Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Quảng Trị, Nghệ An

Tại tỉnh Quảng Trị và Nghệ An, tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp và lây lan nhanh, có dấu hiệu bùng phát trở lại. Tại Quảng Trị, đến đầu tháng 10, DTLCP đã xảy ra ở 7.620 hộ chăn nuôi ở 111 xã, phường, thị trấn thuộc chín huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy hơn 40.000 con với tổng trọng lượng hơn 2.100 tấn.

Phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi lợn của người dân trên địa bàn xã Nghi Phú, TP Vinh (Nghệ An). Ảnh: Quang An

Phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi lợn của người dân trên địa bàn xã Nghi Phú, TP Vinh (Nghệ An). Ảnh: Quang An

Tại tỉnh Nghệ An, DTLCP bùng phát trở lại gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi. Xã Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu) đã có hơn 1.450 con lợn phải tiêu hủy do dịch. Các xã khác trong huyện như Diễn Đồng, Diễn Bình, Diễn Xuân, Diễn Thái… cũng xuất hiện dịch trở lại. Tỉnh đã gấp rút triển khai nhiều giải pháp phòng, chống DTLCP đang có nguy cơ bùng phát trở lại, yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để hướng dẫn hộ chăn nuôi tuân thủ đúng quy trình phòng, chống dịch; tăng cường thêm lực lượng phòng chống, dịch tại những nơi có nguy cơ lây lan và xuất hiện dịch nhiều; duy trì các tổ kiểm soát cơ động liên ngành.

DTLCP gây thiệt hại lớn cho nông dân tỉnh Ninh Bình, buộc phải tiêu hủy gần 5.500 tấn. Qua kiểm tra, theo dõi chất lượng môi trường tại khu vực các hố chôn lấp lợn nhiễm dịch, một số hố chôn có hiện tượng bốc mùi, sụt lún. Tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột, gia cố, phong tỏa hố chôn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, hiện tất cả chín xã ở huyện vùng cao Trạm Tấu đã qua 30 ngày không phát sinh DTLCP. Toàn tỉnh có 24 xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch. Tại tỉnh Sơn La, thời gian qua, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp để phòng, chống DTLCP. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn 14 xã đã công bố hết dịch nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, hôm qua (4-10) ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông; riêng các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Đợt mưa lớn ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng kéo dài đến hết ngày hôm nay (5-10).Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Trong hai ngày 3 và 4-10, trên địa bàn tỉnh Sơn La mưa lớn gây sạt lở và thiệt hại ở nhiều nơi. Trong đó, sáng 3-10, tại bản Ít Ta Bót, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai xảy ra dông sét làm chết một người. Chính quyền huyện Quỳnh Nhai và xã Chiềng Khay đã thăm hỏi, cùng gia đình tổ chức mai táng nạn nhân.

Ngày 4-10, theo báo cáo của Tổng Cục phòng chống thiên tai, mưa lớn, dông lốc kết hợp triều cường tại TP Bến Tre làm 11 căn nhà bị hỏng, tốc mái, ngập nhiều tuyến đường, đổ cây xanh, gây mất điện một số khu vực; sau cơn mưa đã xảy ra một vụ tai nạn do điện giật làm ba người chết. Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, tỉnh Cà Mau đã xảy ra sạt lở 15 m đường bê-tông tại kênh Khảo Đỏ, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi. Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai yêu cầu TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục khắc phục hậu quả triều cường, ngập lụt, ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, gia cố đê bao, bờ bao để bảo đảm an toàn trong kỳ triều cường sắp tới.

Sáng 4-10, tại xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) đã vận hành xả lũ đầu nguồn tại đập Trà Sư - đập tràn kiểm soát lũ sông Cửu Long và vùng Tứ giác Long Xuyên nhằm cung cấp phù sa, góp phần tháo chua, rửa mặn, vệ sinh đồng ruộng cho vùng hạ du. Trước khi vận hành xả lũ, tỉnh đã thống nhất thời gian xả đập với tỉnh Kiên Giang và TP Cần Thơ, đồng thời thông báo thời gian vận hành xả lũ trước ba ngày trên các phương tiện truyền thông cho bà con và các địa phương biết để chủ động các phương án ứng phó.

Tại tỉnh Bến Tre, hiện có hơn 20 doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu nông sản, tập trung ở các sản phẩm dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn… Ngoài ra, tỉnh đã được cấp 7 mã số vùng trồng, 29 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu. Đến nay, một số loại trái cây như chôm chôm, dừa xiêm đã được xuất khẩu sang thị trường một số nước châu Âu, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Mỹ… Năm 2019, tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,160 tỷ USD, tăng 20,67% so với năm trước.

Do chịu tác động của thị trường xuất khẩu, thời gian gần đây, giá ốc hương thương phẩm tại nhiều vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh Khánh Hòa đã xuống thấp kỷ lục, chỉ còn 135.000 đồng/kg. Nguyên nhân do mặt hàng ốc hương hiện đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trước thực trạng này, nhiều hộ nuôi ốc phải chuyển sang nuôi cá, tôm thay thế. Ngoài giá ốc xuống thấp, người dân còn phải đối mặt với tình trạng ốc nuôi bị chết hàng loạt vì dịch bệnh.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đã công bố khởi công công trình sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh. Dự án có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng sẽ được hoàn thành sau 14 tháng. Việc đầu tư sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh với chiều dài toàn tuyến khoảng 3.183 m, chạy qua địa bàn hai quận (quận 1 và quận Bình Thạnh). Dự kiến, khi dự án này làm xong, đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ hết ngập, lún.

Tỉnh Bắc Giang đã triển khai kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2019 - 2020. Theo đó, trong mùa khô 2019 - 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ động dự báo và thông tin cảnh báo cấp cháy rừng đến các địa phương, chủ rừng và nhân dân; tăng cường tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm về cháy, phá rừng trên địa bàn; chuẩn bị phương tiện, thiết bị, dụng cụ sẵn sàng cho việc chữa cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các đối tượng chặt phá rừng trái phép, khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh lâm sản trái pháp luật, các chủ rừng thiếu trách nhiệm gây ra cháy rừng.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 9, giá của nhiều mặt hàng trái cây tăng giảm liên tục, theo đó giá trị xuất khẩu rau quả tháng 9 ước đạt 295 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả chín tháng đầu năm ước đạt 2,84 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41793302-dich-ta-lon-chau-phi-bung-phat-tai-quang-tri-nghe-an.html