Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng: Các tỉnh thận trọng bàn việc tái đàn

Sau khi phủ kín cơ bản 63 tỉnh, thành trên cả nước, dịch tả lợn Châu Phi thời gian gần đây có chiều hướng lắng xuống, tuy nhiên hầu hết các tỉnh, thành đều rất thận trọng trong tái đàn ở thời điểm này.

Tự ý tái đàn sẽ không được hỗ trợ

Dịch tả lợn Châu Phi lần đầu công bố xuất hiện tại Việt Nam ngày 19/2/2019 tại tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 6 tháng dịch đã lây lan ra hầu hết 63 tỉnh, thành trên cả nước với số lượng lợn chết và tiêu hủy đến nay đã trên 4 triệu con.

Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, người chăn nuôi rục rịch tái đàn (Ảnh mang tính minh họa).

Việc dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng suy giảm cộng giá lợn hơi phục hồi và duy trì mức giá ở ngưỡng xung quanh 43.000 đồng/kg những tuần gần đây nên người chăn nuôi bắt đầu rục rịch tái đàn với hy vọng đón sóng giá lợn dịp cuối năm theo kịch bản giá lợn sau dịch tại Trung Quốc tăng vọt.

Để phục vụ việc vận chuyển, xác nhận, tái đàn trong bối cảnh sống chung với dịch tả lợn Châu Phi, Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi các địa phương hướng dẫn chi tiết các yêu cầu về an toàn sinh học và nội dung, thẩm quyền, quy trình khi thực hiện tái đàn.

Theo hướng dẫn số 4249/HD-BNN-TY về việc kiểm soát, vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có dịch tả lợn Châu Phi do Thứ trưởng của Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ký ban hành ngày 18/6/2019, Điều 6 mục Tổ chức thực hiện quy định rõ: Căn cứ vào hướng dẫn này, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương.

Sau khi có hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có công văn chỉ đạo trực tiếp hoặc giao Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y quản lý chặt chẽ việc tái đàn theo hướng an toàn và thận trọng nhất có thể.

Tự ý tái đàn sẽ không được hỗ trợ (Ảnh mang tính minh họa).

Trong văn bản gửi Sở NN-PTNT và UBND các quận, huyện, thị xã ngày 11/7, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu phải tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi Thủ đô theo hướng đa dạng hóa. Trước mắt, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản để bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn trong lúc chưa khống chế được dịch tả lợn Châu Phi.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Nội khẳng định: TP Hà Nội cũng yêu cầu hạn chế tối đa chăn nuôi lợn trong khu dân cư, đặc biệt là các quận, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng được điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, không đảm bảo quy định về môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh và lưu ý, UBND TP Hà Nội chỉ đạo không tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi đã bị dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian dịch bệnh chưa được khống chế theo quy định. Nếu các cơ sở chăn nuôi cố tình tái đàn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và khi xảy ra dịch bệnh phải tiêu hủy lợn sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.

Thận trọng, an toàn

Trao đổi với NNVN về quan điểm chủ trương tái đàn của tỉnh Thái Bình, ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình cho biết, quan điểm của địa phương việc tái đàn lợn hết sức cẩn trọng, không vội vàng hấp tấp và phải đặt an toàn lên ưu tiên số 1.

Theo ông Nhương, mặc dù Thái Bình là một trong những tỉnh có số lợn phải tiêu hủy do dịch tả Châu Phi rất lớn, lên tới hàng trăm nghìn con nhưng hiện tại số lượng lợn an toàn trong dân vẫn còn khá nhiều nên chưa tới mức độ quá thiếu hụt nguồn cung thực phẩm trong thời gian tới.

“Hiện nay Thái Bình chỉ tái đàn ở mức độ thăm dò đối với lợn giống được nuôi trong nội bộ tỉnh. Tạm thời chưa khuyến khích lợn giống từ các tỉnh khác nhập vào với mục đích nuôi làm giống hay thương phẩm bởi nguy cơ tái bùng phát dịch là rất lớn, trong khi đó chính sách chi tiết đối với những đàn lợn tái đàn nhưng bị dịch hiện nay chưa rõ là có được hỗ trợ hay không nên quan điểm của Thái Bình vẫn phải hết sức thận trọng”, ông Nhương chia sẻ.

Quan điểm của các địa phương hiện nay là chỉ cho tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn sinh học.

Còn theo Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng Bùi Văn Luyện, bản thân Hải Phòng không có chủ trương bế quan tỏa cảng với lợn giống ngoại tỉnh, nếu các trang trại đáp ứng được theo hướng dẫn số 4249/HD-BNN-TY của Bộ NN-PTNT như xét nghiệm âm tính, đầy đủ giấy kiểm dịch, cơ sở chăn nuôi đáp ứng đầy đủ an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.

Tuy nhiên, ông Luyện cho rằng, thực tế cho thấy việc tái đàn tại Hải Phòng hiện nay chủ yếu diễn ra đối với những trang trại lớn của doanh nghiệp, HTX quy mô lớn, song chỉ mang tính chất thăm dò. Những cơ sở tái đàn đa phần chưa bị dịch hoặc mới xây dựng, còn các chuồng trại đã bị dịch dù nhiều nơi đã qua 30 ngày những bản thân người chăn nuôi vẫn rất run nên chưa dám tái đàn.

Còn Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thọ cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay đơn vị nhận được rất nhiều công văn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành gửi tới đề nghị không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho lợn giống từ Bắc Ninh vào địa bàn tỉnh, thành của họ.

Theo ông Thọ, về mặt văn bản quy phạm pháp luật đây chỉ là công văn đề nghị phối hợp, không phải văn bản pháp lý nên Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh hiện cũng chỉ biết dựa vào thực tế để xử lý cho hợp tình, hợp lý.

Hiện tại, trước khi cấp giấy kiểm dịch đối với lợn giống tới địa phương nào ngoại tỉnh Bắc Ninh, ngoài yêu cầu về xét nghiệm âm tích với dịch tả lợn Châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh có thêm công đoạn nữa là trao đổi với lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thu y địa phương nơi lợn giống được vận chuyển đến và chủ trại giống để cùng thống nhất phương án nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

Tái đàn với hộ nuôi nhỏ lẻ sẽ rất nguy hiểm

Trao đổi với chúng tôi về quan điểm tái đàn ở thời điểm hiện tại, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So cho rằng, kinh nghiệm tại Trung Quốc sau 4 tháng kể từ ngày công bố hết dịch tả lợn Châu Phi mới cho phép tái đàn trở lại.

Còn với tình hình tại Việt Nam, ông So cho rằng việc tái đàn nên từ từ, từng bước, chỉ cho phép tái đàn ở những cơ sở chăn nuôi đáp ứng được đầy đủ an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, việc tái đàn với chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ rất nguy hiểm bởi nguy cơ bùng phát dịch trở lại là rất cao, nếu phải tiêu hủy nhà nước không thể đủ kinh phí để hỗ trợ.

NGUYÊN HUÂN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dich-ta-lon-chau-phi-tam-lang-cac-tinh-than-trong-ban-viec-tai-dan-post246879.html