Dịch vụ chuyển phát trước 'đe dọa' của công nghệ?

Các công ty chuyển phát của Việt Nam liệu có nguy cơ đi vào 'vết xe đổ' y như các công ty taxi truyền thống khi các mô hình công nghệ Grab, Go-Viet… đang bắt đầu đẩy mạnh sang mảng giao nhận hàng hóa? Thế Giới Tiếp Thị Online đặt câu hỏi trên tới ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), một trong hai công ty vận chuyển lớn nhất của Việt Nam.

Ông Hưng cho biết, tại các thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, khách hàng chủ yếu đến các shop mua hàng. Nếu khách mua trên mạng và yêu cầu giao hàng thì chính các shop ấy sẽ phải trực tiếp đi giao hoặc thuê xe ôm giao. Như vậy, Grab hay Go-Viet tung ra dịch vụ đã giải quyết đúng nhu cầu đó: là chủ shop không đi giao hàng, không phải thuê xe ôm nữa.

Nhưng như thế, miếng bánh vận chuyển hàng hóa của các công ty chuyển phát như Viettel Post, VNPost… sẽ bị lấy mất dần, y như các công ty taxi truyền thống đã, đang gặp phải?

Khi thương mại điện tử phát triển mạnh thì lượng hàng hóa bán hàng tăng lên rất nhiều, và dịch vụ vận chuyển là một thành tố không thể thiếu của thương mại điện tử.

Các mô hình như Grab nhảy vào mảng giao nhận hàng hóa thì bản chất chỉ thay thế những dịch vụ cũ chứ chưa hẳn đã lấy đi hết thị phần.

Theo tôi, ở đây, chính mô hình Grab lại làm cho thương mại điện tử phát triển và các công ty chuyển phát lại hưởng lợi.

Đối với các công ty công nghệ, họ chỉ cung cấp dịch vụ là giao nhanh, giao ngay và chi phí rất đắt. Mặt khác, khi họ cầm hàng đi thì ai sẽ đảm bảo hàng đấy không bị mất? Một người sử dụng nền tảng như Grab đến nhận rất nhiều hàng của khách hàng đi giao thì chắc chắn chủ shop đó sẽ khó tin vì Grab luôn khẳng định chỉ cung cấp công nghệ cho người đi giao hàng.

Như vậy, để nhận hàng và giao được hàng thì buộc các công ty công nghệ phải để lại ít tiền cho chủ shop. Nhưng với các công ty chuyển phát như Viettel Post thì không vì chúng tôi dựa vào thương hiệu và chịu trách nhiệm bằng thương hiệu. Ngoài ra chúng tôi vẫn duy trì dịch vụ giao trong ngày, buổi chiều và nhu cầu đang rất lớn.

Tóm lại, các mô hình như Grab nhảy vào thì bản chất chỉ thay thế những dịch vụ cũ chứ chưa hẳn đã lấy đi hết thị phần. Phân khúc rất rõ ràng và không phải nhu cầu giao ngay là lớn nhất.

Nói thế thì các công ty công nghệ tham gia cung cấp dịch vụ về vận chuyển hàng hóa sẽ không phải là đối thủ, không lấy đi miếng bánh của các công ty chuyển phát truyền thống sao?

Chúng tôi nhìn các công ty công nghệ này theo hướng rất tích cực. Nó sẽ làm cho công ty chuyển phát truyền thống phải nhìn lại. Không thể đứng nhìn bài học như vết xe đổ (đã đang xảy ra với các công ty taxi truyền thống – PV) và các công ty chuyển phát buộc phải nhìn lại toàn bộ mô hình hoạt động của mình.

Với riêng Viettel Post, chúng tôi đã đoán mô hình trong tương lai sẽ như thế nào cách đây hai năm chứ không phải bây giờ khi Grab mở lĩnh vực sang giao hàng

Dù ông nói sự xuất hiện của các công ty công nghệ nhảy vào cung cấp dịch vụ về giao nhận hàng hóa là tích cực nhưng khi hai mô hình cùng cạnh tranh trên một phân khúc, nghĩa là các công ty công nghệ cũng sẽ giao nhận trong ngày, buổi chiều và ngược lại các công ty truyền thống sẽ giao hàng nhanh, giao ngay, thì khi đó sự cạnh tranh có là nguy cơ lớn với các công ty chuyển phát truyền thống không?

