Dịch vụ khám bệnh tư gấp 5-10 lần viện công: Thật không?

Chênh lệch phí dịch vụ khám bệnh là biểu hiện của một bên đã được hạch toán đầy đủ với một bên thiếu minh bạch, rõ ràng...

Khác biệt lớn

Số liệu của Business Monitor International mới đây cho biết, số tiền chi cho sức khỏe tại Việt Nam ngày càng tăng, cụ thể, năm 2017 ước khoảng 16,1 tỷ USD, chiếm 7,5% GDP, thì ước đến năm 2021 con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 22,7 tỷ USD.

Chi phí khám chữa bệnh dịch vụ tư cao hơn bệnh viện công do được hạch toán đầy đủ, minh bạch. Ảnh minh họa: Congluan.vn

Chi phí khám chữa bệnh dịch vụ tư cao hơn bệnh viện công do được hạch toán đầy đủ, minh bạch. Ảnh minh họa: Congluan.vn

Số liệu cũng nhấn mạnh các bệnh viện tư nhân lớn trên cả nước đều có lãi lớn khi chi phí dịch vụ gấp 5- 10 lần so với khám ở các bệnh viện công, hầu hết các bệnh viện tư nhân ở Việt Nam đều lãi gấp đôi chỉ sau vài ba năm.

Trước thông tin trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, số liệu trên không sai nhưng chưa phản ánh hết được vấn đề.

Theo ông Hải, trước hết cần hiểu rõ sự khác biệt giữa bệnh viện công và bệnh viện tư trên cơ sở đó mới đưa ra những mổ xẻ, đánh giá liên quan được.

Sự khác biệt đầu tiên được vị chuyên gia chỉ rõ chính là nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực... Theo đó, bệnh viện tư là do nhà đầu tư tư nhân tự bỏ hoàn toàn vốn ban đầu, bao gồm cả tiền thuê mặt bằng, đất đai, cho tới kinh phí xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị máy móc, chi trả lương, kể cả chi phí đào tạo nguồn nhân lực... Trong điều kiện đó, giá viện phí bệnh viện tư tại nhiều nơi đã tiệm cận thị trường, tính đúng, tính đủ chi phí gián tiếp. Nhiều bệnh viện tư nhân ở các tỉnh, thành phố cũng đã chấp nhận thanh toán cho bệnh nhân có bảo hiểm nhà nước, với giá cả dịch vụ tương đương với mức viện phí của bệnh viện công.

Đáng nói, trong điều kiện phải tự bỏ tiền mua đất, thuê đất, xây bệnh viện, mua thiết bị, tuyển dụng nhân sự, chi trả lương mà bệnh viện tư vẫn sống được, phát triển được, tức là người ta có lãi. Trong khi, nhìn sang khu vực bệnh viện công sẽ thấy, toàn bộ nguồn đầu tư do ngân sách chi trả. Từ mặt bằng, chi phí xây dựng, đầu tư hạ tầng, máy móc, thiết bị, kể cả việc đào tạo nguồn lực con người... tất cả đều là tiền từ ngân sách. Thế nhưng, dù bệnh viện công được đầu tư bằng nguồn lực công nhưng rất ít bệnh viện công tự chủ được, hoặc chỉ tự chủ một phần tài chính chi phí thường xuyên, chưa thể tự chủ được về cơ sở vật chất, hạ tầng, kể cả các viện đang quá tải bệnh nhân như Việt Đức, Bạch Mai....đó mới là vấn đề đáng nói.

Ông Hải cho hay, từ chỗ khác nhau về nguồn vốn đầu tư đã dẫn tới sự khác biệt trong cách điều hành quản lý. Bệnh viện tư được quản lý theo hình thức tự chi, tự thu, mọi chi phí được hạch toán rõ ràng. Trong khi bệnh viện công đang được định hướng chuyển dần sang tự chủ, nhưng tự chủ nửa vời khiến công tư lẫn lộn, bệnh viện công nhưng lại mở các dịch vụ khám chữa bệnh thu tiền cao, nhiều giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm, khiến chi phí thực chi của người bệnh tại các viện công cao ngang ngửa so với viện tư, thậm chí có nơi còn cao hơn.

Ngay tại một số viện công còn liên kết mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh với các công ty sân sau, buộc bệnh nhân khám trong viện nhưng phải thực hiện các xét nghiệm kỹ thuật cao bên ngoài. Những chi phí này thường không được hạch toán rõ ràng, khiến người bệnh mất tiền nhiều, nhà nước không thu được tiền mà tiền lại chảy về nơi khác. Chính điều này được ông Hải cho biết là nguyên nhân khiến chi phí khám dịch vụ tại các bệnh viện công được cho là thấp hơn bệnh viện tư nhưng thực tế có thể lại khác hẳn.

Đây cũng là lý do được đưa ra để giải thích cho việc lương bác sĩ ở khu vực bệnh viện công thường thấp hơn bệnh viện tư nhưng viện tư vẫn khó mời được bác sĩ giỏi từ khu vực bệnh viện công.

Lương thấp nhưng 'hoa hồng' nhiều

Theo lời kể của ông Hải, nhiều giám đốc bệnh viện tư rất muốn mời bác sĩ giỏi của khu vực công sang làm việc với lời hứa hẹn mức lương cao hơn nhiều lần với khu vực công, tuy nhiên họ vẫn không mời được.

