Dịch tả lợn châu Phi hoành hành tại 29 tỉnh, thành phố

Tính đến ngày 12/5, bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay (13/5), tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay: Tính đến ngày 12/5, bệnh DTLCP đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước). Tuy nhiên, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã.

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

Đánh giá chung về tình hình diễn biến dịch bệnh, Thứ trưởng Tiến nêu rõ: Trong giai đoạn đầu, bệnh phát sinh ở nhiều nơi song lẻ tẻ, phạm vi các hộ nhỏ lẻ, số lượng lợn phải tiêu hủy ít; số tỉnh, thành phố không tăng nhiều, chỉ tăng số lợn buộc phải tiêu hủy.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất của các địa phương khi có điều kiện; tập trung chỉ đạo, tổ chức xây dựng chuỗi chăn nuôi lợn (như chuỗi sản xuất thịt lợn của các Công ty GreenFeed Việt Nam, Masan, Dabaco, CP, …).

Đến nay, cả nước có 740 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Các địa phương và các doanh nghiệp đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm và các loài gia súc khác để bù đắp cho chăn nuôi lợn.

Tuy nhiên, bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Trong khi nhiều năm qua, bệnh DTLCP đã lây lan rất nhanh, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, nhất là tại nước có chung đường biên giới với nước ta. Mặt khác, vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh). Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ 56°C trong 70 phút, 70°C trong 20 phút, 100°C trong 1 phút; có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5-11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày.

Ngoài ra, dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là do đường lây truyền của vi rút DTLCP rất phức tạp, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, chủ yếu nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt. Việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh vẫn còn xảy ra. Việc sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi còn phổ biến; việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh và chống dịch tại một số nơi còn nhiều tồn tại, bất cập.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Với đặc thù điều kiện khí hậu, chăn nuôi nhỏ lẻ, không gian sản xuất chật hẹp… như của Việt Nam, tốc độ lây lan DTLCP vào Việt Nam cực kỳ nhanh.

“Chưa năm nào thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp như năm nay. Trong tháng 3 có vài ngày nóng như mùa hè, rồi lại quay trở lại trồi sụt. Tháng 5 nhiều ngày mưa phùn và độ ẩm cao. Chưa năm nào cùng lúc trong tháng 5 mà cả 3 miền cùng mưa. Cùng với đó, tại tất cả tỉnh thành triển khai phòng chống DTLCP, bên cạnh số đông địa phương làm tốt, có nơi, có khâu làm chưa tốt. Dự báo, thời gian tới bệnh DTLCP tiếp tục lan truyền rất phức tạp, cần triển khai nhóm giải pháp để góp phần hạn chết đến mức thấp nhất thiệt hại, quy mô lây truyền, đặc biệt là trong khu vực chăn nuôi lớn, hạt nhân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại Kenya vào năm 1921, từ đó đến nay bệnh đã xuất hiện tại nhiều nước châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Trong giai đoạn từ năm 1921 - 1995 có hàng chục quốc gia có bệnh DTLCP và theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 1996 - 2019, bệnh DTLCP xảy ra tại hơn 60 quốc gia thuộc khu vực châu Phi (33 nước), châu Âu (17 nước), châu Mỹ (4 nước) và châu Á (6 nước). Đến nay, chưa có quốc gia nào được OIE công nhận an toàn đối với bệnh DTLCP. Các nước đã phải tiêu hủy hàng chục triệu con lợn và phải chi hàng chục tỷ USD cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/dich-ta-lon-chau-phi-hoanh-hanh-tai-29-tinh-thanh-pho-104635.html