Dịch vụ gói bánh chưng ở thành phố Hà Tĩnh đắt khách dịp tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở gói bánh chưng trên địa bàn TP Hà Tĩnh đang tất bật chạy đua với thời gian để cung ứng sản phẩm phục vụ thị trường tết Nguyên đán 2021.

Bánh chưng là món ăn truyền thống trong dịp tết cổ truyền. Cặp bánh chưng xanh để cúng gia tiên hay bày biện trong mâm cỗ gia đình là điều không thể thiếu ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, do cuộc sống hối hả, bận rộn, nhiều gia đình không có điều kiện để gói bánh chưng. Do vậy, họ lựa chọn việc đặt mua bánh thay vì tự gói khiến dịch vụ gói bánh chưng những năm gần đây trở nên cực kỳ sôi động.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Tĩnh có hàng chục cơ sở làm dịch vụ gói bánh chưng tết. Là địa chỉ có tiếng trong nghề gói bánh chưng nhiều năm qua, cứ vào đầu tháng Chạp hằng năm, Khách sạn Công đoàn Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) lại nhận được hàng trăm đơn hàng đặt mua bánh chưng.

Anh Trần Việt Sơn – Giám đốc Khách sạn Công đoàn Hà Tĩnh chia sẻ: “Để đảm bảo đủ số lượng bánh cung cấp cho khách hàng dịp tết Nguyên đán, cơ sở đã huy động hơn 30 nhân viên. Mọi người được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng nên việc phối hợp rất nhịp nhàng, tiến độ làm việc nhanh, mỗi ngày có thể cho ra lò gần 2.000 chiếc bánh”.

Nguyên liệu chính để làm bánh chưng gồm: gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong, hành khô và các gia vị như muối, hạt tiêu… Lá dong gói bánh chưng phải tìm chọn loại lá bánh tẻ, không quá già hoặc quá non. Trước khi gói bánh, người thợ rửa sạch lá, để ráo nước và cắt theo đúng kích thước khuôn.

Bánh chưng ngon phải chọn được nguyên liệu ngon, chất lượng. Anh Trần Đình Hùng – Bếp trưởng Khách sạn Công đoàn Hà Tĩnh cho biết, cơ sở sử dụng nếp Thái loại đặc biệt, đậu sấy và thịt lợn sạch nuôi trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi tập trung nhân công làm bánh trong 3 ngày cao điểm là 26, 27 và 28 tháng Chạp, tuy nhiên trước đó một ngày, gạo và nếp phải được rửa sạch và ngâm đạt yêu cầu.

Hành khô được bóc vỏ, cho vào máy xay nhỏ.

Thịt lợn chọn loại ba chỉ để bánh có độ béo ngậy đặc trưng. Thịt rửa sạch, thái thành từng miếng to khoảng 3 - 5 cm, sau đó trộn gia vị. Khâu gói bánh cũng rất quan trọng. Bánh phải gói chặt tay thì khi luộc lên mới dẻo, không bị thấm nước vào bên trong.

Bánh được buộc thành từng cặp.

Sau gói, bánh được chuyển cho một tốp khác để xếp vào nồi.

Bánh được xếp thành hình tròn. Quá trình nấu bánh, người thợ phải theo dõi liên tục để bổ sung đủ lượng nước cho bánh chín đều.

Bánh luộc khoảng 8 tiếng là chín. Anh Trần Đình Hùng cho hay, trong suốt 3 ngày cao điểm làm bánh, bếp của Khách sạn Công đoàn luôn đỏ lửa 24/24h. “Năm nay, cơ sở dự kiến cung ứng cho thị trường khoảng 6.000 chiếc bánh chưng."

Trên địa bàn TP Hà Tĩnh hiện cũng có những gia đình làm nghề gói bánh chưng dịch vụ. Dịp tết, những cơ sở này nhận đặt hàng từ 300-700 chiếc bánh, giá bán giao động từ 35.000-70.000/chiếc tùy trọng lượng và lượng thịt sử dụng. Chị Dương Thị Trường (ngõ 14, Nguyễn Huy Tự, TP Hà Tĩnh), cho hay, năm nay, gia đình chị gói khoảng 500 chiếc bánh cho khách, dịch vụ này đã được gia đình chị duy trì nhiều năm.

Bên cạnh các điểm bán trực tiếp, nhiều cơ sở gói bánh chưng dịch vụ cũng tranh thủ chào mời sản phẩm trên mạng xã hội, nhận thêm dịch vụ ship bánh tận nhà cho người có nhu cầu.

Đặng Phương

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/xa-hoi/dich-vu-goi-banh-chung-o-thanh-pho-nbsp-ha-tinh-dat-khach-dip-tet/206625.htm