Dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò 'làm khó' hoạt động kinh doanh

Trước tình hình dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò diễn biến phức tạp tại Hà Tĩnh, người tiêu dùng có tâm lý lo lắng, hạn chế sử dụng loại thịt này khiến sức mua giảm. Tuy nhiên, theo thông tin từ ngành chuyên môn, dịch bệnh này không lây nhiễm và không gây bệnh trên người.

Chị Trần Thị Huệ - tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh giảm lượng thịt nhập về còn gần một nửa do người tiêu dùng có tâm lý lo ngại khi mua thịt bò.

Theo ghi nhận tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Tĩnh, nhiều quầy hàng thịt bò đều trong tình trạng ế ẩm, khó tiêu thụ. Chị Trần Thị Huệ - tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Từ ngày mùng 6 âm lịch trở lại nay, tin dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện ở nhiều địa phương nên lượng khách mua hàng sụt giảm đáng kể, thậm chí các mối bỏ sĩ cũng hạn chế nhập nhiều.

Còn với bán lẻ, buổi sáng vốn là thời điểm người dân mua nhiều nhất, giờ cũng không thấy mấy ai ghé quầy. Như tôi chuyên cung cấp thịt bò từ lò mổ Thạch Tân (Thạch Hà), trung bình ngày thường phải lấy từ 4 - 5 tạ nhưng đợt này chỉ còn khoảng 2 tạ”.

Lượng khách hàng giảm xuống, các quầy kinh doanh thịt bò tại chợ TP Hà Tĩnh đều trong tình trạng ế ẩm.

Cũng chung cảnh ế ẩm, chị Trần Thị Dung - tiểu thương kinh doanh thịt bò chỉ biết ngồi “ngóng” khách. Chị Dung cho biết: “Thịt bò chúng tôi bán có nguồn gốc, được sự kiểm định của cơ quan chức năng, có đóng dấu và phiếu kiểm dịch đầy đủ. Thế nhưng người mua vẫn rất ái ngại, số thịt bán ra ít nên tiểu thương gặp nhiều khó khăn”.

Tại các chợ dân sinh lớn trên địa bàn nhiều huyện, thị xã tình hình mua bán thịt bò cũng kém sôi động. Đã có nhiều năm kinh doanh mặt hàng thịt bò nhưng anh Tôn Đức Tư - tiểu thương tại chợ Nghèn (huyện Can Lộc) hiếm khi thấy cảnh người mua ít như hiện nay.

Hoạt động kinh doanh thịt bò tại các chợ dân sinh trầm lắng trước thông tin dịch viêm da nổi cục lây lan trên diện rộng.

Anh Tư cho hay: “Hơn 1 tuần trở lại đây, thông tin dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò liên tục được truyền đi, chúng tôi ở chợ cũng nghe nói rất nhiều. Ra năm sức mua thường sụt giảm lại thêm tâm lý sợ dịch của người mua nên bán ế lắm. Tình trạng kéo dài lâu, bên mấy nhà hàng, quán ăn mà giảm lượng thịt lấy về thì chắc tôi phải tạm nghỉ bán. Xung quanh đây có 6 hàng bán thịt bò nhưng đều chung tình cảnh này”.

Thời điểm hiện nay, giá thịt bò đang có xu hướng giảm nhẹ, giao động ở mức 200 - 230.000 đồng/kg tùy loại. Anh Tư thông tin thêm: “Thịt bò thường biến động giá rất ít vì khi nhập về từ lò mổ giá đã ở mức cao rồi. Không có khách thì chúng tôi càng thêm lo lắng, thịt tồn lại nhiều là lỗ vốn”.

Các tiểu thương kinh doanh thịt bò tại chợ đều có biên lai kiểm soát giết mổ, có đóng dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng.

Theo chia sẻ của nhiều tiểu thương, nguyên nhân một phần là do tâm lý e ngại, hoang mang của người dân trước thông tin về dịch bệnh viêm da nổi cục. Chị Trần Thị Mai (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Khi biết có loại dịch bệnh mới này thì tâm lý người nội trợ chắc chắn cũng bị tác động ít nhiều, mình lựa chọn phương án an toàn là mua sản phẩm khác hoặc đi vào siêu thị mua cho chắc”.

Lượng trâu, bò nhập về lò mổ Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) giảm mạnh do nhu cầu mua bán của tiểu thương hạn chế.

Nhu cầu thị trường hạn chế trước thông tin dịch đang tiếp tục lây lan ra diện rộng cũng khiến bà con chăn nuôi, chủ các lò mổ gặp khó khăn. Ông Hoàng Cu - chủ lò mổ Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) cho biết: “Bình thường, lò thực hiện giết mổ trung bình từ 8 - 10 con trâu, bò/đêm. Tuy nhiên, khi dịch diễn biến phức tạp ở Cẩm Xuyên thì giảm xuống chỉ còn 4 - 5 con/đêm. Lượng giết mổ tại lò giảm thì chắc chắn việc xuất bán, kinh doanh trâu, bò của người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng nhiều”.

Theo ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, dịch bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh trên trâu, bò nhưng không lây nhiễm và không gây bệnh trên người. Vì thế, người dân không nên tẩy chay hoàn toàn với thịt trâu, bò và có thể yên tâm sử dụng loại thực phẩm này.

Người tiêu dùng nên mua thịt ở điểm kinh doanh tập trung, chợ dân sinh và thực hiện các biện pháp ăn chín, uống sôi...

Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng nên thực hiện các biện pháp an toàn như ăn chín, uống sôi, lựa chọn thịt có nguồn gốc tại chợ dân sinh, có dấu kiểm dịch, phiếu kiểm dịch, tránh các điểm kinh doanh hàng rong dọc đường; khi mua cần kiểm tra kĩ các dấu hiệu trên thịt… Hiện nay, các địa phương đang chủ động, tập trung các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nhập vắc-xin về tiêm phòng để tạo điều kiện bao vây, khống chế dịch lây lan trên diện rộng.

Oanh - Loan

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/thuong-mai-dich-vu/dich-viem-da-noi-cuc-tren-trau-bo-lam-kho-hoat-dong-kinh-doanh-nbsp-nbsp/207804.htm