'Dịch hạch' và lời cảnh báo...

'Dịch hạch' là tiểu thuyết nổi tiếng của Albert Camus (1913-1960), nhà văn Pháp đoạt giải Nobel năm 1957. Ngày nay, khi thế giới đứng trước đại dịch COVID-19, độc giả nhận ra câu chuyện về bệnh dịch hoành hành cách đây hơn 60 năm của Albert Camus có sự tương đồng, cũng như lời cảnh báo về những hiểm họa khôn lường của dịch bệnh mà con người phải đối mặt.

Bản dịch của Võ Văn Dung do NXB Dân Trí phối hợp với Nhã Nam xuất bản năm 2020.

Bản dịch của Võ Văn Dung do NXB Dân Trí phối hợp với Nhã Nam xuất bản năm 2020.

Bối cảnh của “Dịch hạch” là thành phố Oran của Pháp ở bờ biển Algérie. Sáng ngày 16-4 của một năm trong thập niên 1940, bác sĩ Rieux từ trong phòng mạch ra ngoài cầu thang thì giẫm phải xác chuột chết. Trong nhiều ngày sau đó, thành phố liên tục xuất hiện hàng ngàn xác chuột chết. Cùng lúc, xuất hiện các bệnh nhân đầu tiên với những triệu chứng sốt cao, nôn mửa, người nổi hạch đầy đau đớn. Tốc độ lây lan của căn bệnh lạ này nhanh đến chóng mặt. Số người mắc bệnh ngày càng tăng và người chết ngày càng nhiều. Khi không thể kiểm soát và chưa có thuốc chữa bệnh, chính quyền công bố thành phố bị dịch hạch và quyết định phong tỏa, cách ly những người bệnh và thân nhân, ban hành lệnh giới nghiêm… Oran chìm trong bầu không khí chết chóc ảm đạm. Bác sĩ Rieux cùng các đồng nghiệp và những người bạn đủ mọi ngành nghề dốc sức chống lại bệnh dịch.

Xuyên suốt tác phẩm, bác sĩ Rieux là nhân vật trung tâm, không chỉ điều trị cho bệnh nhân, mà còn kết nối hình thành các tổ chức y tế, cứu trợ nhân đạo, giúp thành phố ứng phó với dịch bệnh. Ðặc biệt, khi chờ tiếp tế huyết thanh trị bệnh quá lâu và nguồn huyết thanh nhận được không có tác dụng cao, bác sĩ và các cộng sự nghiên cứu, bào chế loại huyết thanh mới, giúp bệnh nhân cầm cự và thoát khỏi nguy hiểm.

Giữa cuộc chiến cam go ấy, số phận và suy nghĩ của mỗi nhân vật được khắc họa tỉ mỉ. Từ những người nhiệt tâm, có lòng ngay từ đầu như nhà khoa học Tarrou, nhân viên tòa thị chính Grand, vị bác sĩ lớn tuổi Caxten… đến những người hợp tác bất đắc dĩ như: nhà báo Rambert, linh mục Paneloux… Dù hoàn cảnh và động cơ khác nhau, nhưng tất cả đều không ngại khó khăn, gian khổ để chung tay cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh. Trong khi đó, có những kẻ bàng quan hoặc lợi dụng cơ hội để kiếm chác trong nỗi bất hạnh, khó khăn của xã hội.

Với bác sĩ Rieux, độc giả càng cảm phục và thương nhân vật này. Từ một người được gia đình bệnh nhân trông chờ như cứu tinh, ông bị mọi người ghét bỏ khi xuất hiện cùng cảnh sát và đội ngũ nhân viên đến áp giải, bắt buộc người bệnh và gia đình họ phải đến khu cách ly, các trung tâm kiểm soát bệnh dịch. Từ chỗ đau lòng khi chứng kiến những người bệnh lần lượt chết đi trong đau đớn, ông dần bị chai mòn cảm xúc khi mỗi ngày hình ảnh đó lặp đi lặp lại nhiều lần. Ðến nỗi khi hay tin vợ mình qua đời ở một trung tâm điều trị xa, ông cũng không thể rơi nổi nước mắt. Và khi nhìn người cộng sự tâm huyết Tarrou chết trong tay mình vì dịch hạch, nỗi đau ấy nào ai chia sẻ được…

Tâm lý đám đông, thái độ ứng xử và không khí những ngày dịch bệnh bao trùm được nhà văn khai thác chi tiết, kèm những triết lý, suy ngẫm về thời cuộc, về những hậu quả mà con người phải gánh chịu cho những lối sống sai lầm. Kết thúc tác phẩm, dù dịch hạch đã được khống chế, thành phố trở lại đời sống bình thường, nhưng tác giả vẫn đưa ra lời cảnh báo: căn bệnh, nó vẫn lẩn khuất đâu đó, chờ dịp sống dậy và khi ấy người ta sẽ lại phải tiếp tục dấn thân và đương đầu với nó, kẻ bại trận sẽ là kẻ bị buộc phải biến mất!

CÁT ĐẰNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/-dich-hach-va-loi-canh-bao--a127323.html