Dịch vụ nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên: 'Món quà' chưa được đầu tư, khai thác xứng tầm

Được phát hiện từ những năm 1997 – 1998, nguồn nước khoáng nóng trên 40 độ C được xem là 'món quà' mà đất mẹ dành tặng cho người dân xã Quảng Yên (Quảng Xương). Tuy nhiên, do chủ yếu mang tính tự phát, thiếu định hướng, quy hoạch đồng bộ và đầu tư bài bản nên đến nay, dịch vụ tắm khoáng nóng tại đây vẫn chưa thể mở mang, phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế xứng tầm với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Phần lớn các phòng tắm phục vụ khách tắm khoáng nóng đều đã xây dựng từ lâu, không được đầu tư, cải tạo, nâng cấp.

Đi qua những con đường nhỏ quanh co, uốn lượn bên những cánh đồng lúa, rau màu xanh mướt, chúng tôi ghé thăm gia đình bà Đàm Thị Hiền (60 tuổi, thôn Yên Cảnh, xã Quảng Yên) – một trong những gia đình có “truyền thống” hơn 22 năm mở dịch vụ tắm khoáng nóng. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1998, gia đình bà có nhu cầu khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Khi khoan xuống độ sâu khoảng 32m thì mũi khoan bỗng nhiên sụt xuống. Và lúc rút mũi khoan lên, một nguồn nước khoáng nóng bỗng phun tràn mạnh mẽ, chưa đầy 5 phút sau đã trong vắt. “Tuy nhiên, thời điểm đó, dù có chút tò mò, ngạc nhiên nhưng gia đình cũng chưa hề mảy may nghĩ ngợi gì đến việc sẽ đầu tư, kinh doanh hay kiếm được tiền từ nguồn nước khoáng nóng này” – bà Hiền thật thà chia sẻ.

“Tiếng lành đồn xa”, nhiều người dân trong vùng và các khu vực lân cận tìm đến gia đình bà tỏ ý muốn được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm nguồn nước khoáng nóng này. Bà Hiền kể: “Thời điểm ấy, ngày nào gia đình tôi cũng đón hàng chục rồi đến hàng trăm người đến tắm, miễn phí cả, vui là chính. Thành thử ra, nhà chẳng khi nào khóa cửa, đi đâu cũng chỉ cài then lại, ai đến thì tự mở cửa vào tắm. Hồi đó, nhà làm gì đã có nhà tắm kín đáo, lịch sự như bây giờ. Vài mảnh bạt, mảnh vải che chắn tạm bợ nhưng người vào ra tấp nập, đông vui lắm. Có người từ thành phố xuống, chờ hết nửa ngày mới đến lượt”. Dù suốt thời gian dài “miễn phí”, gia đình bà Hiền vẫn luôn vui vẻ, nhiệt tình tiếp đón khách ghé thăm. Bởi với người nông dân hiền lành, chất phác nơi đây, những khái niệm, ý tưởng về kinh doanh dịch vụ vẫn là điều gì đó rất mông lung, xa vời.

Năm 2004, gia đình bà Hiền nhận được những đồng tiền đầu tiên từ khách đến trải nghiệm tắm khoáng nóng. Bà cho biết: “Khi lượng khách đến ngày càng đông, để “san sẻ” bớt chi phí tiền điện, gia đình tôi thu tiền của khách với mức giá 500 đồng/người”. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để cải thiện kinh tế nên mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng gia đình bà Hiền cố gắng chạy vạy, vay mượn đầu tư xây dựng 20 phòng tắm khoáng nóng (8 phòng tắm đứng, 12 phòng tắm bồn) với tổng chi phí khoảng 100 triệu đồng. Các phòng đều được lát gạch hoa, lắp hệ thống vòi hoa sen... Mức giá cũng tăng lên 1,5 nghìn đồng – 2 nghìn đồng/người. Thời gian đầu, do ưa thích cái mới lạ, trải nghiệm nên khách đến rất đông, trung bình khoảng 100 khách/ngày. Để đảm bảo an ninh trật tự, gia đình bà phải tận dụng bãi đất trống bên hông nhà làm bãi gửi xe miễn phí, đầu tư in vé vào gửi xe, vào phòng tắm. Nhiều khách đi theo nhóm, gia đình đến tắm và có nhu cầu ăn nhẹ, khi thì con gà luộc, nồi miến, bát mì gói... bà Hiền đáp ứng ngay.

