Dịch tả lợn bùng phát nhiều nơi

Dịch tả lợn đã bùng phát ở Trung Quốc, nơi đang nuôi một nửa số lợn thịt cùa cả thế giới. Không chỉ ở Trung Quốc, nông dân nhiều nơi đã chịu thiệt hại vì bệnh dịch này. Châu Âu, châu Á, châu Phi đều xuất hiện lợn mắc bệnh.

Dịch tả lợn xuất hiện tại Romania hồi đầu năm. Ảnh: Guardian.

Dịch tả lợn xuất hiện tại Romania hồi đầu năm. Ảnh: Guardian.

Tháng 9/2017, dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát ở Estonia. Người ta phát hiện dịch ở đàn lợn nái đang mang thai trong trang trại của Ott Saarevali, nông dân vùng Laane. Và thế là toàn bộ 7.000 con lợn của trang trại bị tiêu hủy ngay lập tức, theo tường thuật của Guardian.

“Chúng tôi thực hiện những biện pháp phòng bệnh nghiêm ngặt nhất ở đây, và không ai dám chắc bệnh phát sinh hay lây lan theo đường nào. Có thể một chiếc xe tải đã ghé vào một trang trại có bệnh ở đâu đó”, nông dân Saarevali nói. “Nhưng nếu chỉ một con bị nhiễm bệnh, cả đàn phải tiêu hủy”.

Đó không phải là lần đầu tiên châu Âu có dịch ASF. Năm 1957, dịch xuất hiện ở Bồ Đào Nha, được cho là bắt nguồn từ việc cho lợn ăn lại các suất ăn hàng không đã bị nhiễm dịch. ASF lan sang Tây Ban Nha và Pháp và phải đến những năm 90 của thế kỷ trước, người ta mới dập tắt hoàn toàn bằng các biện pháp phối hợp giám sát và chọn giống. Ở miền nam Tây Ban Nha, các chuồng nuôi kiểu cũ bị phá bỏ, thay thế bằng chuồng nuôi với các thiết bị hiện đại để hạn chế ve, côn trùng được xem là vật trung gian truyền bệnh.

Tuy nhiên, đợt dịch bệnh lần này có tốc độ lây lan nhanh hơn rất nhiều cho dù nhiều biện pháp phòng bệnh nghiêm ngặt đã được áp dụng. Bắt đầu bùng phát ở đông và trung Âu từ tháng 1/2014, với những ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Litva, Ba Lan, Latvia và rồi là Estonia.

Bệnh tiếp tục xuất hiện ở Séc vào tháng 6/2017 và sang đầu năm nay đến lượt Romania và Hungary chịu chung số phận. Chưa dừng ở đó, ASF lan đến Nga, Ukraine và Moldova. Gần đây nhất là Trung Quốc, nơi đang nuôi một nửa số lợn thịt của thế giới, gấp đôi EU, gấp năm lần Mỹ.

Ở Đức, nông dân đã kêu gọi tinh loại 70% trong số lợn hoang hàng trăm ngàn con. “Nhiều lợn hoang khiến việc kiểm soát dịch bệnh trở nên rất khó khăn và khi đàn lợn hoang đông, bạn rất khó giảm số lượng bởi chúng sinh sản rất nhanh”, Linda Dixon, chuyên gia về sinh học tế bào của Anh nói. “Lợn hoang có tầm hoạt động cực rộng, từ châu Á qua châu Âu. Chúng lại bơi rất giỏi”.

ASF không nguy hiểm với con người, nhưng gây thiệt hại kinh tế rất lớn vì lợn đã nhiễm bệnh thường không thể sống sót. Cho đến nay cũng chưa có cách chữa hay vaccine phòng bệnh. Trong hai năm 2016 và 2017, hơn 300.000 con lợn đã phải tiêu hủy.

Hoành hành ở Trung Quốc

Ngày 3/9, Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc cho biết, họ vừa phát hiện một trường hợp dịch tả lợn tại thành phố Tuyên Thành, tỉnh An Huy. Đây là trường hợp thứ 2 được phát hiện tại tỉnh An Huy và thứ 6 tại Trung Quốc kể từ đầu tháng 8 đến nay.

