Dịch tả heo châu Phi tấn công, Bình Dương ra thông báo khẩn

Bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xuất hiện 2 ổ dịch tại Bình Dương và có nguy cơ lây lan. Trước tình hình cấp bách, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ra thông báo khẩn yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan, khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với bệnh DTHCP.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ông Trần Thanh Liêm yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản thực hiện các giải pháp kỹ thuật, thông tin tuyên truyền để kịp thời ứng phó với dịch tả heo châu Phi.

Phối hợp Sở Tài chính tham mưu, trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt chính sách, kinh phí thực hiện các hành động ứng phó với dịch bệnh. Phối hợp UBND các cấp tại địa phương có phát hiện bệnh DTHCP tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn heo bị bệnh DTHCP trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh DTHCP.

Cơ quan chức năng xử lý ổ dịch tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, Bình Dương

Cơ quan chức năng xử lý ổ dịch tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, Bình Dương

Xác định vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát làm cơ sở phối hợp UBND các cấp và các cơ quan chức năng có liên quan để thiết lập các trạm, chốt kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển heo và các sản phẩm của heo (đồng thời phối hợp thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện vận chuyển). Không vận chuyển heo và sản phẩm của heo ra vào vùng dịch.

Tổ chức điều tra ổ dịch; giám sát ổ dịch; lấy mẫu đối với heo có dấu hiệu bệnh, nghi mắc bệnh, heo chết không rõ nguyên nhân tại vùng dịch hoặc vùng bị dịch uy hiếp để xét nghiệm bệnh DTHCP.

Đồng thời, tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại vùng dịch và các vùng lân cận theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y. Tăng cường kiểm soát giết mổ, tăng cường giám sát hoạt động các cơ sở giết mổ. Đối với heo khỏe mạnh không mắc bệnh, không thuộc diện phải cách ly giám sát thì có thể xem xét giết mổ tại địa phương dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương, trong thời điểm này nguy cơ lây nhiễm bệnh DTLCP vào Bình Dương rất cao. Nguyên nhân do Bình Dương là địa phương có chăn nuôi lợn với số lượng tương đối lớn trong vùng Đông Nam bộ; có tuyến đường Quốc lộ 13 đi ngang qua với nhiều phương tiện vận chuyển hàng hóa, động vật từ các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước; đồng thời giáp ranh tỉnh Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh là nơi có nhiều hoạt động thương mại, chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn và sản phẩm của lợn.

Trước đó, tại 2 trang trại chăn nuôi heo ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương xuất hiện dịch tả heo châu Phi làm 41 con heo chết trong tổng số 1.000 con. Cơ quan chức năng sau đó đã tiêu hủy số heo chết và heo có dương tính với dịch.

Hương Chi

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/dich-ta-heo-chau-phi-tan-cong-binh-duong-ra-thong-bao-khan-1419912.tpo