Dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước: Quy trình khoa học và chính xác

Để tiến tới mục tiêu đến năm 2020 hình thành Kho bạc điện tử, hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đang ngày càng hoàn thiện, tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với kho bạc Nhà nước (KBNN).

Dịch vụ công trực tuyến đang ngày càng hoàn thiện, tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với KBNN. Ảnh: Thùy Linh.

Giảm độ “trễ” của chứng từ

DVCTT được hệ thống KBNN chính thức vận hành và cung cấp trên phạm vi rộng cho các đơn vị sử dụng ngân sách có mở tài khoản giao dịch tại KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, KBNN quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và Sở giao dịch KBNN từ ngày 1/2/2018. Trong quá trình triển khai, KBNN đã xây dựng giải pháp để nâng cao chất lượng DVCTT, đảm bảo tiến độ cung cấp, phục vụ các đơn vị sử dụng ngân sách. Đến nay, dịch vụ công trực tuyến của KBNN đã được triển khai trên diện rộng và nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân có quan hệ giao dịch với KBNN mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Theo đánh giá của các đơn vị sử dụng ngân sách, DVCTT là xu thế tất yếu của tiến trình cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và giảm thời gian đi lại cho các đơn vị, giảm chi phí hoạt động, hạn chế việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị do kế toán trưởng và thủ trưởng đơn vị ký duyệt bằng chữ ký số; thông tin thanh toán được bảo mật.

Bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng Hành chính Quản trị Tài vụ Ấn chỉ, Cục Thuế Quảng Ninh cho biết, từ ngày 1/7/2018, Cục Thuế Quảng Ninh bắt đầu sử dụng DVCTT tại KBNN Quảng Ninh. Từ khi bắt đầu triển khai đến nay, đã có 96 bộ hồ sơ (mỗi bộ bao gồm nhiều chứng từ khác nhau) được thực hiện qua DVCTT.

"Từ khi sử dụng dịch vụ này, việc xử lý, thanh toán các hóa đơn chứng từ của Cục Thuế nhanh gọn hơn hẳn, giảm được độ “trễ” của chứng từ. Hầu như những chứng từ đưa lên hệ thống được xử lý giải quyết ngay trong ngày. Hơn nữa, các cán bộ kế toán cũng không mất nhiều thời gian cho việc di chuyển ra Kho bạc, có thể ngồi tại cơ quan để xử lý công việc. Từ đó, thông tin nhanh, chứng từ lưu thông an toàn. Đây là một quy trình khoa học và chính xác”, bà Hải chia sẻ.

Một ưu điểm nữa của DVCTT đó là cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán thông qua các trạng thái như: “KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”; “KBNN đang xử lý hồ sơ”; “KBNN đã thanh toán hoặc từ chối Thanh toán”; “KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ” cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Điều đó đã góp phần tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của KBNN và qua đó các đơn vị chủ động biết được tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ thanh toán của đơn vị mình.

Chia sẻ với Báo Hải quan, bà Phạm Thị Hạnh, Kế toán trưởng Sở Giáo dục Quảng Ninh cho biết, từ khi dùng DVCTT của KBNN, việc kiểm soát hồ sơ chứng từ đã trở nên dễ dàng hơn. “Ngay khi đưa chứng từ lên hệ thống, kế toán có thể nắm rõ bộ hồ sơ đang ở khâu nào, có sai sót gì không và khi có sai sót, ngay lập tức được hệ thống báo trả. Từ đó, mỗi bộ phận xử lý công việc của đơn vị chúng tôi đã nghiêm khắc hơn trong việc rà soát và quán triệt thời gian”, bà Hạnh nhận định.

