Dịch giả Thúy Toàn - Một tấm lòng với văn hóa Nga

Chúng tôi về thăm Nhà lưu niệm Văn học Nga ở Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh) theo lời hẹn với dịch giả Thúy Toàn. Những năm gần đây, ngôi nhà này là địa chỉ quen thuộc cho những người gắn bó và yêu mến văn hóa Nga . Đây chính là nơi mà dịch giả Thúy Toàn đã dành nhiều tâm sức để gây dựng lên với sự giúp đỡ của chính quyền, bạn bè và người dân quê hương ông.

Các gian trưng bày trong nhà lưu niệm.

Các gian trưng bày trong nhà lưu niệm.

Trên mặt bằng hai tầng, khoảng 100 mét vuông, nhà lưu niệm trưng bày hơn 3 ngàn hiện vật phong phú liên quan đến văn hóa Nga, mối quan hệ văn hóa Nga -Việt qua các giai đoạn lịch sử; bao gồm sách, báo, tranh ảnh... theo từng chủ đề. Tầng 1, theo lời dịch giả Thúy Toàn, là “gian tình nghĩa", có các phần giới thiệu về Bác Hồ với nước Nga, những khởi đầu của mối liên hệ văn hóa Nga -Việt và các tác phẩm về Việt Nam trong văn học Nga... Tầng 2 là gian trưng bày về Văn học Nga ở Việt Nam, với rất nhiều tác phẩm kinh điển đã được dịch và xuất bản ở VN qua các thời kỳ .

Dịch giả Thúy Toàn cho biết, nhà lưu niệm này, khánh thành vào năm 2015, dựa trên các tư liệu của 8 cuộc triển lãm về văn hóa Nga mà ông cùng bạn bè, đồng nghiệp đã tiến hành trước đó như: Văn học Nga ở Việt Nam; Nửa thế kỷ thơ Nga ở Việt Nam, Pushkin ở Việt Nam... Sau khi khánh thành và đưa vào hoạt động, các hiện vật tiếp tục được bổ sung thêm từ những tổ chức văn hóa và những người bạn Nga, Việt quan tâm đến lĩnh vực này.

Nhiều tư liệu, hình ảnh quý tại các phần trưng bày giúp người xem hiểu về những mối liên hệ gắn bó Việt Nam với Nước Nga và Liên Xô trước đây: Hình ảnh Bác Hồ trong kháng chiến chống Pháp do nhà quay phim Xô Viết Ronan Karmen ghi lại; các tác phẩm do các nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ Nga viết về VN; tư liệu về những lớp sinh viên Việt Nam đầu tiên sang Nga học tập...

Nhiều tư liệu độc đáo và rất có ý nghĩa. Chẳng hạn, phần giới thiệu về những liên hệ ban đầu của liên hệ văn hóa Việt Nga có nhắc đến những ghi chép về vua Hàm Nghi của nữ văn sĩ Nga Tachinna Sepkina Cupernic khi bà gặp nhà vua VN đang sống lưu đày ở Angieri vào năm 1902; các bản dịch văn học Nga đầu tiên của các học giả Đặng Thai Mai, Phan Khôi, Như Phong; bản thảo các sinh viên trường Đại học Y khoa dịch tác phẩm “Người quả phụ Nga” của Kataev từ 1948... Đặc biệt, có cả bản in một tin thông báo về việc mở lớp dạy tiếng Nga đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 12/1945, chỉ vài tháng khi nhà nước VNDCCH ra đời. Nhiều tư liệu như vậy đã được dịch giả Thúy Toàn giới thiệu tỷ mỷ khi chúng tôi cùng ông thăm các phần trưng bày của nhà lưu niệm.

Dịch giả Thúy Toàn cùng các NB của TTXVN: Phạm Đình Lợi, Bùi Ngọc Hải và Trần Mai Hưởng tại nhà lưu niệm.

Dịch giả Thúy Toàn năm nay đã 83 tuổi, là người đã dành cả cuộc đời gắn bó với hóa Nga và Liên Xô trước đây. Ông thuộc lớp sinh viên sang Nga học từ 1953, dịch những tác phẩm đầu tiên về văn học Nga sang tiếng Việt từ 1956. Sau hơn 60 năm, Thúy Toàn đã xuất hơn 60 tập sách, trong đó có khoảng 10 tập thơ, với hàng ngàn bài thơ Nga đến với bạn đọc Việt Nam. Năm 2010, dịch giả Thúy Toàn đã được tổng thống Nga Dmitri Mevedev tặng Huân chương Hữu Nghị tại điện Kremli, ghi nhận những đóng góp bền bỉ và xứng đáng của ông trong việc xây dựng, vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc, làm phong phú và sâu sắc hơn mối quan hệ văn hóa Nga - Việt.

Thăm Nhà lưu niệm Văn học Nga, càng thêm quý trọng tấm lòng, tâm huyết, sự kiên nhẫn, bền bỉ của dịch giả Thúy Toàn và các bạn bè, đồng nghiệp của ông dành cho công việc này; quý trọng tầm nhìn và tấm lòng của chính quyền và người dân Phù Lưu đã góp sức cùng ông xây dựng lên một địa chỉ văn hóa nhiều ý nghĩa.

Rất cảm động lời tâm sự của dịch giả Thúy Toàn lúc chia tay chúng tôi:

-Năm nay tôi đã 83 tuổi, thời gian không còn nhiều. Nhà lưu niệm này là tình yêu, làm tâm nguyện của cuộc đời tôi. Tôi chỉ mong có người xứng đáng bàn giao lại, để tiếp tục gìn giữ và ngày một làm phong phú hơn nhà lưu niệm này cho những người yêu mến văn hóa Nga các thế hệ mai sau ...

Trần Mai Hưởng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/dich-gia-thuy-toan-mot-tam-long-voi-van-hoa-nga-20201105162533902.htm