biết thêm là so với tàu tham quan theo tiếng thì tàu lưu trú có nguồn thu cũng như mức chi phí cao hơn hẳn. Chỉ cần một khách tham gia dịch vụ trên tàu nghỉ đêm (1 ngày, đêm) cũng có chi phí bằng, thậm chí hơn cả một chuyến tàu tiếng hiện giờ.

Vẫn biết, với Quảng Ninh thì kinh doanh tàu lưu trú là loại hình kinh doanh có điều kiện, khách tham gia dịch vụ nghỉ đêm trên tàu đa phần là khách hạng sang, có điều kiện, tuy nhiên, việc có những chính sách, tác động hỗ trợ của tỉnh thời điểm này thiết nghĩ vẫn rất cần thiết.

Qua đó không chỉ góp phần kích cầu du khách nội khám phá nhiều hơn loại hình nghỉ dưỡng độc đáo, là thương hiệu của du lịch Quảng Ninh này, mà còn tích cực gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tàu lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long.

Phan Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/202006/dich-vu-tau-nghi-dem-tren-vinh-ha-long-loay-hoay-go-kho-2487597/