Có thể nói, DVCTT đã giúp hệ thống KBNN đảm bảo được sự minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử. Qua DVCTT, lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra được tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi qua các báo cáo thống kê, từ đó, làm tăng tính trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Thu gọn các bước thực hiện

Do DVCTT vẫn còn khá mới mẻ, bên cạnh những ưu điểm về thời gian và tính chính xác, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc mà các đơn vị sử dụng ngân sách còn gặp phải. Theo bà Nguyễn Thị Hải, hiện nay, cơ quan Thuế và KBNN đang sử dụng các hệ thống quản lý chứng từ riêng nên mỗi khi thực hiện công việc sẽ phải thao tác 2 lần, một lần là nhập trên hệ thống của đơn vị, sau đó từ hệ thống của đơn vị chuyển sang hệ thống của KBNN. Do vậy, việc nhập hồ sơ chứng từ lên hệ thống vẫn mất thời gian.

Kế toán trưởng của Sở Giáo dục Quảng Ninh cũng chia sẻ, hiện nay, khi nhập hồ sơ vào hệ thống, nếu không làm liên tục mà ngắt quãng nửa chừng thì sẽ mất luôn những dữ liệu đã cập nhật.

“Trong quá trình làm đôi khi không tránh khỏi một số công việc đột xuất gây ngắt quãng thời gian. Đồng thời, khi nhập sai thì không được sửa tại chỗ mà phải nhập lại từ đầu. Hy vọng trong thời gian tới, KBNN có thể khắc phục được tình trạng này để hoàn thiện hơn nữa DVCTT”, bà Phạm Thị Hạnh góp ý.

Còn một vướng mắc nữa, theo KBNN, hiện quy trình đăng ký chứng thư số cho các chức danh: Chủ tài khoản và người được ủy quyền, Kế toán trưởng và người được ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách (đối với các đơn vị có nhu cầu đăng ký chữ ký số chuyên dùng) do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp. Quy định này gây ra nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian phần nào ảnh hưởng đến việc tham gia DVCTT của các đơn vị. Theo Thông tư 08/2016/TT-BQP ngày 1/2/2016 của Bộ Quốc phòng quy định về cung cấp, quản lý sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, để thực hiện đăng ký chứng thư số đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách (thường là đơn vị dự toán cấp 4) phải đăng ký lên cơ quan cấp trên trực tiếp (đơn vị dự toán cấp 3), đơn vị dự toán cấp 3 tổng hợp lên đơn vị dự toán cấp 2, đơn vị dự toán cấp 1 (Bộ ngành chủ quản ) thực hiện tổng hợp gửi đăng ký với Ban Cơ yếu Chính phủ, mỗi bước thực hiện lại mất rất nhiều thời gian để xử lý. Do vậy, KBNN kiến nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi quy trình và thời gian cấp chứng thư số cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Ngoài ra, thực tế cho thấy, hồ sơ pháp lý của dự án đầu tư nhiều, mỗi loại hồ sơ rất dày, nếu scan sẽ chiếm dung lượng rất lớn, không truyền được qua mạng, nên đối với những hồ sơ pháp lý của dự án đầu tư, đơn vị vẫn phải gửi trực tiếp bằng bản giấy đến KBNN. Điều này đã hạn chế phần nào tiện ích của dịch vụ công. Vì vậy, KBNN đề xuất với Bộ Tài chính để kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư điện tử hóa và ký số các dữ liệu chi đầu tư công (kế hoạch trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm, triển khai hợp đồng điện tử trên hệ thống đấu thầu quốc gia và gửi điện tử cho Bộ Tài chính làm căn cứ kiểm soát thay vì yêu cầu chủ đầu tư mang bản giấy hoặc bản quét (scan) quá lớn đến đơn vị kiểm soát chi như hiện nay. Chủ đầu tư chỉ gửi điện tử đến đơn vị KBNN các thông tin dữ liệu điện tử do chủ đầu tư khởi tạo (như yêu cầu thanh toán, giấy rút dự toán,...).

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dich-vu-cong-truc-tuyen-kho-bac-nha-nuoc-quy-trinh-khoa-hoc-va-chinh-xac.aspx