Đích đến là hiệu quả thực chất

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo đang mở ra cơ hội để các trường đại học của Việt Nam tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của thế giới.

Tuy nhiên, trước xu hướng nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn học tập ở nước ngoài như hiện nay đòi hỏi các trường phải đưa ra những giải pháp để cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng cho cả sinh viên Việt Nam và nước ngoài, từ đó thúc đẩy phong trào du học tại chỗ.

 Trường Đại học VinUni và Đại học Cornell (Mỹ) trong lễ ký kết hợp tác chương trình “Study Away” tổ chức mới đây.

Trường Đại học VinUni và Đại học Cornell (Mỹ) trong lễ ký kết hợp tác chương trình “Study Away” tổ chức mới đây.

Rào cản lớn nhất là ngoại ngữ

Trong những năm qua, giáo dục đại học đã có bước phát triển mạnh mẽ nhờ chính sách tự chủ đại học và tăng cường hợp tác quốc tế ngày một sâu rộng. Đến nay, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã có nhiều chương trình đào tạo chất lượng, được kiểm định quốc tế, đào tạo bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác. Chương trình đào tạo quốc tế liên kết với các đại học uy tín ở nước ngoài không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, hiện có tổng số 352 chương trình liên kết đào tạo với hơn 30 quốc gia trên thế giới với số lượng sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đang theo học là 27.874 người.

Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế thời gian qua đã đóng góp đáng kể vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho đất nước. Tham gia các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, người học được đào tạo bài bản với kiến thức và kỹ năng tiên tiến, đặc biệt, tăng cường khả năng sử dụng ngoại ngữ trong học tập và công việc sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo các cơ sở giáo dục đại học, khi triển khai các chương trình đào tạo này thì rào cản lớn nhất lại là trình độ ngoại ngữ của người học.

PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trường phải dành khoảng thời gian một năm đầu để nâng chuẩn ngoại ngữ của sinh viên, giúp các em có thể tham gia chương trình liên kết đào tạo quốc tế”. Tương tự, GS, TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ cũng cho rằng, trình độ ngoại ngữ đang là khó khăn cho các chương trình liên kết đào tạo của nhà trường. Nhà trường mất nhiều thời gian để nâng chuẩn ngoại ngữ cho sinh viên trước khi các em bước chân vào chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Về vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: “Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế được thực hiện hoàn toàn bằng ngoại ngữ không qua phiên dịch. Đối với trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, các chương trình liên kết đào tạo sẽ quy định cụ thể trình độ ngoại ngữ đầu vào tối thiểu phải bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. Vì vậy, khi muốn tham gia chương trình liên kết đào tạo quốc tế, người học cần phải chuẩn bị đầy đủ về năng lực, kỹ năng ngoại ngữ tương ứng”.

Tới đây, Trường Đại học VinUni sẽ triển khai chương trình liên kết đào tạo quốc tế với Đại học Cornell (Mỹ). Ảnh chụp sinh viên Trường Đại học VinUni.

Minh bạch thông tin cho người học

Việc gia tăng của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế trong nước đã tạo nên sự cạnh tranh trong công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có tình trạng một số trường quảng cáo nhập nhèm, không rõ ràng thông tin về các chương trình đào tạo, gây hiểu lầm cho phụ huynh, sinh viên và xã hội. Để bảo đảm chất lượng trong liên kết đào tạo quốc tế, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý: “Các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam cần thực hiện đúng quy định tại Luật Giáo dục đại học đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018, đồng thời thực hiện đúng các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP, bao gồm: Phê duyệt chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài theo thẩm quyền, lựa chọn trường đối tác nước ngoài, chương trình bảo đảm về uy tín, kiểm định chất lượng; thực hiện đầy đủ theo thỏa thuận hợp tác. Đặc biệt, chuẩn đầu ra của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài không được thấp hơn chuẩn đầu ra quy định bởi các văn bản pháp luật của Việt Nam”.

Thực hiện chương trình liên kết đào tạo quốc tế, Việt Nam rất chú trọng đến chất lượng và kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những chương trình chất lượng tốt, đạt yêu cầu thì vẫn có những chương trình chưa đạt. Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã cho rà soát các chương trình liên kết đào tạo quốc tế và cho dừng lại gần 200 chương trình chưa đạt yêu cầu. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, để tránh tình trạng các trường đua nhau mở các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, Bộ GD&ĐT đặc biệt chú trọng tới khâu tiền kiểm. Song song với việc hỗ trợ các trường trong việc tìm đối tác, mở các chương trình đào tạo, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ có công cụ để giám định chặt chẽ ngay từ đầu. “Với thông điệp chung là thúc đẩy các chương trình liên kết quốc tế thực sự chất lượng tại Việt Nam, yêu cầu đặt ra tới đây đối với các chương trình liên kết đào tạo quốc tế là phải xứng với chất lượng, phải minh bạch thông tin về đối tác, chương trình học, học phí... Bộ cũng sẽ đẩy mạnh thanh kiểm tra, cho dừng tất cả chương trình liên kết quốc tế không đảm bảo chất lượng để đích đến là hiệu quả thực chất, tạo động lực cho các nhà trường, đồng thời cũng mang lại quyền lợi cho người học”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/dich-den-la-hieu-qua-thuc-chat-629246