Thành phố Tuyên Thành cách thành phố Vu Hồ (cũng thuộc tỉnh An Huy) 70 km, nơi vừa phát hiện có dịch bệnh tả lợn châu Phi tuần trước.

Theo Reuters, thông báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc được phát đi vào ngày 2/9 cho biết, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm vận chuyển lợn và sản phẩm từ thịt lợn từ các khu vực có báo cáo bùng phát dịch tả lợn châu Phi cũng như đóng cửa các chợ buôn bán lợn sống trong
khu vực.

Các biện pháp này được cho là quyết liệt nhất tại Trung Quốc từ trước tới nay do lo ngại dịch bệnh này đang có nguy cơ lan rộng khắp toàn cầu.

Lệnh cấm này sẽ ngăn chặn hiệu quả các lò giết mổ và các nhà máy chế biến sử dụng thịt lợn từ các khu vực bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, việc cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm thịt lợn ra khỏi các khu vực bị nhiễm bệnh có thể ảnh hưởng lớn tới việc sản xuất của các doanh nghiệp chế biến, các trang trại và các lò giết mổ lợn. Chính phủ Trung Quốc cũng nói, lợn sống từ các tỉnh không bị nhiễm bệnh cũng không được vận chuyển qua các khu vực được báo cáo nhiễm bệnh.

Theo CNBC, tính đến nay, Trung Quốc đã phát hiện 6 trường hợp bệnh tả lợn tại 5 tỉnh gồm Liêu Ninh, Hà Nam, An Huy, Giang Tô và Chiết Giang.

Bộ Nông nghiệp và các vấn đề Nông thôn Trung Quốc cho biết, tính tới ngày 1/9, Trung Quốc đã tiêu hủy hơn 38.000 con lợn nhằm dập dịch. Việc tiêu hủy lợn đã được cơ bản hoàn thành tại các tỉnh Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang với tổng cộng 37.271 con và cộng thêm 1.264 con vừa được tiêu hủy ngày 1/9 tại tỉnh An Huy. Tuần trước, chính quyền Trung Quốc cảnh báo nước này không loại trừ khả năng bùng phát dịch mới và đây là thách thức lớn nhất của chính quyền trong việc kiểm soát dịch
bệnh này.

Tại tỉnh Hà Nam, một trong những tỉnh nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc, giá lợn hơi đã tăng lên do nông dân không được phép bán lợn sang các tỉnh khác.

Nguy cơ lan ra khắp châu Á

Theo AFP, Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, dịch tả lợn ở Trung Quốc có thể lan rộng khắp châu Á. FAO nói, các hoạt động vận chuyển lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có thể làm lây lan bệnh dịch qua đường biên giới.” Những virus chết người từ dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc có thể lây lan sang các nước châu Á khác bất kỳ lúc nào, “ FAO cảnh báo.

Thịt lợn tại các chợ Trung Quốc sẽ trở nên khan hiếm và tăng giá do lệnh cấm vận chuyển lợn từ các tỉnh có lợn nhiễm bệnh. Ảnh: AFP.

Trong thông báo của mình, FAO cho biết, các trường hợp được phát hiện cách nhau hơn 1.000 km, điều này cho thấy bệnh dịch có thể lây lan khắp các tỉnh thành Trung Quốc và xuyên biên giới các nước láng giềng ở Ðông Nam Á hoặc bán đảo Triều Tiên, nơi có nhu cầu tiêu thụ thịt lợn lớn.

Theo số liệu của FAO, một nửa số lượng thịt lợn trên thế giới được nuôi tại Trung Quốc và Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới tính theo bình quân đầu người. Ngoài ra, ngay từ hồi tháng 5, FAO đã cảnh báo nguy cơ lây lan dịch tả lợn từ Nga.

Theo Tổ chức Thú y Thế giới, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia (gồm Trung Quốc, Nga, Ba Lan, Séc, Hungary, Latvia, Moldova, Phần Lan, Romania, Nam Phi, Ukraine và Zambia) báo cáo có dịch tả lợn châu Phi.

L.A

A.Minh-L.Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/dich-ta-lon-bung-phat-nhieu-noi-1319875.tpo