Dịch tả lợn châu Phi lây lan vào miền Nam cũng không lo thiếu thịt lợn!

Nếu dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan tại Việt Nam có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong nước liệu có phải tính đến phương án nhập khẩu thịt lợn hay không? Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi cho rằng, nếu chăn nuôi trang trại duy trì quy mô thì không thiếu nguồn cung thực phẩm.

Trước diễn biến của dịch tả lợn châu Phi lây lan như hiện nay, liệu Việt Nam có bị khủng hoảng thiếu thịt lợn? Ngành chăn nuôi đã có kịch bản gì để ứng phó? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, chúng ta đã xác định được nguy cơ, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, chủ động, tích cực phòng chống, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng, đảm bảo tăng trưởng của ngành, tiêu dùng của xã hội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo ông Dương, mặc dù đã có vài chục tỉnh phát hiện có dịch tả lợn châu Phi nhưng số lợn bị tiêu hủy so với tổng đàn 28 triệu con thì vẫn còn thấp, chưa ảnh hưởng đến thực phẩm.

“Kịch bản chúng tôi đã xây dựng, trong ngành chăn nuôi lợn, xác định giảm chăn nuôi nông hộ, các hộ chăn nuôi không có chuồng trại, chuồng kín, không cách biệt, chung đụng các loại vật nuôi với nhau thì chúng tôi khuyên không nên chăn nuôi lợn. Bù lại khuyến cáo chăn nuôi trang trại của các hộ lớn, doanh nghiệp lớn tăng lên. Các công ty lớn, các hộ chăn nuôi lớn cũng đã có chuẩn bị những kịch bản để mở rộng đàn, bù vào đàn nông hộ giảm đi, giữ quy mô để đảm bảo cơ cấu tiêu dùng. Hiện nay thịt lợn chiếm 70% trong cơ cấu các loại thịt trong bữa ăn hằng ngày nhưng có thể xuống 60-65%”, ông Dương cho hay.

Đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi các vật nuôi có ưu thế, không có yếu tố rủi ro dịch bệnh như đẩy mạnh chăn nuôi gà, trứng, chăn nuôi trâu bò thịt, dê, thỏ, đưa tỷ trọng của các con vật ít có rủi ro dịch bệnh tăng lên. Đối với đàn lợn, cố gắng giữ tỷ trọng hoặc có giảm thì không nhiều. Tăng quy mô bù đắp nhu cầu thực phẩm trong nước và xuất khẩu.

“Người tiêu dùng cũng phải thay đổi cơ cấu tiêu dùng chuyển sang thịt gia cầm, tôm cá, bò… Cái này giảm, cái kia tăng, cơ cấu tiêu dùng vẫn đảm bảo”, ông Dương nói.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết, trong trường hợp dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan tại Việt Nam có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu từ các nước không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, hiện nay chúng ta không nên tính đến phương án nhập khẩu thịt lợn. Nếu chăn nuôi trang trại duy trì quy mô thì không thiếu nguồn cung thực phẩm.

“Là đất nước nông nghiệp mà nghĩ đến phương án nhập khẩu thì chúng ta không nên nghĩ đến. Chúng tôi tin tưởng với 28 triệu lợn có thể đáp ứng duy trì được”, ông Dương nhấn mạnh.

Theo báo cáo ngày 2/5 của Bộ Công Thương, trong tháng 4/2019, giá lợn hơi có xu hướng tăng trở lại. Nguyên nhân chủ yếu là sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi (ASF) thời gian qua khiến người chăn nuôi bán tháo trước đó để tránh nhiễm virus nhưng sau đó không dám tái đàn và nhu cầu từ phía người tiêu dùng đã tăng trở lại. So với cuối tháng 3/2019, giá lợn tại nhiều tỉnh, thành tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg lên phổ biến trong khoảng 39.000 - 49.000 đồng/kg.

Bộ Công Thương cũng cho rằng thị trường tiêu thụ lợn đang hồi phục tốt và gần trở lại mức trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, thị trường lợn hơi không lo khan hàng, sốt giá trong thời gian tới vì nguồn lợn tồn tại các công ty lớn vẫn khá dồi dào. Đây cũng là nguyên nhân khiến các công ty chăn nuôi đang hạ giá lợn để đẩy hàng ra thị trường. Mặt khác, một số doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng nhập khẩu thịt lợn nên thị trường sẽ khó xảy ra biến động mạnh về giá.

Trong khi đó tại Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nước này cho biết, trong tháng 3/2019 đàn lợn trên cả nước đã giảm 21% so với cùng kỳ năm 2018. Dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã lây lan nhanh chóng trên khắp Trung Quốc kể từ khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên vào tháng 8/2018. Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia của Trung Quốc, trong quý 1/2019, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đã giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2018, xuống 14,63 triệu tấn, trong khi đàn lợn của Trung Quốc giảm 10,1% xuống còn 375,25 triệu con. Số lượng lợn giết mổ giảm 5,1% xuống 188,42 triệu con. Sản lượng thịt lợn giảm sẽ đẩy giá lợn của Trung Quốc trong 6 tháng cuối năm 2019 lên mức cao kỉ lục, có thể tăng hơn 70%.

D. Thùy

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/dich-ta-lon-chau-phi-lay-lan-vao-mien-nam-cung-khong-lo-thieu-thit-lon-post298806.info