'Đích đến' của doanh nghiệp

Biểu tượng và các chỉ dẫn 'recycle' trên mỗi sản phẩm hàng hóa hiện đang trở thành xu hướng và được người tiêu dùng hết sức quan tâm.

Với sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những đột phá về công nghệ kỹ thuật đang đặt ra yêu cầu đổi mới phương thức sản xuất; đồng thời, "buộc" các doanh nghiệp phải nỗ lực cải tổ, đầu tư trang thiết bị cùng hệ thống máy móc phục vụ sản xuất theo hướng xanh hơn, sạch hơn và thân thiện với môi trường.

Biểu tượng và các chỉ dẫn "recycle" trên mỗi sản phẩm hàng hóa hiện đang trở thành xu hướng và được người tiêu dùng hết sức quan tâm. Đó cũng là "đích đến" mà các doanh nghiệp đang tập trung theo đuổi vì mục tiêu phát triển bền vững.

Doanh nghiệp đã có ý thức ngay từ khâu đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc. Ảnh minh họa: TTXVN.

Bình luận về thực trạng sản xuất và mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp với xu hướng sản xuất thân thiện với môi trường, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong nhiều năm qua, chỉ riêng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các chiến lược và phong trào kêu gọi sản xuất sạch hơn đã được triển khai và thu hút sự tham gia của hơn 9.000 doanh nghiệp.

"Nhất là khi, doanh nghiệp phải thực hiện và được đánh giá về chỉ số phát triển bền vững để đo lường hiệu quả hoạt động trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều này cho thấy, nhận thức và trách nhiệm xã hội của đa phần doanh nghiệp đang có sự chuyển biến và dần thay đổi theo chiều hướng tích cực", Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói.

Doanh nghiệp đã có ý thức ngay từ khâu đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc, tuy có thể không phải loại đời mới, hiện đại tối tân nhưng cũng không còn chuộng loại thế hệ cũ, rẻ tiền, mau hỏng và nguy cơ gây hại tới môi trường. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn, tiên phong và thúc đẩy các phong trào sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường ngay trong ngành, trong lĩnh vực hoạt động của mình. Đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp khác cùng hưởng ứng, ông Phương nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng đồ uống mang tính nhạy cảm cũng định hướng lựa chọn nhiều giải pháp hướng tới mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng xanh. Theo đó, chú trọng phương châm quan tâm tới con người, gìn giữ hành tinh, vì sự thịnh vượng chung.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, kiêm Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho rằng, sản xuất tuần hoàn là yêu cầu bắt buộc để tổ chức một nền kinh tế tuần hoàn. Trong bối cảnh, tốc độ tăng trưởng nhanh về dân số, đô thị hóa và công nghiệp hóa thì nhu cầu tài nguyên, nguyên nhiên liệu ngày càng tăng cao.

Vì lẽ đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào độ bền của vật liệu, khả năng tái tạo, tái sử dụng, sửa chữa và thay thế, nâng cấp, tân trang... Điều ấy có thể giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội tăng trưởng, nâng cao lợi thế cạnh tranh, giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải CO2. Cùng đó, đa dạng nguồn cung ứng và đảm bảo an ninh tài nguyên, cũng như đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh mà cộng đồng thế giới đang kêu gọi.

Để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi nhận thức, hướng mối quan tâm của các doanh nghiệp vào lợi ích do sản xuất tuần hoàn và nền kinh tế tuần hoàn mang lại, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nền kinh tế tuần hoàn đã có nhiều hoạt động để quảng bá, truyền thông, đào tạo và hướng dẫn doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức các cuộc gặp gỡ, làm việc với các cơ quan chức năng để hỗ trợ triển khai những sáng kiến sản xuất tuần hoàn trong cộng đồng doanh nghiệp...

"Mục tiêu hướng tới nền kinh tế tuần hoàn; trong đó các hoạt động sản xuất đều gắn với việc giải quyết những vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa dẻo; xây dựng lộ trình và nhân rộng những mô hình, sáng kiến sản xuất tuần hoàn; xây dựng mô hình chuỗi giá trị gắn với nền kinh tế tuần hoàn....", ông Vinh cho biết.

Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao, Công ty TNHH Nhà máy Bia HEINEKEN Việt Nam cho biết, với chủ trương "Gìn giữ hành tinh", doanh nghiệp đã vận dụng nhiều giải pháp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh như sử dụng năng lượng tái tạo, nỗ lực giảm lượng nước sử dụng, tập trung xử lý chất thải và quyết liệt không tạo rác thải.

Qua đó, HEINEKEN đã tổ chức được 4/6 nhà máy nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo; triển khai hệ thống thiết bị nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nước; đầu tư 229 tỷ đồng vào các công trình xử lý nước thải và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong dây chuyền sản xuất.

Quyết tâm ấy đã thu được những hiệu quả bất ngờ như hiện nay và HEINEKEN đã trở thành doanh nghiệp đứng đầu về hiệu quả sử dụng nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Nước thải sau xử lý của doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn A+ và có tới 99,01% phụ phẩm và phế liệu trong sản xuất được tái sử dụng và tái chế...

Đây cũng là những sáng kiến mà HEINEKEN đã triển khai và đang khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành sản xuất bia, rượu, nước giải khát cùng thực hành.

Tương tự, ông Hoàng Đức Hùng, Phó Tổng giám đốc, Công ty TNHH PwC Việt Nam cho rằng, phổ biến kiến thức về phát triển bền vững; trong đó, chú trọng tới sản xuất tuần hoàn sẽ mang lại giá trị dài hạn cho doanh nghiệp. Đây cần xem là nhiệm vụ để có sự phân cấp trách nhiệm giám sát và quản lý rủi ro bằng các quy trình mạnh mẽ và các biện pháp nghiêm ngặt.

Ngay như thực tế của PwC, chiến lược phát triển bền vững luôn được gắn với chiến lược phát triển doanh nghiệp. Từ đây, có thể đưa ra những quyết định về tình hình sản xuất kinh doanh hay định hướng phát triển của công ty. PwC từng phê duyệt nhiều ngân sách cho các sáng kiến nhắm tới mục tiêu phát triển bền vững; trong đó, nổi bật là những sáng kiến liên quan tới sản xuất sạch hơn; tiêu dùng và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn...

Điều này không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí hoạt động, tiết kiệm chi phí cho chuỗi cung ứng mà còn tạo nên hiệu suất lao động cao cũng những giá trị phi vật chất khác như cải thiện hình ảnh thương hiệu. Đồng thời, cải tiến sản phẩm và tạo nên mối gắn kết giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị....

Có thể thấy rằng, việc kêu gọi cộng đồng với những hành động thiết thực hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đã thực sự "thấm đẫm" và đang phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, nếu có thêm những động lực từ chính sách, những cơ chế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lựa chọn để mạnh dạn đầu tư phương thức và quy trình, hệ thống máy móc sản xuất thân thiện với môi trường... thì chặng đường hướng tới đích nhắm tăng trưởng xanh của Việt Nam sẽ còn không xa.

Theo BNEWS/TTXVN

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/dich-den-cua-doanh-nghiep-d137506.html