Lý do được giải thích là do bác sĩ làm việc ở bệnh viện công lương thấp nhưng hoa hồng nhiều.

"Bác sĩ các viện công ngoài lương, thưởng, còn được hưởng rất nhiều nguồn lợi khác như phần trăm làm xét nghiệm, phần trăm từ việc bán phiếu thuốc, sổ xét nghiệm, mua sắm vật tư y tế...

Chính vì nhiều nguồn thu như vậy nên dù lương cơ bản thấp hơn nhưng tổng thu nhập của các bác sĩ khu vực công lại cao hơn khu vực tư, điều này khiến họ không muốn rời đi", ông Hải nói.

Trở lại sự khác nhau về chi phí dịch vụ khám chữa bệnh giữa hai khu vực bệnh viện công và tư theo số liệu công bố của Business, ông Hải cho rằng, đó là biểu hiện của việc một bên đã được hạch toán đầy đủ với một bên thì không thể thực hiện hạch toán được một cách đầy đủ, minh bạch.

Câu hỏi đặt ra là tại sao khu vực tư nhân thì hạch toán được rõ ràng, còn khu vực công thì không thể hạch toán được?

Dẫn vụ việc xảy ra tại bệnh viện Bạch Mai, và CDC Hà Nội, ông Hoàng Hải cho rằng nguyên nhân là do có thực trạng thất thoát tài sản nhà nước rất lớn tại các bệnh viện công. Cụ thể, các suất đầu tư vật chất, hạ tầng bệnh viện thường cao gấp đôi viện tư nhân nhưng máy móc chất lượng kém. Giá thuốc qua đấu thấu vẫn chênh lệch nhiều chục phần trăm, các hợp đồng mua sắm thiết bị y tế, máy móc luôn có những vấn đề thiếu minh bạch, thậm chí là tiêu cực, đội giá như các vụ việc tiêu cực trong phòng chống dịch vừa qua.

Điều này cũng chính là câu trả lời cho nhận định ban đầu khi ông đưa ra và cho rằng, báo cáo của Business không hoàn toàn chính xác. Bởi những đánh giá này chỉ đánh giá dựa trên những khoản thực chi đã được hạch toán, trong khi khoản chi phí không hạch toán được tại khu vực công đang bị thất thoát thì lớn hơn gấp nhiều lần đã không thể thống kê được.

Bệnh viên công cần làm gì?

Từ cách nhìn nhận nêu trên, ông Hải cho hay nếu các bệnh viện công cũng làm tốt và hạch toán được đầy đủ, minh bạch như khu vực tư nhân thì 95% bệnh viện công tuyến thành phố, bệnh viện nằm ở khu vực đông dân đều thực hiện tự chủ được về tài chính.

Khi đó, nguồn lực đầu tư cho y tế nên ưu tiên thực hiện những chính sách dành cho bệnh nhân nghèo, khu vực vùng sâu vùng xa và công tác phòng chống bệnh dịch...

Ông Hải cho biết, nhà nước phải bơm cả 100 nghìn tỉ đồng/năm vào hệ thống các bệnh viện huyện, tỉnh, thế nhưng đổi lại người dân vẫn phải chi trả một mức phí cao, viện phí liên tục tăng, trong khi chất lượng không được cải thiện nhiều.

Ông nhận định, hiện nay các bệnh viện công có rất nhiều khâu, đoạn đã bị tư nhân hóa, gắn mác nhà nước nhưng thực chất các nhóm lợi ích, các doanh nghiệp sân sau đã thâu tóm hết từ việc kinh doanh căngtin, bãi xe tới các nhà cung cấp vật tư...

Vì điều này, ông Hải cho rằng, trước tiên nên để các bệnh viện công hoạt động theo mô hình doanh nghiệp công ích theo luật doanh nghiệp để tính đúng tính đủ các chi phí, công khai tài chính, kiểm toán đầy đủ.

Cùng với đó, lựa chọn một số bệnh viện thí điểm thực hiện cổ phần hóa, nhưng nhà nước vẫn phải kiểm soát giá viện phí để tính đúng đủ, đạt lợi nhuận định mức chứ không thể để có siêu lợi nhuận cũng đảm bảo số bệnh nhân bảo hiểm y tế được chăm sóc.

Vì thế, nhà nước vẫn nên nắm cổ phần đa số khoảng 70- 80% để nắm quyền kiểm soát, đồng thời cũng phải gắn ngay với trách nhiệm của những người đứng đầu bệnh viện, trong 2 năm không làm được thì cho thôi chức.

Ông Hải cho biết, việc CPH bệnh viện là định hướng đúng nhưng sẽ rất khó khăn do vướng phải những rào cản về lợi ích. Chính vì vậy, ông đề nghị, Quốc hội ra điều kiện với người ứng cử cho vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế phải là người thấu hiểu và nhìn nhận rõ vấn đề này.

Ví dụ là các giải pháp giải quyết thất thoát, giảm chi tiêu ngân sách, giảm tiêu cực, chi phí khám chữa bệnh có giảm không, chi phí không có bảo hiểm hiện rất cao thì phải giải quyết như thế nào? giải pháp ra sao?.

"Chỉ làm như vậy mới xử lý được tận gốc vấn đề, mới chấm dứt được những vụ việc tương tự như Bạch Mai, CDC Hà Nội hay CDC các tỉnh vừa qua", ông Hải nói.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dich-vu-kham-benh-tu-gap-5-10-lan-vien-cong-that-khong-3420061/