Dịch tả lợn châu Phi hoàn toàn không lây qua người

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh khẳng định, dịch tả lợn châu Phi hoàn toàn không lây sang người, người dân không nên hoang mang. Đối với các hộ chăn nuôi, được khuyến cáo chủ động bảo vệ đàn lợn của mình đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng để phòng chống dịch hiệu quả.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tả lợn châu Phi ở nước ta, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động phòng ngừa.

Ngày 8/3, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp và ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cũng như ảnh hưởng đến việc cung ứng thực phẩm cho người dân.

Hiện nay, dịch bệnh đã lan ra 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, với nguồn lây đa dạng, do đó TP. Hồ Chí Minh đang tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao.

Theo bà Lan, sản lượng lợn nuôi tại TP. Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu hàng ngày của người dân, còn lại Thành phố phải đi nhập thịt lợn từ các địa phương khác. TP. Hồ Chí Minh hiện nay có 12 lò mổ tập trung, các lò mổ đều có lực lượng Thú y chốt chặn. Tuy nhiên, không phải tất cả lợn đều giết mổ ở TP. Hồ Chí Minh mà có cả lợn giết mổ từ các tỉnh lận rồi đưa vào tiêu thụ tại Thành phố.

Qua theo dõi thấy rằng, một ngày có khoảng 2.500 -3.000 con lợn được vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam tiêu thụ, trong đó, đưa vào lò mổ ở tỉnh Tiền Giang khoảng 1.000 con, Vĩnh Long và Long An mỗi địa phương khoảng 300 con, còn lại rải rác một số địa phương khác.

Với giao thông thuận tiện, thông thương dễ và theo tình hình thị trường hiện nay giá lợn ở miền Bắc đang giảm do dịch bệnh xảy ra. Trong khi đó, giá lợn ở miền Nam đang cao nên sẽ có xu hướng chuyển lợn từ miền Bắc xuôi vào Nam. Nguy hiểm là một số người do lợi ích kinh tế, thậm chí “tuồn” cả lợn dịch ra thị trường. Như vậy sẽ dễ gây lây lan dịch bệnh, khó kiểm soát.

Trước tình hình trên, TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường lực lượng chức năng chốt chặn ở các điểm nóng để kiểm tra lợn không rõ nguồn gốc, lợn nghi ngờ có nguy cơ kịp thời xử lý; tăng cường kiểm tra ở các chợ đầu mối

Bà Lan cho rằng, TP. Hồ Chí Minh là một thị trưởng “mở” do vậy việc kiểm soát dịch bệnh hiện nay rất khó khăn. Các ngành chức năng đang nỗ lực quyết tâm hết sức để ngăn chặn dịch bệnh trên địa bàn. Một mình cơ quan quản lý thì chưa đủ, vai trò của chính các chủ hộ, người chăn nuôi là vô cùng quan trọng. Bà Lan nhấn mạnh, hiện chưa có vacxin phòng bệnh nên biện pháp duy nhất hiện nay, là người dân phải chủ động tự bảo vệ đàn lợn cho chính mình, thực hiện đúng theo khuyến cáo của cơ quan thú y và phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng để phòng chống dịch bệnh này đạt hiệu quả.

Tăng cường giám sát nguồn lợn đưa vào Thành phố để phòng dịch bệnh tả lợn châu Phi (ảnh: Thành Trí/SGGP)

Tăng cường giám sát nguồn lợn đưa vào Thành phố để phòng dịch bệnh tả lợn châu Phi (ảnh: Thành Trí/SGGP)

Các hộ gia đình có nuôi lợn cần có biện pháp cách ly, không lấy thức ăn thừa cho lợn ăn; không tổ chức đợt tham quan, vì người đi ra đi vào chuồng trại khó kiểm soát. Nếu người dân thấy có lợn chết thì phải báo cáo với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý tiêu hủy kịp thời, không để lây lan. Dự báo đây là đợt dịch có thiệt hại tương đối lớn vì nếu không kiểm soát tốt sẽ lây lan rất mạnh, do vi rút này sống rất lâu và tỉ lệ lợn mắc bệnh rồi chết là 100%. Loại vi rút này có thể tồn tại 1.000 ngày trong điều kiện thịt đông lạnh, đối với nhiệt độ từ 60 độ C trở lên trong vòng 2 giờ đồng hồ thì virus này sẽ chết.

