Đích đến 2016-2020: Đã có dấu hiệu suy giảm niềm tin doanh nghiệp…

Một mục tiêu về phát triển doanh nghiệp gần như đã trở thành tham vọng trong giai đoạn 2016-2020.

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm có 38,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 27,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, gần 12,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (Ảnh minh họa).

Trước khi nói đến mục tiêu đó, với hiện tại, một cấu phần trong bức tranh doanh nghiệp cuối giai đoạn này có dấu hiệu đi xuống: Niềm tin doanh nghiệp.

VẤN ĐỀ ĐÁNG LƯU TÂM

Đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội khi được hỏi về hiệu quả các chính sách đã ban hành, cũng như hướng đề nghị các chính sách mới, theo phản ánh của Ban IV đến người đứng đầu Chính phủ.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) nhấn mạnh sự suy giảm niềm tin là vấn đề hết sức đáng lưu tâm.

Bởi lẽ, đây là kết quả khảo sát doanh nghiệp lần 3 trong năm nay, được thực hiện trên toàn quốc, và kết quả này rất khác với cuộc khảo sát lần 1 và lần 2 của Ban IV, là đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội. Họ không còn hào hứng đưa ra giải pháp, kiến nghị cho Chính phủ và thậm chí đại diện một số hiệp hội còn bày tỏ sự thất vọng vì “kiến nghị nhiều lần nhưng gần như không có sự thay đổi”.

Đây cũng là một phần hệ lụy của việc nhiều doanh nghiệp hiện đang chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch, đứng trước áp lực về dòng tiền, về sự bất định của tương lai khiến góc nhìn của họ có xu hướng trở nên tiêu cực hơn - báo cáo khảo sát phát hành trong tháng 9/2020 của Ban IV nhận định.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 9/2020, cả nước có 10,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 203,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 83 nghìn lao động, giảm 23,1% về số doanh nghiệp, giảm 29,6% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với tháng trước; có 3.269 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 5,4% và tăng 114,9%; có 4.097 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 19,7% và tăng 50,8%; có 1.736 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 22,6% và tăng 14,1%; có 6.933 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 77% và tăng 59,1%...

Không phải là bức tranh toàn cảnh của doanh nghiệp Việt, nhưng tình hình trên càng củng cố cho tính vững chắc của nhận định mục tiêu đến 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp không thể hoàn thành.

KHÔNG CHỈ MỖI COVID-19 CẢN ĐƯỜNG…

Mục tiêu trên từng được lãnh đạo Chính phủ nhiều lần nhắc đến với quyết tâm rất cao. Với đà tăng trưởng của 2018-2019, đến cuối năm 2019 con số đang hoạt động là 758.610 doanh nghiệp, thì việc tăng thêm hơn 20% trong năm tiếp theo cũng không phải mục tiêu quá tham vọng, nhất là nhìn vào giai đoạn 2016-2019 trung bình mỗi năm có gần 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.

Tất nhiên, không thể thiếu yếu tố Covid-19 trong việc một mục tiêu quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết 24 của Quốc hội không đạt. Nhưng, đặt trong bối cảnh rộng của khu vực kinh tế tư nhân thì có lẽ góc nhìn sẽ không bị hút vào Covid-19, bởi lý do không chỉ vì đại dịch.

Theo đánh giá của Chính phủ thì giai đoạn 2016-2020, phát triển khu vực tư nhân vẫn còn chậm so với kế hoạch. Một số tập đoàn kinh tế tư nhân có sự phát triển nhưng chưa thực sự mạnh, chưa có công nghệ hiện đại và chưa thể đóng vai trò nòng cốt, mũi nhọn trong phát triển kinh tế như yêu cầu đặt ra.

Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (hơn 97%), các doanh nghiệp vừa chiếm tỷ trọng quá ít (khoảng 1,7%) và không có sự biến động đáng kể trong giai đoạn 2016-2020 tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng.

Chính phủ cũng nhìn nhận, năng lực tài chính, trình độ công nghệ và hiệu quả kinh doanh của kinh tế tư nhân chưa cao; khả năng kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế; chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh chưa nổi bật; khả năng tham gia chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực và toàn cầu còn rất hạn chế, chủ yếu ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp.

“Mặc dù số lượng doanh nghiệp tăng nhanh so với bình quân của giai đoạn 2010-2015, nhưng với quy mô và tốc độ tăng trưởng hiện tại cùng với những khó khăn trong phát triển kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động chưa thể hoàn thành”, Chính phủ nhận định trong một báo cáo mới đây.

Như vậy, rõ ràng không chỉ có Covid-19 cản đường về đích của mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp.

KHÓ KHĂN CHƯA BỘC LỘ HẾT

Nhưng, Covid-19 đã làm bộc lộ những bất cập trong thông điệp rất hay được nhắc tới là “đồng hành” cùng doanh nghiệp.

Rõ nhất là với gói hỗ trợ lần 1, rất nhiều doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận vì nhiều điều kiện chưa hợp lý hoặc chưa thực tiễn, quy trình thủ tục còn phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợi các cấp hướng dẫn. Trong lúc đó thì kết quả khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng cần “cấp cứu”, nếu thực thi các chính sách hỗ trợ không nhanh có thể lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới cả nền kinh tế.

Khảo sát nói trên của Ban IV còn cho biết, bên cạnh khó khăn do tác động tiêu cực của Covid- 19, một số hiệp hội doanh nghiệp còn đặc biệt chỉ ra khó khăn liên quan tới việc trả tiền thuê đất cho Nhà nước. Khi mà, so với năm 2019, tiền thuê đất năm 2020 tăng đột biến bởi một số điều chỉnh chính sách, cách thức tính toán giá thuê đất... dẫn tới các doanh nghiệp sử dụng quỹ đất lớn (như doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, nhà xưởng; các doanh nghiệp thuê đất để đầu tư nhà máy, cơ sở chế biến; hoặc các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, nhà hàng...) phải nộp tiền thuê đất tăng từ vài chục phần trăm tới mấy trăm phần trăm so với giá thuê 2019 trở về trước.

Đây là vấn đề gây áp lực nghiêm trọng với doanh nghiệp bởi bối cảnh hiện nay, đơn hàng sụt giảm mạnh hoặc không có, nhiều ngành như du lịch thì hoạt động thậm chí đang “đóng băng”.

Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2020, theo tính toán của Văn phòng Ban IV, tỷ lệ doanh nghiệp “biến mất” (không đăng ký thay đổi địa chỉ hay tạm ngừng hoạt động nhưng cơ quan thuế không liên lạc được) là 4% số doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2019, tăng 39,3%7 so với cùng kỳ năm 2019.

Điều đó có thể là một dự báo cho thấy số lượng doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong các tháng tiếp theo của năm 2020 có thể sẽ tăng mạnh bởi đợt bùng phát dịch lần 2 diễn ra ở thời điểm cận cuối tháng 7, đầu tháng 8. Đồng thời, nếu số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh này không cơ cấu lại được hoạt động sản xuất, kinh doanh và bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài thì dự báo số lượng doanh nghiệp chờ giải thể có thể tăng cao tương ứng vào các tháng cuối năm và đầu năm tới.

TRUNG CHÍNH

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/dich-den-2016-2020-da-co-dau-hieu-suy-giam-niem-tin-doanh-nghiep-3552895.html