Dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Tây Nguyên

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát tại hầu hết các tỉnh Tây Nguyên, số ca bệnh tăng từng ngày và tăng rất cao so với cùng kỳ. Đến ngày đầu tiên của tháng 8-2019, trên địa bàn này đã ghi nhận ít nhất có 3 trường hợp tử vong do SXH.

Chiều 1-8, Trung tâm Y tế dự phòng - Sở Y tế Đắk Nông, cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận khoảng 1.500 ca sốt xuất huyết (SXH) đến điều trị tại các cơ sở y tế, tăng trên 1.200 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh nhân SXH tập trung nhiều tại các khu vực đô thị, đông dân cư như thị xã Gia Nghĩa và hai huyện Đắk Rlấp, Đắk Mil.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông nhận định, tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh năm 2019 rất đáng lo ngại, so với năm 2018, số người mắc bệnh tăng 11,3 lần. Ngành Y tế tỉnh Đắk Nông dự báo dịch SXH nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn phức tạp.

Bệnh nhân mắc SXH đang được điều trị tại một bệnh viện.

Bệnh nhân mắc SXH đang được điều trị tại một bệnh viện.

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng xác nhận với PV Báo CAND vào chiều 1-8 cho biết, dịch SXH trên địa bàn tỉnh này đang bùng phát mạnh, đến nay đã ghi nhận 581 ca mắc bệnh, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, chỉ trong tháng 7-2019, toàn tỉnh có tới 257 ca mắc bệnh SXH.

Theo Sở Y tế Lâm Đồng, hiện cơ quan này ghi nhận có khoảng 120 ổ dịch SXH tại hầu hết các huyện, thành phố, trong đó TP Bảo Lộc có tới 69 ổ dịch.

Trong khi đó, tại Gia Lai, ngày 1-8, bác sỹ Từ Thị Mai Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh này cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do SXH. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên trên địa bàn tỉnh do SXH từ đầu năm đến nay.

Theo bác sỹ Linh, trước đó, vào khoảng 11h46 ngày 25-7, Bệnh viện Nhi Gia Lai tiếp nhận bệnh nhân Dương Đức Ph., (SN 2012, trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) được chuyển từ tuyến dưới lên. Vào thời điểm nhập viện, bệnh nhân Ph. bị sốt cao, nói nhảm.

“Sau khi bệnh nhân được đưa đi xét nghiệm máu, dịch não tủy, siêu âm, bác sỹ chẩn đoán cháu Ph., bị SXH Dengue (thể não). Tuy nhiên, đến khoảng 13h cùng ngày, cháu Ph., Bị co giật, rồi rơi vào hôn mê sâu không có biểu hiện hồi phục, tiên lượng bệnh xấu. Sau khi điều trị tại bệnh viện được 2 ngày, gia đình nhận thấy diễn biến bệnh nặng nên đã xin đưa bệnh nhân về, bệnh nhân tử vong sau đó”, bác sỹ Linh thông tin.

Cùng ngày, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do SXH. Đây là trường hợp tử vong thứ 2 do SXH tại Đắk Lắk từ đầu năm đến nay. Bệnh nhân tử vong là Hoàng Đình B., (SN 1994, trú tại thôn 2, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư Mgar).

Trước đó, ngày 19-7, bệnh nhân B., bị sốt cao kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, ăn uống kém, buồn nôn. Ngày 22-7, bệnh nhân được người nhà đưa đến điều trị tại một cơ sở y tế tư nhân nhưng bệnh ngày càng diễn biến xấu. Đến ngày 26-7, bệnh nhân B., nhập viện điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán SXH Dengue ngày 6 có dấu hiệu cảnh báo.

Đến chiều 26-7, bệnh nhân B., xuất hiện triệu chứng kích thích vật vã, mạch quay không bắt được, tay chân lạnh, vã mồ hôi toàn thân, chảy máu chân răng, đi cầu ra máu. Các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân sốc SXH Dengue/tăng đường máu/mập phì và chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp tục điều trị.

Tuy nhiên, bệnh của bệnh nhân B., diễn tiến ngày càng nặng, đến trưa 28-7, gia đình xin cho bệnh nhân về nhà, chẩn đoán bệnh lúc xuất viện là SXH Dengue nặng ngày 9 - suy đa tạng. Đến 18h cùng ngày, bệnh nhân tử vong tại nhà.

Trước đó, ngày 25-7, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên với chẩn đoán bị SXH Dengue nặng tổn thương đa cơ quan ngày 7. Bệnh nhân là N.T.K.L (SN 2004, trú tại phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột).

Được biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 7.776 trường hợp mắc SXH, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Bệnh xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu tại TP Buôn Ma Thuột (3.013 ca), huyện Buôn Đôn (931 ca), Krông Năng (907 ca), Cư Mgar (591 ca) và Krông Ana (380 ca).

Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân khi phát hiện nghi SXH cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời. Đặc biệt, các trường hợp có cơ địa béo phì, mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai… cần được theo dõi và điều trị tại bệnh viện, không được chủ quan để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bên cạnh đó, cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tránh bị muỗi đốt bằng việc thường xuyên ngủ màn, giữ vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát, không tồn lưu các dụng cụ chứa nước để hạn chế tối đa môi trường sống và sinh sôi của muỗi.

Khắc Lịch - Văn Thành

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/dich-sot-xuat-huyet-bung-phat-tai-tay-nguyen-555834/