Tôi vẫn khẳng định việc các mô hình như Grab tham gia vào lĩnh vực giao nhận hàng hóa là động lực cho các doanh nghiệp truyền thống phát triển.

Tất nhiên, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại và phát triển thì đều phải thích ứng với mô hình này hết. Bởi đây thực sự là mối đe dọa. Nếu doanh nghiệp nào không thích ứng thì sẽ bị tiêu diệt trong tương lai rất gần. Thậm chí không bị tiêu diệt bởi các doanh nghiệp Grab hay Go-Viet mà chính bởi các doanh nghiệp thích ứng nhanh hơn. Đó là thị trường.

Thị trường thương mại điện tử còn phát triển tiếp. Hiện thương mại điện tử mới chỉ chiếm hơn 2% giá trị ngành bán lẻ. Các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là hàng tiêu dùng chưa tiếp cận nhiều với thương mại điện tử, do vậy, phía trước, thị trường thương mại điện tử là rất lớn.

Và thương mại điện tử chỉ phát triển khi logistics phát triển. Chính vì thế chúng ta không nên đặt các mô hình mới này là yếu tố làm giảm đi doanh số hay lấy đi miếng bánh của doanh nghiệp truyền thống. Mà hiểu đó là một hệ sinh thái mới giúp cho các doanh nghiệp cùng tham gia vào thị trường thương mại điện tử và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp truyền thống có tư duy nhạy bén sẽ thành công. Bởi thương mại điện tử mới có 2%, nếu tất cả các doanh nghiệp logistics mới cũ cùng tham gia vào và đẩy lên 4% thì thị trường đã tăng gấp đôi.

Khi cạnh tranh trên cùng một phân khúc, các công ty chuyển phát truyền thống có bất lợi về giá dịch vụ giống như các công ty taxi đã đối mặt và gặp muôn vàn khó khăn như hiện nay hay không?

Về chi phí thì rõ ràng doanh nghiệp truyền thống sẽ cao hơn vì phải trả lương, đóng bảo hiểm, các doanh nghiệp như Grab thì không. Họ chỉ có công nghệ. Đó là sự chênh lệch chi phí rất lớn của hai mô hình này.

Nhà nước cần có quy định khi nhận hàng hóa chuyển phát thì phải kiểm tra, vì tính chất của kiểm tra hàng hóa rất quan trọng, sẽ đảm bảo hàng hóa đó có phải hàng cấm gửi không, hàng gửi có điều kiện không, có an toàn cho người mua và người bán hay không, an toàn cho đi đường nữa. Nhưng các mô hình công ty công nghệ lại không kiểm tra, như thế là sai luật. Đó là cái bất lợi cho doanh nghiệp truyền thống.

Ở trên ông có đưa ra nhận định, các doanh nghiệp truyền thống thậm chí sẽ không bị tiêu diệt bởi các mô hình mới mà bị tiêu diệt bởi các doanh nghiệp thích ứng nhanh. Ông có thể phân tích cụ thể hơn?

Các doanh nghiệp thích ứng nhanh với mô hình mới sẽ đi nhanh hơn. Các doanh nghiệp không nhìn thấy các nguy cơ thì họ cứ kinh doanh theo mô hình cũ thôi. Trong khi, rõ ràng mô hình mới rất tích cực, được thị trường chấp nhận và mang lại cho khách hàng nhiều tiện ích.

Do vậy, các doanh nghiệp thích ứng nhanh thậm chí hợp tác với các mô hình mới, coi các mô hình mới là một đối tác chứ không nên xem là đối thủ.

Như Viettel Post, chúng tôi sẽ chọn mô hình linh hoạt. Luôn luôn đi tìm nhu cầu khách hàng, thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Vì thời đại 4.0 thay đổi rất nhanh, ngày hôm nay nó đúng nhưng ngày mai sai mất rồi. Nếu ta cố định vào một mô hình thì có thể sẽ trả giá rất đắt. Các doanh nghiệp nên linh hoạt thì tốt hơn.

Nhưng khó khăn nhất để thay đổi một mô hình hay thích ứng trước mô hình mới của các công ty truyền thống như chuyển phát là gì, theo ông?

Khó nhất của các doanh nghiệp truyền thống là không dám cởi đi cái áo cũ. Chúng tôi không gặp điều này vì đã “cởi” rồi (cười).

TRUNG ĐỨC

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/dich-vu-chuyen-phat-truoc-de-doa-cua-cong-nghe-20102.html