Bà Lan chia sẻ, hiện nay, trên mạng xã hội có xuất hiện một số thông tin không chính xác về dịch bệnh này, gây hoang mang cho người dân. “Tôi khẳng định, vi rút dịch tả lợn châu Phi hoàn toàn không lây sang người, không gây dịch tả lợn ở người”.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố cũng khuyến cáo người dân hãy là người tiêu dùng thông minh khi lựa chọn thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng. “Bà con cần mua thực phẩm ở những cơ sở có uy tín, hợp pháp, thực phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có kiểm dịch. Cần ăn chín, uống sôi, điều này sẽ loại bỏ các mầm bệnh từ thực phẩm”.

Bà Lan cũng bày tỏ sự lo lắng về ý thức của một số người dân trong việc giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. “Tôi rất lo ngại khi một số người dân vì lợi nhuận, vì tiếc của mà bất chấp khuyến cáo (tiêu hủy lợn dịch) vẫn “tuồn” lợn chết do dịch ra thị trường tiêu thụ. Điều này không chỉ làm lan rộng dịch bệnh, khó kiểm soát mà về mặt an toàn thực phẩm là vô cùng không đảm bảo. Khi động vật đã chết, thịt của nó đương nhiên là kém chất lượng, chưa kể đang có bệnh, (dù vi rút tả lợn châu Phi không lây sang người) sẽ tiềm ẩn nhiều mầm mống, sản sinh ra những loại vi khuẩn, vi rút khác, sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Trước thông tin trên mạng xã hội về miếng thịt đã chín mà thái ra lốm đốm trắng được cho là nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi, bà Lan khẳng định, đó hoàn toàn là thông tin sai sự thật. Khi thịt đã chế biến, nấu chín, bằng cảm quan không thể phát hiện ra đó là sản phẩm của con lợn bị nhiễm dịch bệnh tả lợn châu Phi. Chúng ta chỉ có thể kiểm nghiệm bằng thiết bị máy móc, phương pháp khoa học.

Hiện tại Ban An toàn thực phẩm Thành phố đã cùng với Chi cục Thú y Thành phố phối hợp kiểm tra kiểm soát tại các chốt trạm, đồng thời, tăng cường lực lượng ở chợ đầu mối, kiểm tra nguồn gốc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý.

Hiện nay, chúng tôi đang vận động các tỉnh phía Nam không nhận lợn từ phía Bắc tuy nhiên không thể ép hay cấm họ được. UBND TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm vận chuyển lợn từ khu vực có dịch bệnh sang khu vực chưa có dịch; cấm vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam; lập chốt kiểm dịch tại khu vực đèo Hải Vân, bà Lan cho biết.

Hiện Thành phố cũng đã in sẵn trên 4.000 tờ rơi hướng dẫn phòng chống dịch tả lợn châu Phi để phát cho các hộ nông dân, người chăn nuôi… Bên cạnh đó, Chi Cục thú y và chăn nuôi TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện biện pháp 5 không: Không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh cũng như thịt lợn chết; không vứt xác lợn bệnh, chết ra môi trường để làm phán tán dịch bệnh rộng hơn; không sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn mà không qua xử lý nhiệt.

Để nắm nguồn hàng chủ động cung cấp cho người dân khi cần thiết, Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên cho biết đã làm việc với 3 nhà cung cấp lớn. Công ty Vissan đã thu mua dự trữ khoảng 3.000 tấn, ngoài ra CP và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng chuẩn bị sẵn hàng nghìn con heo thịt, giống.

Trường hợp dịch xảy ra và có biến động lớn, Thành phố sẽ nhập khẩu thịt từ các nước lân cận. Sở Công thương cũng làm việc với các đơn vị chăn nuôi gà để chuẩn bị nguồn hàng, phòng trường hợp người dân lo sợ dịch sẽ chuyển sang ăn thịt gia cầm.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 4.000 hộ chăn nuôi lợn với trên 270.000 con, trong đó có 247 hộ chăn nuôi bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn... dẫn đến có nguy cơ cao đối với dịch tả lợn châu Phi.

V.Lê

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/thoi-su/dich-ta-lon-chau-phi-hoan-toan-khong-lay-qua-nguoi-515601.html