Địch Nhân Kiệt phá án ly kỳ về người đàn bà giết chồng bằng đinh

Những cái chết này thường không bị nghi ngờ gì. Cho đến ngày những vụ án đó gặp được vị thám quan Địch Nhân Kiệt (Địch Công) thì tất cả mới được làm sáng tỏ.

Robert van Gulik (1910 - 1967) là nhà văn sinh ra tại Zutphen, Hà Lan. Là một người phương Tây chính hiệu, nhưng khi đọc những tác phẩm của ông, đặc biệt là bộ sách Địch Công kỳ án thì không ai nghĩ ông là một người phương Tây. Cách ông chia tác phẩm thành các chương hồi, cách dẫn dắt thắt nút mở nút, rồi cách gợi sự tò mò về “hồi sau sẽ rõ” chứng tỏ tác giả là một người am tường sâu sắc về văn hóa phương Đông.

Cái chết không rõ nguyên nhân của những người đàn ông khỏe mạnh

Bộ sách Địch công kỳ án gồm 16 tập, để nói trọn vẹn tác phẩm sẽ rất dài và tốn nhiều giấy mực. Việc phân tích một tập truyện tiêu biểu là Thiết đinh án, từ một vụ án cụ thể, sẽ cho thấy phong cách nghệ thuật của Robert van Gulik.

Sách Thiết đinh án.

Sách Thiết đinh án.

Thiết đinh án nói đơn giản là vụ án giết người bằng cách dùng đinh dài đóng vào đỉnh đầu. Trước khi đóng đinh vào người bị hại, hung thủ đã tìm mọi cách cho họ uống một lượng thuốc mê lớn. Đinh dài ở đây là đinh dùng để đục lỗ hài thô cứng, dụng cụ đi kèm là búa gỗ.

Trong bộ phim truyền hình nhiều tập Bao Thanh Thiên khởi chiếu vào năm 1993 do Đài Loan sản xuất cũng có vụ án đóng đinh vào đầu mang tên Song đinh ký. Vụ án này kể về một dâm phụ đã cùng tình nhân của mình lập mưu giết chồng. Sau vì không tin vào cái chết bất thường, dù trước đó rất khỏe mạnh cường tráng của anh trai mình, em trai nạn nhân đã đến Khai Phong Phủ kiện nhằm đòi lại công bằng.

Trở lại với Thiết đinh án của Robert van Gulik, Địch Công khi đó là Thứ sử Bắc Châu cũng tiếp nhận vụ án về một cái chết bất thường từ cách đó nhiều năm. Vụ án này đã được vị Thứ sử tiền nhiệm trước kết luận là chết hoàn toàn tự nhiên. Chỉ có điều, ngỗ tác (người khám nghiệm tử thi) đưa ra một điểm thắc mắc là tại sao mắt người chết lại hơi lồi ra hơn bình thường.

Trước đó, người chết vẫn khỏe mạnh, bệnh tim cũng không thể phát tác nhanh thế. Đáng ra ở một thời điểm bình thường thì chi tiết đó sẽ có thể là điểm quyết định khám nghiệm lại, nhưng ở trong tình cảnh quân địch đang tràn vào biên giới thì việc đó bị bỏ qua bởi các sự kiện nguy cấp hơn trước mắt.

Địch Công đã nghi ngờ ngay người quả phụ của người chết. Trước đó, thì ả cũng bị nghi ngờ trong vụ án đầu độc chết một võ sư danh tiếng trong nhà tắm công cộng. Trước lúc chết vị võ sư đó đã xếp Thất Xảo Bản (trò chơi của trẻ con, dùng bảy mảnh giấy để xếp thành nhiều hình thù), ghép ra hình một con mèo. Ý ngầm chỉ người giết mình có liên quan gì đó đến mèo. Và cũng chính người quả phụ kia trước khi lấy chồng có biệt danh là Tiểu Miêu.

