Đích đến 2016-2020: Một mức độ đáng báo động trong lao động và việc làm

Tỷ lệ thất nghiệp có thể không quá xấu, nhưng chất lượng lao động thì cho thấy một mức độ đáng báo động…

Trong khuôn khổ chuyên đề hướng về đích đến của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020, ở bài viết trước BizLIVE đã đề cập đến điểm sáng chuỗi tăng trưởng kinh tế, đặc biệt năm nay với bối cảnh suy giảm toàn cầu bởi Covid-19.

Nhưng, ngược lại, khoảng xám đáng chú ý vào cuối giai đoạn này là lao động và việc làm, điểm mà giới chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận lại.

CẦN XEM LẠI VÌ… KHÔNG QUÁ XẤU

Như đã đề cập, trước thềm kỳ họp Quốc hội khai mạc ngày 20/10 tới, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lần lượt có các cuộc họp đánh giá lại tổng thể tình hình kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là một trong 4/12 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch Quốc hội giao năm 2020

Thông tin về cuộc họp tại Quảng Ninh vừa qua cho biết, khi con số thất nghiệp chỉ nhỉnh hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao hồi chưa có dịch Covid-19 (ước cả năm 4,39% trên kế hoạch dưới 4%) đã khiến một số vị đại biểu dự họp băn khoăn.

Tương tự, trong diễn đàn kinh tế tại Cần Thơ, một số chuyên gia cũng nhiều lần dùng từ “u ám” để miêu tả tình hình lao động, việc làm của cả năm 2020.

Cuộc họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế là để thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020. Diễn đàn tại Cần Thơ cũng do Ủy ban Kinh tế và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức, về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng của năm 2020.

Ở cả hai cuộc họp trên, tác động của đại dịch Covid-19 đến người lao động ra sao, dự báo tình hình lao động việc làm thời gian tới thế nào được các đại biểu quan tâm.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là một trong 4/12 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch Quốc hội giao năm 2020.

Theo đánh giá của Bộ thì năm 2020, thị trường lao động có nhiều biến động, lực lượng lao động giảm, số lao động mất việc làm gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở mức cao. Sự suy giảm diễn ra mạnh ở đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp gia tăng, tập trung ở một số ngành nghề như: may mặc, da giầy; du lịch; khách sạn, nhà hàng; vận chuyển, giao nhận...

Ước cả năm, cả nước tạo việc làm cho khoảng 1,27 triệu người, trong đó tạo việc làm trong nước cho khoảng 1,2 triệu người và đưa khoảng 70 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài. Số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế ước đạt 53,2 triệu người, giảm khoảng 1,5 triệu người so với năm 2019.

Tuy nhiên, con số tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị khoảng 4,39% cao hơn mục tiêu đề ra (dưới 4%) không nhiều, theo một số vị đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế là cần phải xem lại.

ĐÔNG NHƯNG KHÔNG MẠNH

Nhìn lại một cách tổng quát bức tranh lao động, việc làm năm 2019, TS. Nguyễn Văn Thuật, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, khái quát: Việt Nam có lực lượng lao động đông đảo, gần 56 triệu người (chiếm 58,4% dân số cả nước), trong đó 54,7 triệu lao động có việc làm (chiếm 98% lực lượng lao động). Đây là 2 chỉ báo quan trọng phản ánh tổng quát về trạng thái cung - cầu lao động trong nền kinh tế với quy mô dân số hơn 96 triệu dân.

Tuy nhiên, ông Thuật cho rằng, xét về chất lượng lao động thì lại đáng lo ngại và cho thấy ở mức độ đáng báo động bởi có tới 42,8 triệu người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (chiếm gần 77% lực lượng lao động) nên năng suất lao động nói chung, thu nhập của lao động nói riêng còn thấp là điều tất yếu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân cốt lõi của nút thắt đông nhưng không mạnh được cho là do lao động làm công ăn lương của Việt Nam còn chậm phát triển, chiếm tỷ trọng thấp trong lực lượng lao động (khoảng 46% lực lượng lao động của cả nước).

Có tới 42,8 triệu người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (chiếm gần 77% lực lượng lao động) nên năng suất lao động nói chung, thu nhập của lao động nói riêng còn thấp

Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 19 triệu người, chiếm 34,7% lao động có việc làm của cả nước; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,1 triệu người, chiếm 29,4%; khu vực dịch vụ 19,6 triệu người, chiếm 35,9%.

Năm 2019, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018) và tăng 6,2% so với năm 2018.

Chuyển sang 2020 - năm mà đại dịch Covid-19 gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có, tham luận của TS Thuật phân tích và định vị tình hình lao động, việc làm theo 3 mốc thời gian.

6 tháng đầu năm lực lượng 54,2 triệu người, giảm 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm năm trước; trong đó có 53 triệu lao động có việc làm, giảm 1,3 triệu người và lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 47,9 triệu người, giảm 1,1 triệu người.

Tình hình này, theo ông Thuật là khá ảm đạm, biểu hiện sự bất thường so với cùng kỳ năm 2019 bởi cả 3 chỉ báo đều sụt giảm đáng kể.

Xét riêng ở quý II của năm, TS. Thuật đánh giá, bức tranh lao động, việc làm thể hiện u ám, bị nhiều mây đen bao phủ hơn so với quý I bởi tác động mạnh của dịch bệnh. Lực lượng lao động của quý II/2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đây đang là năm có mức giảm kỷ lục.

Về 6 tháng cuối năm 2020, ông Thuật nhận định tình hình lao động, việc làm dù còn ảm đạm nhưng sẽ có những điểm sáng, không xám như bức tranh 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý là lực lượng lao động sẽ đạt con số 55,1 triệu lao động, tăng 900 nghìn người so với 6 tháng đầu năm; lao động có việc làm là 53,8 triệu người, tăng 800 nghìn người.

Đánh giá cả năm, vị chuyên gia này khái quát: “Mây đen vẫn đang bao phủ bức tranh lao động, việc làm năm 2020 của nước ta bởi đại dịch Covid-19, một bức tranh lao động, việc làm u ám so với bức tranh của năm 2019”.

Năm 2021 trong hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội không còn tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị. Chỉ tiêu về lao động còn được giữ lại là: tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%.

Tuy nhiên, tại báo cáo gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung vẫn xác định, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%.

Các chỉ tiêu ngành được Bộ trưởng xác định gồm: Đưa khoảng 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 35%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 28%. Giảm tần suất tai nạn lao động hằng năm trung bình là 5%; trong đó, giảm tần suất tai nạn lao động chết người hàng năm trung bình là 4,5%. Tuyển mới giáo dục nghề nghiệp khoảng 3.100 nghìn người; trong đó, trình độ cao đẳng và trung cấp là 600 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo khác khoảng 2.500 nghìn người. Tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo 2.870 nghìn người; trong đó, trình độ cao đẳng và trung cấp là 420 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo khác khoảng 2.450 nghìn người.

THẾ ANH

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/dich-den-2016-2020-mot-muc-do-dang-bao-dong-trong-lao-dong-va-viec-lam-3552622.html