Dịch vụ tài chính của Alibaba hoàn tất gọi vốn 14 tỉ đô la Mỹ mở rộng hoạt động toàn cầu

Ant Financial, công ty cung cấp dịch vụ tài chính của tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, đã hoàn tất vòng gọi vốn với số tiền huy động tổng cộng 14 tỉ đô la Mỹ từ các nhà đầu tư.

Nhân viên quét một mã QR trên màn hình ứng dụng thanh toán Alipay của Ant Financial Services Group - một thành viên của tập đoàn Alibaba. Ảnh: Anthony Kuan/Bloomberg/Forbes Magazine.

Vòng gọi vốn được huy động bằng đồng nhân dân tệ từ các cổ đông hiện hữu và bằng đồng đô la từ các nhà đầu tư tài chính quốc tế, trong đó có quỹ đầu tư GIC và Temasek từ Singapore, Khazanah Nasional Berhad từ Malaysia và Canada Pension Plan Investment Board từ Canada. Các quỹ đầu tư private equity (dạng đầu tư vào cổ phần của các công ty chưa niêm yết) như Warburg Pincus, Silver Lake Partners và General Atlantic cũng tham gia vào đợt rót vốn bằng đồng đô la, theo một thông báo từ Ant Financial.

Ant Financial không tiết lộ mức định giá mới nhất, nhưng nguồn tin của Forbes cho biết công ty có trụ sở ở Hàng Châu này giờ đây trị giá 150 tỉ đô la Mỹ, khiến nó trở thành công ty khởi nghiệp công nghệ có giá trị cao nhất thế giới, vượt qua cả nền tảng cung cấp dịch vụ gọi xe Uber Technologies của Mỹ. Lần gọi vốn này cũng đánh dấu bước nhảy vọt của Ant Financial so với mức định giá 60 tỉ đô la Mỹ lần trước, khi công ty huy động vốn kỷ lục 4,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2014.

Ant Financial dự tính dùng số tiền thu được thu được để đẩy nhanh kế hoạch mở rộng toàn cầu và đầu tư phát triển công nghệ. Công ty đang vận hành ứng dụng thanh toán Alipay, quỹ thị trường tiền tệ Yu'e Bao và chi nhánh ngân hàng trực tuyến của chính hãng này tại Trung Quốc, nhắm đến mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính tới người tiêu dùng toàn cầu. Công ty gần đây đã mua cổ phần từ một vài tổ chức tài chính ở châu Á, bao gồm dịch vụ chuyển tiền bKash của Bangladesh và Tenenor Microfinance Bank của Pakistan, trong khi thử nghiệm một phiên bản địa phương của Alipay tại thị trường Hong Kong thông qua liên doanh với CK Hutchison Holdings của tỉ phú Lý Gia Thành.

"Chúng tôi nỗ lực xây dựng một hệ thống mở với tất cả các đối tác ở Trung Quốc và hơn thế nữa," Eric Jing, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Ant Financial, cho biết trong một thông báo.

Một máy hiển thị mã QR và hướng dẫn thanh toán của Ant Financial trưng bày bên trên bể cá tại một quầy hàng trong chợ Po Tat ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: Anthony Kwan/Bloomberg/Forbes Magazine.

Ant Financial cũng đang định vị là một nhà cung cấp công nghệ tân tiến, có khả năng giúp hãng tạo ra thêm nguồn doanh thu trong tương lai. Công ty gần đây ký một thỏa thuận cung cấp công nghệ nhận dạng sinh trắc học và hệ thống quản lý rủi ro bằng trí tuệ nhân tạo cho một số ngân hàng Trung Quốc, bao gồm China Everbright Bank và Shanghai Pudong Development Bank.

Các thỏa thuận gần đây cũng giúp giải tỏa bớt áp lực về mặt pháp lý cho Ant Financial, khi công ty thu hút sự giám sát đối với các hoạt động cho vay trực tuyến và quản lý tài sản. Giới chức lo ngại dịch vụ của Ant Financial đang hút tiền ra khỏi các ngân hàng của nhà nước và gia tăng đòn bẩy không mong muốn vào một nền kinh tế đã sẵn có nợ nần. Zennon Kapron, người sáng lập Kapronasia, công ty tư vấn có trụ sở ở Thượng Hải, cho rằng bước chuyển hướng này giúp ích cho Ant Financial, bởi giờ đây công ty "không còn bị xem là đối thủ cạnh tranh với các ngân hàng mà là hợp tác với họ."

Tác giả FORBES

Nguồn Forbes: http://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/dich-vu-tai-chinh-cua-alibaba-hoan-tat-goi-von-14-ti-do-la-my-mo-rong-hoat-dong-toan-cau-3876.html