Đích đến của nông thôn mới

Trong chuyến công tác tại Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) xã Quế Phú, huyện Quế Sơn.

Nếu năm 2010, xã Quế Phú mới đạt 2 tiêu chí của NTM thì nay xã đã đạt toàn bộ 19/19 tiêu chí. Đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Quế Phú, nhưng Thủ tướng cũng lưu ý không được thỏa mãn mà còn phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, vì mục tiêu của NTM cũng chính là nâng cao đời sống của người dân.

Xây dựng nông thôn mới góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

“Chúng ta phải làm sao nâng cao mức sống của người dân, cả vật chất và tinh thần, để đời sống người dân sung túc hơn, đó mới chính là mục tiêu của NTM”- Thủ tướng nói. Trạm xá, trường học, giao thông là phương tiện, điều kiện, cuối cùng vẫn phải là đời sống của bà con.

Nhiều năm qua, các địa phương trên cả nước đã dồn sức xây dựng NTM và đã đạt được nhiều thành tựu. Những nơi điều kiện kinh tế-xã hội khá thì làm nhanh, nhưng tại những vùng còn khó khăn thì xây dựng NTM đạt được nhiều tiêu chí không hề đơn giản. Nhất là ở vùng núi cao, vùng bà con dân tộc thiểu số, thì các điều kiện để xây dựng NTM rất hạn chế. Để phấn đấu đạt được chuẩn NTM không là chuyện đơn giản.

Trong xây dựng NTM, nhiều nơi cũng do nôn nóng mong sớm được công nhận đã huy động quá sức dân, vay mượn vốn, nên cũng đã để lại hậu quả mà tới nay vẫn phải tiếp tục giải quyết. Bài học rút ra ở đây là phải tạo ra được sự đồng thuận trong nhân dân, từ đó mới huy động được sức dân, người dân mới chung tay xây dựng NTM. Ở đâu người dân không kêu ca, sẵn sàng hiến đất làm đường giao thông nông thôn, bệnh viện, trạm y tế, nhà văn hóa… thì ở đó công tác vận động quần chúng mới thực sự hiệu quả.

Trong xây dựng NTM, một “căn bệnh” nữa cũng rất đáng chú ý, khắc phục. Đó là bệnh tự thỏa mãn. Được công nhận rồi, có khi lãnh đạo xã, huyện lại lấy thế làm bằng lòng, không tiếp tục phấn đấu đưa địa phương mình tiến xa hơn nữa. Thực tế cho thấy, không ít xã sau khi làm lễ đón nhận danh hiệu NTM thì phong trào đi xuống, hay là “đi ngang”. Niềm vui được công nhận NTM kéo dài không bao lâu, rồi thì đâu lại vào đấy, có khi lại còn bị mất tiêu chí khi kiểm tra lại. Đây là vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc để sau NTM thì địa phương lại càng phải giàu đẹp hơn lên.

Căn bệnh tự thỏa mãn là rất nguy hiểm. Nói rộng ra, nước ta sau nhiều năm phấn đấu đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Đó là thành tựu rất đáng ghi nhận. Nhưng, giới chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã lên tiếng cảnh báo nếu không có những nỗ lực tiếp theo thì rất dễ rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình. Tự thỏa mãn, tự hài lòng sẽ triệt tiêu sức phấn đấu, bỏ qua những cơ hội phát triển.

Trở lại với ý kiến của Thủ tướng khi về dự lễ đón nhận danh hiệu NTM của xã Quế Phú (tỉnh Quảng Nam), Thủ tướng nói với Đảng bộ, chính quyền xã và cũng là nói với chủ trương xây dựng NTM chung cho cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh, cần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, để “hệ thống ấy sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, lo cho dân nhiều hơn”, không được cửa quyền, hách dịch, xa dân, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu đối với người dân, không để xuất hiện “lớp lý trưởng mới” ở nông thôn. Đây cũng là một thực tế đã xuất hiện ở một số nơi, khi mà lãnh đạo địa phương xa dân, không còn lắng nghe ý kiến người dân, không chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh sống của mỗi một hộ dân.

Đích đến cuối cùng của NTM đối với nông thôn cũng chính là giải quyết cho được vấn đề nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Đạt chuẩn NTM nhưng đời sống của người nông dân không được nâng lên thì cũng có nghĩa là không đạt được mục đích của xây dựng nông thôn Việt Nam. Tới nay, thu nhập của người nông dân vẫn còn một khoảng cách xa so với thu nhập của những thành phần kinh tế khác. Vì vậy, nhiều nơi người dân đã không tìm thấy niềm vui trên ruộng đồng. Lớp trẻ ở nhiều thôn làng chia tay với ruộng vườn, chuồng trại, tìm đường lên thành thị đến những khu công nghiệp, hoặc là làm những công việc giản đơn nhưng kiếm được nhiều tiền hơn so với làm việc ở quê nhà.

Lớp trẻ sức vóc bao giờ cũng là lao động chính, họ có khả năng tiếp thu kiến thức khoa học-kỹ thuật để cải tạo đồng đất, thay đổi tư duy theo hướng làm ăn mới. Nếu họ vẫn dời làng ra đi thì việc thay đổi nhanh chóng và toàn diện bộ mặt nông thôn sẽ là điều rất khó khăn.

Đích đến của NTM vì vậy cũng chính là đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân. Xây dựng NTM đã rất khó, thì việc tiếp tục phát huy sau khi đã đạt chuẩn NTM cũng không là điều dễ dàng. NTM là điều kiện quan trọng, điều kiện cơ bản để từ đó bước những bước dài rộng hơn trong xây dựng làng quê, đem đến cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người nông dân- đó mới là đích đến cuối cùng.

Nam Việt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/dich-den-cua-nong-thon-moi-tintuc432887