Dịch tả lợn châu Phi hoành hành, Bộ Nông nghiệp kêu gọi nhà nhà tích trữ thịt lợn

Tính đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 55 tỉnh thành, với hơn 2,5 triệu con lợn bị tiêu hủy. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kêu gọi doanh nghiệp, người dân dự trữ thịt lợn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 4.068 xã, 413 huyện của 55 tỉnh, thành phố. Số lượng lợn buộc phải tiêu hủy là hơn 2,5 triệu con với trọng lượng gần 150.000 tấn.

Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 55 tỉnh, thành phố

Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 55 tỉnh, thành phố

Thời gian qua đã có 56 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó phát sinh lợn bệnh.

Trong đó, tại 5 tỉnh Đông Nam Bộ (có tổng đàn lợn khoảng 3,4 triệu con). Dịch bệnh xảy ra tại 50 xã, 14 huyện, 4 tỉnh thành phố (Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh), tiêu hủy 16.960 con, trọng lượng 909 tấn. Còn 2 tỉnh chưa có dịch là Bà Rịa- Vũng Tàu và Tây Ninh.

Tại 13 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long (có tổng đàn lợn khoảng 3,2 triệu con); dịch bệnh xảy ra tại 191 xã, 63 huyện, 11 tỉnh, thành phố, tiêu hủy 9.995 con, trọng lượng 916 tấn. Còn 2 tỉnh Long An và Bến Tre là chưa có dịch.

Trong cuộc họp bàn giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi vừa diễn ra ngày 13/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, chắc chắn nguồn cung thịt lợn tới đây sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch đang hoành hành và chưa có chủ trương tái đàn, nhu cầu thực phẩm thì không thể thay đổi sang loại hình khác được ngay.

"Vì thế, Chính phủ khuyến khích các tỉnh, thành có chính sách phù hợp để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tái dự trữ thịt lợn tại chỗ, nhà nhà dự trữ, cơ sở dự trữ, ai có điều kiện thì dự trữ thịt lợn. Một là để đảm bảo tới đây có thực phẩm dùng. Nếu như bây giờ đưa vào dự trữ ngay thì sẽ giảm áp lực lây lan dịch bệnh", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Ngoài dự trữ thịt lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các địa phương chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi sang các loại gia súc gia cầm khác.

"Nếu thiếu thịt lợn thì chuyển sang ăn trứng, thịt gà, bò, hướng chuyển đó không chỉ cho trước mắt mà còn cho lâu dài, chuyển nhận thức cơ cấu bữa ăn phải đa dạng hóa, không thể giữ cơ cấu bữa ăn 75% thịt lợn như bây giờ mãi được", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài mức hỗ trợ như hiện nay cho bà con có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT đang đề xuất Chính phủ hỗ trợ chủ cơ sở nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà với mức hỗ trợ 500.000 đồng/con nhằm giúp các chủ cơ sở nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh.

Mặt khác, Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các trung tâm, viện nghiên cứu và doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y, đề nghị khẩn trương vào cuộc, thành lập các nhóm nghiên cứu sản xuất vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi.

Hiện nay nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành phân lập được virus dịch tả lợn châu Phi và sản xuất được vaccine thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm cho thấy, giữa các lô có tiêm vaccine thí nghiệm và không tiêm vaccine có sự khác biệt rõ ràng về bệnh lý, virus lâm sàng, nhiệt độ cũng như mức độ tiêu tốn thức ăn.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng có triển vọng về việc tìm ra vaccine ngăn dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn phải tiếp tục tiến hành thí nghiệm diện rộng với nhiều góc độ khác nhau để có đánh giá chính xác.

D. Thùy

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/dich-ta-lon-chau-phi-hoanh-hanh-bo-nong-nghiep-keu-goi-nha-nha-tich-tru-thit-lon-post302841.info