Dịch tả lợn châu Phi có nguy hiểm đến tính mạng con người?

Chỉ trong thời gian ngắn, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan với tốc độ chóng mặt tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, ổ dịch đã xuất hiện ở ba tỉnh Thái Bình, Hưng Yên và Hải Phòng. Dù dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng nếu để lây nhiễm trên diện rộng sẽ gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến tiêu thụ và xuất khẩu thịt heo của cả nước.

Lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi được hỗ trợ 38.000 đồng/kg

Lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi được hỗ trợ 38.000 đồng/kg

Chưa có thuốc chữa

Đến thời điểm này, tại các ổ dịch, lợn đều đã bị tiêu hủy hoàn toàn để đảm bảo dịch không lây lan trên diện rộng. Cơ quan thú y và chính quyền địa phương đã thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn.

Cục Thú y đã lấy hàng trăm mẫu phân tích đối với các đàn lợn ở khu vực xung quanh ổ dịch được phát hiện. Đến thời điểm này hiện vẫn đang chờ kết quả chính thức. Lãnh đạo Cục khẳng định, dù đã phát hiện dịch nhưng đây là những ổ dịch nhỏ nên người dân không nên hoang mang. Cần chủ động áp dụng các biện pháp để phòng chống dịch, nhất là các biện pháp sinh học như rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, tiêu độc khử trùng.

Cục Y tế Dự phòng vừa phát đi thông báo bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra. Bệnh lan nhanh trên loài lợn (ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao) thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh.

Biểu hiện lợn bệnh là sốt rất cao, chết từ từ (chứ không chết ồ ạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp). Hơn nữa, do hiện tại không có thuốc chữa nên lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100%.

Ăn phải thịt lợn mắc dịch tả Châu Phi có nguy hiểm?

Dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.

Bệnh không lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn mà nên lựa chọn những sản phẩm có đủ truy xuất nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Để tránh nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng, Cục Thú y yêu cầu người dân không bán chạy lợn bệnh hoặc nghi bệnh. Người kinh doanh không giết mổ vận chuyển lợn bệnh hoặc nghi bệnh. Khi xuất hiện dịch bệnh, cần báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y cơ sở để kịp thời tổ chức xử lý ổ dịch.

Bên cạnh đó, theo quy định, lợn bị mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi được hỗ trợ tới 38.000 đồng/kg và thời gian giải quyết hồ sơ chậm nhất 15 ngày. Cụ thể, theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy.

Mức hỗ trợ này đảm bảo đủ chi phí giá thành sản xuất cho người chăn nuôi. Đối với những hộ không may có lợn bị dịch tả heo châu Phi buộc phải tiêu hủy, mức hỗ trợ theo quy định là 38.000 đồng/kg. Tuy nhiên các hộ chăn nuôi phải đáp ứng những điều kiện sau thì mới có thể hưởng hỗ trợ: sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.

Có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản. Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai.

Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Trong khoảng thời gian từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch.

Trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên (chưa đủ điều kiện công bố dịch) cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát.

Thời hạn giải quyết hồ sơ: Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân các cấp (đối với dịch bệnh) phải có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc thông báo kết quả giải quyết cho các hộ sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Cùng với công tác phòng chống dịch bệnh của các cấp chính quyền địa phương thì người chăn nuôi cũng phải phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn dịch như không bán chạy lợn bệnh, giết mổ, buôn bán lợn bệnh. Khi phát hiện lợn ốm, lợn chết cần báo cho cơ quan thú y và chính quyền cơ sở để kịp thời xử lý ổ dịch. Nếu không sẽ rất khó kiểm soát dịch bệnh vì hiện chưa có vắc xin chữa trị, buộc phải tiêu hủy. Tránh tình trạng khi phát hiện dịch bệnh xảy ra sợ chính quyền tiêu hủy nên giấu gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn về tài sản.

Dịch tả lợn đang là mối đe dọa đối với nền kinh tế, cho toàn bộ ngành chăn nuôi và các chuỗi giá trị liên quan. Do vậy các nước trong khu vực và xuyên quốc gia trong đó có Việt Nam cần ứng phó với nguy cơ lớn này.

Bộ NN&PTNT ra công điện khẩn về dịch tả lợn châu Phi

Trong công điện khẩn mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan trực thuộc khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung sau:

Đối với các tỉnh, thành phố đã có bệnh dịch tả lợn châu Phi: Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra khỏi địa bàn cấp tỉnh có dịch bệnh; Cơ sở chăn nuôi lợn nằm trong vùng dịch đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật còn hiệu lực đối với các bệnh khác, nếu có nhu cầu vận chuyển lợn ra khỏi phạm vi vùng dịch phải được cơ quan thú y lấy mẫu, xét nghiệm có kết quả âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi và hướng dẫn tuyến đường vận chuyển ra khỏi vùng có dịch; Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các địa điểm trung chuyển, thu gom, giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm lợn; tại các hộ, gia trại, trang trại chăn nuôi có lợn bị bệnh, nghi bị bệnh,...;

Thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn ra vào địa bàn cấp tỉnh; Đối với các địa phương có biên giới giáp với các nước, có cửa khẩu quốc tế, sân bay, bến cảng: Chỉ đạo chính quyền các cấp và cơ quan liên quan của địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, sân bay, cảng biển đối với lợn, sản phẩm lợn, người và phương tiện từ các nước vào Việt Nam; nhất là đối với các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi và những địa bàn có hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép vào Việt Nam;

Chỉ đạo các trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông, đặc biệt các trạm kiểm dịch trên trục đường giao thông từ phía Bắc vào phía Nam tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi bệnh, chết,... thì lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định;

Tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào vùng có dịch, đi qua trạm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời, trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông; Giao Cục Thú y chỉ đạo các chi cục thú y vùng, chi cục kiểm dịch động vật vùng, trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương tăng cường hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan thú y địa phương tổ chức lấy mẫu lợn, sản phẩm lợn gửi phòng thử nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đặng Thêm - K.Lâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/phong-benh/dich-ta-lon-chau-phi-co-nguy-hiem-den-tinh-mang-con-nguoi-440362.html