Dịch tả lợn châu Phi: Đã rơi vào điểm thấp nhất của chu kỳ dịch bệnh

Trả lời chất vấn các đại biểu nêu về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh lịch sử xảy ra đối với ngành chăn nuôi Việt Nam và chăn nuôi thế giới. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối mặt với dịch bệnh gây tác hại lớn như thế.

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, lây lan ở nhiều tỉnh, thành phố, diễn ra kéo dài. Đề cập đến vấn đề đang gây khó khăn cho người chăn nuôi cả nước, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) nêu vấn đề: Bộ có hướng dẫn địa phương phòng, chống, nhưng triển khai theo phong trào, có nơi thực hiện hình thức, gây lây lan ở diện rộng. Bộ NN&PTNT đánh giá như thế nào về thực hiện chống dịch tả lợn châu Phi? Có giải pháp nào chấm dứt tình trạng này?

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh lịch sử ở nước ta, cũng như trên thế giới. Chưa bao giờ có một dịch bệnh ảnh hưởng mạnh như vậy. Dịch bệnh này gây hại do một loại virus khi xâm nhập vào đàn lợn tỷ lệ chết lớn. Điểm khó nữa là 100 năm nay thế giới chưa có loại virus này, và trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay có tốc độ lây lan nhanh hơn.

Từ tháng 8/2018 xuất hiện dịch bệnh này ở Trung Quốc, nay đã có 28 quốc gia xảy ra dịch bệnh này. 30% đàn lợn của thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Chưa có số liệu chính xác, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng “đang tạo ra một cuộc khủng hoảng thực phẩm chưa có từ trước đến nay”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, với tính chất và mức độ nguy hiểm của dịch ngay từ tháng 8/2018, khi Trung Quốc xảy ra dịch bệnh, “chúng ta đã ý thức ngay”. Đầu tháng 8/2018 xảy ra dịch bệnh ở Trung Quốc, thì ngày 30/8, Bộ NN&PTNT đã triển khai họp bàn về ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.

Ngày 20/9, Chính phủ cũng triển khai họp để bàn về nguy cơ lây lan, ngăn chặn dịch bệnh. Hiện nay, đã ban hành 6 văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi; 40 văn bản hướng dẫn triển khai của Bộ NN&PTNT, các địa phương.

“Chúng ta ý thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh này, đã có kịch bản, ngay từ tháng 9.2018 đã có diễn tập ứng phó”, Bộ trưởng khẳng định.

Nhưng với tính chất khó khăn trong ứng phó dịch tả lợn châu Phi, trong năm 2019, ổ dịch đầu tiên đã xảy ra, và với đặc điểm của loại dịch bệnh này hiện đã lan trên toàn quốc, gây tổng thiệt hại 5,7 triệu con lợn, bằng 81% tổng sản lượng cân thịt lợn của chúng ta.

“Đây là thiệt hại rất lớn, đặc biệt là nếu rơi vào hộ nhỏ lẻ thì vô cùng tai hại”, Bộ trưởng nhấn mạnh

Khẳng định đã “tập trung các nhóm giải pháp để ứng phó”, Bộ trưởng cũng cảm ơn "các địa phương đã tập trung thực hiện, dù đây đó có mặt này, mặt khác, nhưng đều có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh”. Ở Hưng Yên, Nam Định - những địa bàn xuất hiện ổ dịch đầu tiên, cũng như ở các địa phương khác, lãnh đạo địa phương đều ra quân chỉ đạo.

Với sự nỗ lực của các địa phương, bộ, ngành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay đã rơi vào “điểm thấp nhất” của chu kỳ dịch bệnh. Nếu như tháng 6/2018, đỉnh điểm phải tiêu hủy 1,2 triệu con lợn, thì hiện còn dưới 400 nghìn con lợn. Cho đến nay, 60% số xã qua 30 ngày dịch không còn phát hiện lại. "Tại Hưng Yên, địa phương đầu tiên xuất hiện ổ dịch, hiện đã có 100 xã không còn xuất hiện lại đàn lợn bị dịch bệnh." - Bộ trưởng thông tin.

Với những biện pháp đã triển khai, Bộ trưởng khẳng định, “bằng mọi biện pháp chúng ta đã hạn chế được mức thấp nhất trong hoàn cảnh cho phép”.

Bộ trưởng cho biết: "Thiệt hại này rất lớn, lịch sử chưa có, nhưng sự cố gắng của chúng ta phải khẳng định là khổng lồ, từ Ban Bí thư, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các ban ngành. Thủ tướng Chính phủ còn đi kiểm tra tại chỗ. Chính sách của chúng ta cũng đưa ra kịp thời.

Ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ khi dịch bệnh xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xây dựng ngay cơ chế chính sách. Lúc đầu định hỗ trợ theo cân trực tiếp, vì lợn lúc đó rất rẻ, không có giải pháp thiết thực sẽ có tình trạng tuồn ra ngoài. Sau hai tháng, dịch bệnh diễn ra ở nhiều nơi, đại trà, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu có chính sách phù hợp, theo đó hỗ trợ theo giá thành, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ nhắc có kịch bản tăng đàn sau dịch bệnh để có nguồn thịt. Như vậy, sự chỉ đạo chung của Chính phủ, các tỉnh, bộ ngành rất quyết liệt. Tổ chức y tế thế giới cũng đánh giá Việt Nam rất minh bạch, ngày nào cũng tổng hợp, lợn chết bao nhiêu con cũng thống kê, không giấu giếm."

Đưa ra các điểm được trong khống chế dịch bệnh này, Bộ trưởng cho biết, đến nay chúng ta đã khống chế ở 8,5 % sản lượng. Thứ hai, chính sách được Chính phủ quyết định kịp thời và hoan nghênh Bộ Tài chính đã chung tay cùng các địa phương hỗ trợ 2.370 tỷ đồng, đưa xuống 18 tỉnh, góp phần cùng các tỉnh hỗ trợ cho người dân giảm thiệt hại. Thứ ba, chúng ta giữ được đàn lợn gốc, đàn lợn ông bà, cụ kỵ còn gần 109 con, được gìn giữ rất tốt. Thứ tư, tất cả doanh nghiệp lớn và hộ dân tham gia chương trình an toàn thực phẩm đều bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn sản xuất. Đi đến các trang trại nuôi lợn tại Hưng Yên sẽ thấy được xử lý thanh trùng, tiệt trùng nghiêm ngặt. Nghe nói lây lan dịch bệnh khi đi nhận tiền hỗ trợ, các cơ sở này còn thực hiện thanh trùng, tiệt trùng tiền khi nhận về. Cám mua ở đơn vị an toàn cũng được xử lý trước khi cho lợn ăn. .

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, cách đây 3 tuần, đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã đi Khoái Châu, Hưng Yên. Địa phương này có nhiều hộ chăn nuôi tới 3.000 - 4.000 con lợn, chuồng trại được giữ gìn vệ sinh rất sạch, bảo đảm an toàn sinh học nên không bị ảnh hưởng gì.

"Thậm chí, có nông dân còn dùng cả tia cực tím để tiêu độc khử trùng, nên nhiều gia đình không những không thiệt hại mà còn làm giàu từ chăn nuôi lợn. Dịch bệnh nguy hiểm như thế nhưng với sự đồng lòng vẫn ngăn chặn được." - Bộ trưởng nói.

Như Hương - Công Thọ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nong-dan-dung-ca-tia-cuc-tim-de-tieu-doc-khu-trung-cho-dan-lon-356852.html