Theo một cách rất tự nhiên như thế, dịch vụ tắm khoáng nóng tại xã Quảng Yên ngày càng phát triển. Dịch vụ nở rộ vào khoảng năm 2005 – 2006, người dân mạnh dạn đầu tư, xây dựng các phòng tắm đứng, tắm bồn, lắp đặt hệ thống máy bơm nước, bể nước... Lúc bấy giờ, toàn xã Quảng Yên có hơn 30 hộ gia đình mở dịch vụ tắm khoáng nóng tự nhiên với tổng số 360 phòng, khoảng 1/3 là phòng tắm đứng. Gia đình ông Ngô Minh Xuyến (66 tuổi, cũng ở thôn Yên Cảnh) bắt đầu mở dịch vụ tắm khoáng nóng muộn hơn nhiều hộ gia đình khác trong thôn. Cũng xuất phát từ nhu cầu khoan giếng để lấy nước sinh hoạt, năm 2007, gia đình ông Xuyến may mắn khoan trúng mạch nước khoáng nóng. Sau đó, theo phong trào tại địa phương, ông đầu tư, xây dựng 20 phòng tắm khoáng nóng dịch vụ với giá là 1,5 nghìn đồng/người cho phòng tắm đứng, 3 nghìn đồng/người cho phòng tắm bồn.

Chẳng cần phải diễn đạt nhiều, nhìn mức giá vé nhích dần theo năm tháng chỉ tính từng đồng, từng nghìn như thế cũng đủ để hình dung về thu nhập mà dịch vụ tắm khoáng nóng mang lại cho người dân xã Quảng Yên được đến đâu. Rõ ràng, khi làm dịch vụ, việc khách tìm đến chật kín nhà, không đủ phòng tiếp đón là niềm vui, mong ước của nhiều người. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc “đắt khách” cũng tỷ lệ thuận với doanh thu, lợi nhuận. Trong đó, dịch vụ tắm khoáng nóng tại xã Quảng Yên là ví dụ thiết thực. Bà Đàm Thị Hiền tâm sự: “Khách thì đông vậy nhưng vì chẳng có quy định về thời gian nên khách tắm thoải mái, có khi tắm cả mấy tiếng đồng hồ chưa thấy ra, xả nước vô tội vạ. Hơn hết, ngoài tắm khoáng nóng, các hộ gia đình ở đây cũng không có mở mang, phát triển thêm bất kỳ hoạt động, dịch vụ gì khác. Do đó, dù có thêm việc làm và bớt đi phần nào khó nhọc so với làm ruộng nhưng thu nhập không được cải thiện là bao”.

Đến nay, sau hơn 22 năm, thời kỳ “hoàng kim” của dịch vụ tắm khoáng nóng tại xã Quảng Yên đã qua đi. So với các dịch vụ, loại hình vui chơi giải trí mới mẻ, hấp dẫn nở rộ, dịch vụ tắm khoáng nóng ở xã Quảng Yên được xem là quá sơ sài, đơn điệu nên dần lép vế. Những phòng tắm nhỏ hẹp với vài ba vật dụng cũ kỹ, lỗi thời không đủ sức hấp dẫn, mời gọi khách. Giờ đây, toàn xã chỉ còn 20 hộ gia đình tiếp tục duy trì dịch vụ với 176 phòng tắm, chủ yếu là phòng tắm bồn, giá vé khoảng 10 nghìn đồng/người. Hầu hết các gia đình đều không đủ điều kiện kinh tế và “không dám” đầu tư mở rộng hay nâng cấp cơ sở vật chất vì “khách ngày càng thưa vắng, thu nhập chẳng đáng là bao”. Thậm chí, nhiều gia đình vẫn chưa thể trả hết nợ nần đã vay mượn từ thời kỳ đầu đầu tư mở dịch vụ tắm khoáng nóng.

Được biết, song hành cùng sự hình thành và phát triển của dịch vụ tắm khoáng nóng xã Quảng Yên, một số đoàn của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tiến hành thăm dò trữ lượng nước, khảo sát thực địa với ý tưởng đầu tư, xây dựng khu nghỉ dưỡng, tắm khoáng nóng tại đây. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những ý tưởng ấy đều chưa thành hiện thực. Đến nay, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 12874/UBND-THKH ngày 16-9-2020 về việc lập quy hoạch chi tiết quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng trên địa bàn xã Quảng Yên. Đây được xem là tín hiệu tích cực, mở ra nhiều hy vọng về sự quan tâm, đầu tư, quy hoạch bài bản, thiết thực, hiệu quả, xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng, tắm khoáng nóng mà tạo hóa ưu ái ban tặng cho mảnh đất nghèo Quảng Yên. Ông Lê Quang Kỳ, Chủ tịch UBND xã Quảng Yên chia sẻ: “Ngay sau khi tiếp nhận chủ trương, UBND xã đã tạm dừng đầu tư công, giữ nguyên trạng khu vực nằm trong diện quy hoạch. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân địa phương nắm bắt, nhận thức đầy đủ chủ trương của tỉnh, huyện”.

Bài và ảnh: Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/dich-vu-nghi-duong-khoang-nong-tai-xa-quang-yen-nbsp-mon-qua-chua-duoc-dau-tu-khai-thac-xung-tam/128864.htm