Dịch viêm phổi lạ từ Trung Quốc lan rộng, Bộ Y tế yêu cầu phát tờ rơi cảnh báo

Mẫu tờ rơi của Bộ Y tế được in với 3 ngôn ngữ Tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc kèm số điện thoại đường dây nóng của từng địa phương, nhằm cảnh báo người dân, hành khách về dịch viêm phổi cấp.

Ngày 22/1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công văn về việc triển khai phát tờ rơi phòng/chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới corona (nCoV), tại các cửa khẩu.

Công văn được ký bởi Phó Cục trưởng Đặng Quang Tấn, gửi đến Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế; Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh/thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế.

Trong đó, Bộ yêu cầu triển khai phát tờ rơi truyền thông cho những hành khách đi/đến từ Trung Quốc hoặc vùng có dịch khác.

Mẫu tờ rơi được in bởi 3 ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, có bổ sung số điện thoại đường dây nóng của từng địa phương với nội dung:

“Hành khách đi/đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc,Trung Quốc và các vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi cấp tại thành phố Vũ Hán và các vùng có dịch, trong 14 ngày, nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở cần đến ngay bệnh viện để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời”.

Mẫu tờ rơi theo yêu cầu của Bộ Y tế nhằm cảnh báo người dân, du khách về dịch viêm phổi cấp.

Mẫu tờ rơi theo yêu cầu của Bộ Y tế nhằm cảnh báo người dân, du khách về dịch viêm phổi cấp.

Viêm phổi lạ từ Trung Quốc lây lan nhiều quốc gia

Dịch viêm phổi được gây ra bởi chủng virus hoàn toàn mới, được gọi là coronavirus (nCoV). Bệnh khởi phát ngày 31/12/2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Trường hợp mắc bệnh đầu tiên đều là người mua bán ở chợ hải sản Huanan.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 21/1 cho biết, Trung Quốc ghi nhận 291 trường hợp mắc (trong đó 15 người là nhân viên y tế mắc bệnh), 5 trường hợp thiệt mạng (các trường hợp này đều có bệnh nền mạn tính).

Ngoài tỉnh Hồ Bắc, một số tỉnh/ thành phố tại Trung Quốc cũng ghi nhận trường hợp bệnh (Thượng Hải, Quảng Đông, Bắc Kinh, Thẩm Quyến).

Một số nước trong khu vực cũng ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập như: Thái Lan (2 người), Nhật Bản (1 người), Hàn Quốc (1 người)…

WHO nhận định bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV có khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người.

Biện pháp giúp dân chủ động phòng tránh dịch

Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do nCoV, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp:

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

- Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

- Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.

- Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Phạm Quý

Nguồn VTC: https://vtc.vn/benh-va-thuoc/dich-viem-phoi-la-tu-trung-quoc-lan-rong-bo-y-te-yeu-cau-phat-to-roi-canh-bao-ar523488.html