Nhưng trên công đường quả phụ phủ nhận phán quyết của Địch Công. Rằng ả ta không giết võ sư, và cái mà võ sư xếp là một con chim chứ không phải một con mèo. Vì chất độc phát tác nhanh nên võ sư vẫn còn cầm một mảnh xếp hình trong tay nên lời ả nói hoàn toàn có lý. Từ một con mèo đấy nhưng chỉ cần thay đổi một chút đi là biến thành con chim. Và dân chúng cũng hoàn toàn đồng ý với phản biện này của ả, bắt đầu la ó, nghi ngờ vị quan phụ mẫu của mình.

Do không tìm được chứng cứ trực tiếp kết tội quả phụ, Địch Công bắt buộc phải cho khai quật thi thể của chồng ả lên để khám nghiệm lại. Lần khám nghiệm này ngỗ tác cũng không thể tìm ra vết thương nào có thể dẫn đến cái chết, cũng không bị hạ độc.

Như lời đã hứa trước toàn thể dân chúng vùng biên giới Bắc Châu xa xôi thì Địch Công sẽ phải từ quan. Theo mục 276 của Hình Luật Trung Hoa được áp dụng cho đến khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập năm 1911 thì “Tất cả những kẻ phạm tội đào bới, cày xới đất chôn của người khác, đến mức làm lộ ra quan tài ở đó, sẽ bị phạt một trăm trượng và vĩnh viễn bị cách ly ở khoảng cách ba nghìn dặm. Bất kỳ kẻ nào, sau khi đã phạm tội như trên, mà vẫn tiếp tục tiến hành mở quan tài, rồi mang thi thể bên trong ra, sẽ bị xử tử bằng hình thức treo cổ, sau khi đã chịu án tù theo luật”.

Thế mới thấy tội của Địch Công ở đây, dù là Thứ sử thì cũng không thể bỏ qua. Vì việc xúc phạm đến mồ mả người chết là một trọng tội.

Trong lúc đang chuẩn bị sẵn sàng cho lời hứa của mình thì Địch Công nhận được gợi ý từ Quách phu nhân, quản giáo khu nữ lao, vợ hai của ngỗ tác. Quách phu nhân trước cũng từng có một người chồng rượu chè, vũ phu, sau chết không rõ lý do. Quách phu nhân chỉ cho Địch Công về cách giết người bằng đinh dài đóng vào đỉnh đầu.

Địch Công tiếp tục cho khai quật mộ, đưa quan tài tới giữa công đường để tìm chứng cứ.

Từ trinh thám truyền thống Trung Quốc đến trinh thám hiện đại phương Tây

Điểm tìm ra đinh trong đầu là mấu chốt của vụ án. Theo Robert van Gulik thì trong lịch sử văn học trinh thám Trung Quốc có nhiều cách để tìm ra cây đinh, như nhìn thấy ruồi bu trên đỉnh đầu người chết, hoặc quan án lừa ác phụ nhận tội bằng cách diễn cảnh xử án dưới âm phủ trước mặt Diêm Vương. Ở trong tác phẩm Thiết đinh án của mình, nhà văn đã đưa đẩy các tình huống truyện cùng tâm lý nhân vật để dẫn đến kết quả cây đinh.

Bộ truyện Địch công kỳ án.

Trong trinh thám truyền thống Trung Quốc thường có nhiều nhân vật. Nhưng Robert van Gulik đã giới hạn các nhân vật trong Địch Công kỳ án chỉ dưới 12 người, đặt những cái tên dễ nhớ. Thêm nữa, ở các câu chuyện trinh thám xưa thì hung thủ thường được biết ngay từ đầu, quá trình sau là hành trình hồi tưởng về tội ác.

Với nhà văn Robert van Gulik thì ông đã làm ngược lại điều này, kẻ giết người phải để đến cuối mới được tiết lộ. Quá trình phá án diễn ra liên tục, với các tội ác, manh mối mới luôn được bất ngờ phát sinh, nằm ngoài sự dự đoán của người đọc. Để từ những cốt truyện, câu chuyện có sẵn, nhà văn người Hà Lan, kiêm viên chức ngoại giao này đã thổi một làn gió mới vào kho tàng đồ sộ của truyện trinh thám thế giới.

Mộc Uyển

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dich-nhan-kiet-pha-an-ly-ky-ve-nguoi-dan-ba-giet-chong-bang-dinh-post934809.html