Dịch viêm phổi Vũ Hán đang thay đổi cuộc sống hàng ngày của người Hàn Quốc

Gần 2 tuần sau khi Hàn Quốc xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus Corona mới, nỗi lo lắng về căn bệnh truyền nhiễm đã đi sâu vào tâm trí của mỗi người dân, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống của người dân nước này.

Học sinh tại một trường trung học ở phía Tây Nam thành phố Gwangju tham dự Lễ tốt nghiệp trong lớp học thay vì ở hội trường. Ảnh: Yonhap News

Học sinh tại một trường trung học ở phía Tây Nam thành phố Gwangju tham dự Lễ tốt nghiệp trong lớp học thay vì ở hội trường. Ảnh: Yonhap News

Lee Ki-eun, mẹ của một bé gái 11 tháng tuổi là một trong số những người Hàn Quốc đang vô cùng lo lắng trước mối đe dọa của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới gây ra.

“Trước đó, tôi đã không quan tâm lắm về sự bùng phát của loại virus này, nhưng nỗi sợ hãi đã bắt đầu xuất hiện trong tôi khi ngày càng nhiều người Hàn Quốc bị nhiễm bệnh”, cô nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã xác nhận 11 trường hợp dương tính với chủng virus Corona, bao gồm cả trường hợp bệnh nhân mắc bệnh đầu tiên không đến Vũ Hán tại quốc gia này.

“Tuy rằng tôi không dừng hẳn việc đi dạo cùng con gái, nhưng mỗi khi ra ngoài, tôi luôn đeo khẩu trang cho bé và đi taxi thay vì sử dụng tàu điện ngầm như trước đó”, cô Lee Ki-eun chia sẻ.

Nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ khác cũng đã lên tiếng trước những mối nguy hiểm của loại virus xuất hiện từ thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc.

“Tôi cố gắng tránh những nơi đông người, luôn yêu cầu con trai đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên”, một bà mẹ 34 tuổi đến từ Pangyo, phía Nam Seoul nói và cho biết nhiều gia đình khác đã không dám gửi con đến nhà trẻ mà phải cho con ở trong nhà.

Việc đeo khẩu trang đã trở thành thói quen của người Hàn Quốc khi dịch bệnh bùng phát. Các hành động như ho và hắt hơi ở nơi công cộng cũng khiến nhiều người xung quanh hoài nghi.

Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), khi nhu cầu sử dụng tăng cao, phần lớn khẩu trang bán trực tuyến ở Hàn Quốc không còn hàng. Một số doanh nghiệp bán lẻ như E-mart phải giới hạn số lượng mua cho khách hàng để có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Việc mua khẩu trang trở nên khó khăn hơn, một số người tiêu dùng đã phàn nàn rằng người bán hàng đã hủy đơn đặt hàng của họ và tăng giá khẩu trang để thu lợi nhuận trong cơn sốt khẩu trang cháy hàng.

Nhiều người đeo khẩu trang khi tham gia buổi lễ Nho giáo ở trung tâm thành phố Daegu hôm 31/1. Ảnh: Yonhap News

Ngoài các biện pháp phòng ngừa như yêu cầu cách ly người dân trở về từ Trung Quốc, một số trường học còn kéo dài kỳ nghỉ đông để giảm thiểu mức độ tiếp xúc với những người bệnh có khả năng cao nhiễm virus Corona.

Tính đến ngày 31/1, bảy trường tiểu học ở Seoul đã kéo dài kỳ nghỉ đông cho học sinh của mình. Trong đó, 2 trường tiểu học ở phía Nam tỉnh Chungcheong, gần các trung tâm cách ly người Hàn Quốc sơ tán từ Vũ Hán cũng đã sắp xếp lại kỳ nghỉ của họ.

Sự bùng phát của bệnh dịch cũng đang khiến người Hàn Quốc phải thay đổi việc tổ chức 2 dấu mốc quan trọng của họ là ngày khai giảng và lễ tốt nghiệp trong thời gian này.

Một số ít các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước đã thu nhỏ quy mô buổi lễ tốt nghiệp của mình, bằng cách chỉ tổ chức sự kiện trong lớp học và phụ huynh không được tham dự. Trong khi đó, lễ tốt nghiệp và lễ khai giảng được lên kế hoạch tổ chức trong tháng 2 của nhiều trường đại học cũng có nguy cơ bị hủy bỏ.

Trường Đại học Sungkyunkwan có 2 trụ sở tại Seoul và Suwon là một trong những ngôi trường đã hủy việc tổ chức lễ khai giảng cũng như một số sự kiện chào mừng sinh viên năm nhất.

“Em hiểu quyết định của trường nhưng vẫn cảm thấy buồn. Em đã mong được gặp các sinh viên khác và tìm hiểu về ngôi trường mình bắt đầu theo học, nhưng chúng em sẽ không có cơ hội đó trong năm nay”, Lee, tân sinh viên của trường Đại học Sungkyunkwan chia sẻ.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã khiến nhiều tin tức giả mạo, tin nhắn lừa đảo liên quan đến virus Corona xuất hiện ngày càng nhiều.

Để đối phó với tình hình này, Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm khắc như kết hợp với cảnh sát để thắt chặt, giám sát và tiến hành truy quét những tổ chức, các nhân cung cấp thông tin sai lệch gây hoang mang cho người dân.

Hôm 30/1, Tổng thống Moon Jae-in đã kêu gọi người dân “tích cực đứng lên chống lại sự lo lắng thái quá và nỗi sợ hãi mơ hồ”, ông cho rằng việc lan truyền tin tức không chính xác là “hành vi phạm tội nghiêm trọng”.

Tính đến ngày 5/2, tổng số người chết do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona ở Trung Quốc đã tăng lên 490 người và ngày càng nhiều nước công bố phát hiện các ca mắc bệnh này. Tuy nhiên, Hàn Quốc thông báo nước này chưa có kế hoạch rút những nhân viên cuối cùng của cơ quan lãnh sự tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCov) gây ra đang tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Yonhap)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/dich-viem-phoi-vu-han-dang-thay-doi-cuoc-song-hang-ngay-cua-nguoi-han-quoc-20200204104224041.htm