Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp

Sau 7 ngày công bố dịch tả lợn Châu Phi (3-6-2019) tại 2 hộ dân nuôi lợn ở xã Hòa Phú và Hòa Phong, ngày 10-6 ông Đặng Phú Hành-Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) xác nhận: Liên tiếp trong mấy ngày qua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện 5 ổ dịch tả lợn Châu Phi mới

Sau 7 ngày công bố dịch tả lợn Châu Phi (3-6-2019) tại 2 hộ dân nuôi lợn ở xã Hòa Phú và Hòa Phong, ngày 10-6 ông Đặng Phú Hành-Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) xác nhận: Liên tiếp trong mấy ngày qua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện 5 ổ dịch tả lợn Châu Phi mới tại các xã Hòa Khương (4 ổ), Hòa Tiến (1 ổ), nâng tổng số ổ dịch bị phát hiện lên 8 ổ. Cụ thể, ngày 5-6, địa phương phát hiện và tiến hành tiêu hủy đàn heo với số lượng 9 con của ông Đinh Ngọc Mạnh, Hoàng Thị Diệp, Trần Công Minh, Trần Phước Dũng, cùng trú Hòa Khương (H. Hòa Vang).

Cán bộ thú y tăng cường phun thuốc tiêu độc, khử trùng các cơ sở chăn nuôi.

Cán bộ thú y tăng cường phun thuốc tiêu độc, khử trùng các cơ sở chăn nuôi.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, diễn biến vô cùng phức tạp ngày 10-6, UBND H. Hòa Vang đã tổ chức cuộc họp khẩn giữa các ngành Thú y, lãnh đạo 11 xã trên địa bàn tìm cách dập dịch. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, mặc dù cơ quan chức năng đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch, như: cấp phát đầy đủ thuốc cho các địa phương tổ chức phun thuốc khử trùng, tiêu độc nhằm ngăn chặn dịch, đóng cửa lò mổ nằm trong vùng dịch, tổ chức các trạm kiểm soát tạm thời để ngăn chặn… nhưng dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiếp tục xuất hiện mới tại một số điểm. Nguyên nhân chính là do tính chủ quan, thờ ơ của một số người chăn nuôi trong quá trình chống dịch. Cụ thể, người dân vẫn phớt lờ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương về việc không được sử dụng nguồn thức ăn dư thừa từ các nhà hàng mang về cho heo ăn. Vì nguồn thức ăn dư thừa bị ôi thiu cộng với thời tiết nắng nóng sẽ trở thành tác nhân gây bệnh cho gia súc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, Đà Nẵng là địa phương thứ 53/63 tỉnh, thành phố công bố có dịch tả lợn Châu Phi. Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Đà Nẵng đã tổ chức cấp phát đầy đủ thuốc cho các địa phương tổ chức phun thuốc khử trùng, tiêu độc nhằm ngăn chặn dịch. Ngoài ra, Đà Nẵng còn áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, như: đóng cửa lò giết mổ gia súc tại Hòa Phong, tăng cường kiểm soát soát nguồn gia súc tại các lò mổ, tránh tình trạng tiêu thụ thịt có mầm bệnh, lây lan cho những đàn gia súc khác, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tác hại của dịch bệnh để chủ động có biện pháp phòng, chống; áp dụng phương châm "4 tại chỗ" để ngăn chặn dịch lây lan. Tuy nhiên, do địa bàn H.Hòa Vang quá phức tạp, giáp ranh với nhiều địa phương và có nhiều đường giao thông cắt ngang vì thế việc ngăn chặn lây lan mầm bệnh là điều vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ người dân vẫn chưa ý thức hết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên vẫn còn tình trạng người dân lén lút tiêu thụ heo ốm theo kiểu bán chạy dịch để thu hồi vốn hoặc một số đối tượng mang heo bị bệnh từ địa bàn khác đến Đà Nẵng tiêu thụ. Cụ thể, ngày 5-6, Trạm kiểm dịch động vật Hòa Phước phối hợp với lực lượng CSGT Đà Nẵng phát hiện và xử phạt tài xế Nguyễn Anh Tuấn (1997, trú H. Phú Ninh, Quảng Nam) 7 triệu đồng và yêu cầu thanh toán các chi phí tiêu độc, khử trùng… về hành vi chở con heo nặng 80kg đã chết ra Đà Nẵng tiêu thụ.

Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi có biểu hiện lây lan nhanh, gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi tại địa phương, Sở NN & PTNT TP đã yêu cầu các địa phương cấp xã tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát diễn biến dịch bệnh của từng đàn gia súc. Trong trường hợp có những dấu hiệu bất thường, như: tiêu chảy, sốt cao phải báo cáo ngay cho cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời. Theo bà Ngô Thị Hạnh- Phó phòng NN & PTNT H. Hòa Vang, khi dịch vừa bùng phát tại địa phương, ngành NN & PTNT đã chủ động phối với các cơ quan và chính quyền các địa phương tổ chức phòng, chống và dập dịch. Cụ thể, tổ chức giám sát việc tiêu hủy gia súc, tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất tại các xã để ngăn chặn việc người dân giết mổ gia súc chui hoặc bán gia súc theo hình thức chạy dịch để tránh việc lây lan mầm bệnh sang các địa phương khác, khuyến cáo người dân không được tái đàn trong thời gian xảy ra dịch và hướng dẫn người dân sử dụng nguồn thức ăn phải được nấu chín… đồng thời tăng tần suất tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết hiện tại 2 địa phương xuất hiện dịch là Hòa Phong, Hòa Phú đã triển khai các điểm chốt chặn tạm thời tại 2 điểm có dịch, không cho vận chuyển gia súc hoặc sản phẩm thịt từ vùng có dịch ra ngoài. Ông Nguyễn Tân- Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết thêm: Địa phương đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, hoạt động từ 2 giờ đến 6 giờ cùng ngày để ngăn chặn nạn giết mổ chui và tiêu thụ sản phẩm thịt heo không có nguồn gốc, xuất xứ…

Hy vọng, với việc áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, tập trung mọi nguồn lực của các cơ quan chức năng, dịch tả lợn Châu Phi vừa bùng phát tại địa bàn Đà Nẵng sẽ không lây lan và sớm bị dập tắt để tránh gây thiệt hại cho người chăn nuôi…

M.T

Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí vừa ký công văn yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể TP, các địa phương, đơn vị tập trung triển khai quyết liệt Công điện số 667/CĐ-TTg ngày 4-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Theo đó, các sở, ban, ngành địa phương cần giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý, tiêu hủy lợn bệnh theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan dịch bệnh, không để xảy ra ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho cộng đồng; kiểm soát nghiêm việc vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn thành phố; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi có kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch, nhất là các trang trại, hộ chăn nuôi quy mô lớn; tăng cường các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn, đặc biệt là đàn giống để tái đàn sau khi hết dịch.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu UBND TP đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống DTLCP trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh; hướng dẫn đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi theo hướng đa dạng con vật nuôi, có phương án cân đối nguồn cung thực phẩm nhằm bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn.

K.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_207633_dich-ta-lon-chau-phi-dien-bien-phuc-tap.aspx