Đích đến không chỉ là World Cup của bóng đá Việt Nam
Tuyển Việt Nam góp mặt ở World Cup là giấc mơ nhảy múa trong trái tim mỗi chúng ta nhưng bóng đá nước nhà có một đích đến còn hơn thế.
"Vaooòo!!! Cú sút từ ngoài vòng cấm đầy bất ngờ của Quang Hải đã quân bình tỷ số 1-1 cho chúng ta trước gã khổng lồ Nhật Bản. Một điểm này quý giá này sẽ đưa tuyển Việt Nam lách qua khe cửa hẹp để trở thành đội bóng thứ 8 của châu Á dự World Cup 2026. Ước mơ đã trở thành hiện thực, chúng ta hãy cùng đếm những giây bù giờ cuối cùng…5,4,3…”, mọi BLV bóng đá nước nhà có lẽ đều mơ ước được nghẹn ngào sống trong khoảnh khắc huy hoàng này. Mọi cầu thủ bóng đá Việt Nam có lẽ ít nhất một lần hình dung mình sẽ vui sướng như thế nào trong giây phút đó. Nhưng giờ đây dự đoán về tương lai của nền bóng đá có khi còn đơn giản hơn là biết được trong tương lai chúng ta sẽ ước mơ gì.
Vào khoảng thời gian này của hơn 15 năm trước (2008), ước mơ của cả một thế hệ người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã trở thành hiện thực. Công Vinh đánh đầu tung lưới Thái Lan trên sân Mỹ Đình mang về cái kết nghẹt thở và chiếc cúp AFF lần đầu tiên trong lịch sử. Vào thời điểm đó việc thắng đội tuyển Thái Lan và vô địch Đông Nam Á còn hơn cả một ước mơ, đó là một nỗi ám ảnh được hình thành từ rất nhiều những thất bại cay đắng trong khoảng 13 năm tính từ trận chung kết SEA Games năm 1995.
Rồi bỗng nhiên giấc mơ World Cup cho bóng đá nam đến theo một cách hoàn toàn khác. Chúng ta nghĩ về việc dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh trong sự hân hoan của thời đại hoàng kim với ‘phép thuật’ mang tên Park Hang Seo. Điều đó như được tiếp thêm sức mạnh khi FIFA tăng số lượng dự vòng chung kết World Cup lên 48 đội. Ước mơ World Cup có phần nào “hồn nhiên” khi chưa một lần chúng ta từng vấp ngã cay đắng, khi thậm chí chưa một lần đặt chân vào bán kết giải vô địch châu lục.
Nhưng ước mơ là thứ thay đổi rất nhanh theo hoàn cảnh thực tế. Từ chỗ kỳ vọng lứa cầu thủ vàng dưới 30 tuổi sẽ đạt độ chín vừa khớp với vòng loại World Cup 2026 thì giờ đây nhiều người đang hoang mang khi HLV Troussier có vẻ đang muốn đẩy nhanh quá trình chuyển giao thế hệ và đưa đội tuyển Việt Nam vào một cuộc thử nghiệm lối chơi đầy mạo hiểm.
Đích đến hơn cả World Cup
Trong toàn bộ “bài toán” chiến lược thành tích bóng đá này, biến số khó lường nhất lại chính là World Cup. Chúng ta không thể biết được ngày hội bóng đá sẽ thay đổi như thế nào khi các nhà tổ chức xem đây là một sản phẩm thương mại. VCK World Cup đã từ 24 lên 32, rồi 48 đội, tổ chức từ 1 quốc gia, 2 quốc gia, rồi xuyên châu lục, từ mùa hè chuyển sang mùa đông…
Có gì đảm bảo rằng rồi một ngày cuộc chơi không tăng số đội lên thành 64, 96 thậm chí còn không có cả vòng loại nữa. Một xu thế mới không thể bỏ qua khi chúng ta bàn tới tương lai của các giải đấu thể thao hàng đầu thế giới. Khi các tên tuổi hàng đầu cảm thấy mất thời gian cho các cuộc so tài không cân sức với các đối thủ ‘chiếu dưới’, những hệ thống giải mới sẽ được hình thành quy tụ chỉ những ai trong hàng ngũ “elite” (tinh hoa).
Golf chứng kiến sự ra đời của LIV, bóng đá thì ý tưởng về Super League châu Âu cũng sẽ được nhen nhóm trở lại. Hãy mơ đi trước khi quá muộn. Chúng ta chưa kịp đến World Cup thì giải đấu đã tự đến với chúng ta rồi. Hoặc tệ hơn, năm 2046 chúng ta có thể đặt chân tới World Cup trong khi thế giới đang háo hức với Super Universal Cup nào đó.
Nếu World Cup không phải là một thước đo tiêu chuẩn thì chúng ta phải dựa vào điều gì để đánh giá chính bản thân mình và định hình ước mơ bóng đá sau 10 hay 20 năm nữa.
Nếu có một ước mơ cho năm 2046, xin đừng nghĩ về World Cup. Hãy nghĩ về việc thể chất trẻ em Việt Nam đạt tới những bước tiến mới nhờ chế độ dinh dưỡng, bóng đá phong trào, học đường trở nên phổ biến với cơ sở vật chất tốt và lực lượng HLV được đào tạo bài bản… Khi đó bóng đá sẽ phản ánh đúng hơn sự phát triển chung của quốc gia.
Thực ra chúng ta hay mơ về bóng đá với những khoảnh khắc huy hoàng như cách bài viết này đã mở đầu. Nhưng thành tích bóng đá trong khi gợi lên một niềm tự hào dân tộc rất lớn lại chỉ có tính tương đối trong việc phản ánh tình hình kinh tế xã hội của một quốc gia.
Ví dụ, những chiến tích vinh quang của kỷ nguyên Park Hang Seo bắt nguồn từ thời kỳ thịnh vượng của nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh vào bóng đá trước đó 10 năm. Những cuộc tuyển sinh rầm rộ đến mức trở thành cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài bóng đá giữa các địa phương và câu lạc bộ, sự thay đổi về nhận thức đào tạo bóng đá trẻ, sự cải thiện về dinh dưỡng cho trẻ em…
Thế nên nếu có một ước mơ nào đó về bóng đá cho năm 2046, xin đừng nghĩ về World Cup. Hãy nghĩ về việc thể chất trẻ em Việt Nam đạt tới những bước tiến mới nhờ chế độ dinh dưỡng, bóng đá phong trào, học đường trở nên phổ biến với cơ sở vật chất tốt và lực lượng HLV được đào tạo bài bản… Khi đó bóng đá sẽ phản ánh đúng hơn sự phát triển chung của quốc gia và ước mơ của chúng ta về thành tích có thể theo kịp bất cứ sự sáng tạo nào của các nhà tổ chức giải đấu, không chỉ là World Cup.