Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến trái chiều

7.583.745 là tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới tính đến 7 giờ sáng ngày 11-6 (giờ Việt Nam) theo thống kê của trang Worldometer. Thế giới tiếp tục ghi nhận sự gia tăng số ca mắc mới nhanh chóng trong vòng 24 giờ qua khi các nước tiếp tục dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế, thậm chí ở các những quốc gia là tâm dịch với số ca mắc mới tăng không ngừng.

NDĐT - 7.583.745 là tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới tính đến 7 giờ sáng ngày 11-6 (giờ Việt Nam) theo thống kê của trang Worldometer. Thế giới tiếp tục ghi nhận sự gia tăng số ca mắc mới nhanh chóng trong vòng 24 giờ qua khi các nước tiếp tục dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế, thậm chí ở các những quốc gia là tâm dịch với số ca mắc mới tăng không ngừng.

Trong tổng số 7.583.745 ca mắc Covid-19, có 423.082 ca tử vong và 3.834.316 ca hồi phục. Mỹ, khu vực Mỹ Latinh, và Nam Á tiếp tục là điểm nóng dịch Covid-19 của thế giới.

Mỹ vẫn là tâm dịch thế giới với 2.089.402 ca nhiễm và 116.029 ca tử vong. Xếp sau đó là Brazil với 805.649 ca nhiễm và 41.058 ca tử vong, và Nga với 502.436 ca nhiễm và 6.532 ca tử vong. Ấn Độ đã vượt Italy, đứng ở vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng của Worldometer.

Châu Mỹ

Trong 24 giờ qua, tâm dịch của thế giới, Mỹ ghi nhận thêm hơn 23 nghìn ca mắc mới, cho thấy dấu hiệu bệnh dịch tại quốc gia này vẫn đáng báo động dù tất cả 50 bang tại nước này đang dần mở cửa trở lại. Các bãi biển ở thành phố Miami thuộc bang Florida, miền Nam nước Mỹ, đã lần đầu tiên mở cửa trở lại sau ba tháng đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong khi đó, giới chức hạt Los Angeles thuộc bang California đã "bật đèn xanh" cho việc nối lại hoạt động sản xuất phim và chương trình truyền hình từ ngày 12-6. Tuy nhiên, các rạp chiếu phim tại đây vẫn phải tiếp tục đóng cửa.

Chuyên gia Ashish Jha thuộc Viện Y tế toàn cầu của Đại học Harvard nhận định, số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ có thể lên tới 200 nghìn ca vào tháng 9 tới.

“Chúng ta đã có 100 ngày vô cùng khó khăn. Tháng 6 sẽ là tháng khắc nghiệt nhất trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Y tế Chile Jaime Manalich tại cuộc họp báo ở thủ đô Santiago, Chile ngày 11-6, đúng 100 ngày bệnh Covid-19 bùng phát tại quốc gia này. Cho đến nay, Chile ghi nhận 154.092 ca mắc Covid-19 sau khi có hơn 5.400 ca mắc mới và 173 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 2.648 ca.

Quốc gia Nam Mỹ này đang chứng kiến sự bùng phát Covid-19 dữ dội. Tuần này, nhiều khu vực cùng với thủ đô Santiago và khu vực lân cận sẽ nằm trong tình trạng phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Quy chế phong tỏa sẽ được kéo dài đến ngày 16-6 và sau đó sẽ được đánh giá có nên kéo dài hay không.

Châu Âu

Chính phủ Litva ngày 11-6 thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc từ 24 giờ ngày 16-6, nhưng sẽ vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Lệnh kiểm soát biên giới nội khối tạm thời được kéo dài từ ngày 17-6 đến 16-7 với việc kiểm tra những người vào Litva sẽ được thực hiện tại biên giới nội bộ của Liên hiệp châu Âu.

Litva áp dụng lệnh phong tỏa hôm 16-3 và kéo dài lệnh này cho tới ngày 16-6. Theo Bộ Y tế nước này, Litva hiện có tổng số 1.733 ca mắc Covid-19. Cho đến nay đã có 74 người tử vong và 1.369 bệnh nhân Covid-19 hồi phục.

Italy trong vòng 24 giờ qua ghi nhận thêm 379 ca mắc mới, cao hơn 177 ca so với một ngày trước đó. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Italy hiện nay là 236.142 ca, trong đó có 34.167 ca tử vong và 171.338 ca phục hồi.

Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết số ca mắc Covid-19 hồi phục gia tăng, đường cong dịch tễ đang đi xuống, nhiều vùng với chỉ số bằng 0, số ca tử vong giảm, và chỉ số RT (chỉ số lây nhiễm sau khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan) tại Italy hiện ở dưới 1. Nhận định đây là những dấu hiệu tích cực, nhưng ông Speranza cảnh báo đây chỉ là một phần của thực tế dịch bệnh hiện nay, do đó không thể ngừng cảnh giác.

Bộ trưởng Y tế Speranza khẳng định dịch bệnh chưa kết thúc, vẫn còn các ổ dịch lây nhiễm, các trường hợp không biểu hiện triệu chứng chiếm tỷ lệ cao và virus vẫn tiếp tục lưu hành. Do đó, các biện pháp nghiêm ngặt cần triển khai ngay lập tức khi cần thiết. Bộ trưởng Speranza khuyến cáo người dân duy trì khoảng cách an toàn, sử dụng khẩu trang, vệ sinh cá nhân, tránh tụ tập, ở nhà và thông báo ngay cho bác sĩ khi có các triệu chứng đầu tiên của bệnh.

Châu Á

Chính quyền thủ đô Tokyo, Nhật Bản sáng 12-6 đã chính thức dỡ bỏ cảnh báo về khả năng gia tăng số ca mắc Covid-19 tại thủ đô.

Trong một thông báo ngày 11-6, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cho biết bên cạnh việc dỡ bỏ cảnh báo đưa ra từ ngày 2-6 vừa qua, chính quyền cũng nới lỏng hơn nữa các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh tại thủ đô Tokyo từ ngày 12-6. Theo bà Koike, hiện số ca nhiễm mới hàng ngày cũng như các đường lây nhiễm chưa được xác định vẫn ở mức ổn định tại thủ đô đất nước Mặt trời mọc. Cùng ngày 11-6, Tokyo ghi nhận 22 ca nhiễm mới, ít hơn bốn ca so với ngày trước đó.

Chính phủ A-rập Xê-út ngày 12-6 thông báo sẽ cho phép các hoạt động thể thao không có khán giả, bao gồm các khóa luyện tập, bắt đầu hoạt động trở lại từ 21-6 và phải áp dụng tất cả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn Covid-19. Các cuộc thi đấu sẽ bắt đầu lại sau ngày 4-8. Sau khi có thêm 3.733 ca mắc mới trong vòng 24 giờ, hiện nước này có 116.021 ca mắc Covid-19, trong đó có 857 ca tử vong.

Tại Nam Á, Ấn Độ đã vượt qua Anh về số ca mắc Covid-19, đứng thứ tư trong bảng xếp hạng các quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất vì Covid-19 theo Worldometer. Trong 24 giờ qua nước này lại tiếp tục ghi nhận 10.050 ca mắc mới và 370 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong và mắc Covid-19 lần lượt là 8.477 và 297.205 ca.

Giới chức y tế Iran xác nhận số trường hợp mắc Covid-19 ở nước này đã lên mức 180.156 người, sau khi có thêm 2.238 trường hợp mới trong 24 giờ qua. Hiện nước này có tổng cộng 180.156 người mắc bệnh, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 78 trường hợp, lên 8.584 người. Phát biểu trên truyền hình nhà nước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi người dân Iran tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của Covid-19, có như vậy tất cả các ngành nghề mới có thể hoạt động trở lại.

Tại Đông-Nam Á, số ca tử vong do Covid-19 tại đảo quốc Indonesia đã chạm mốc 2.000 ca khi có thêm 41 ca tử vong trong vòng 24 giờ. Bộ Y tế Indonesia thông báo, số ca mắc mới Covid-19 tại nước này trong 24 giờ qua đã giảm nhẹ so với hai ngày trước đó, ở mức 979 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 35.259 ca.

Giới chức y tế Indonesia nhận định, việc gia tăng số ca mắc mới trong những ngày qua là kết quả của việc tăng cường xét nghiệm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng y tế vì Covid-19 hiện nay chưa thể qua được và việc nới lỏng các biện pháp hạn chế có thể đẩy tình trạng lây nhiễm gia tăng đột biến.

Bộ Y tế Malaysia cùng ngày báo cáo thêm 31 ca nhiễm mới ở nước này sau ba ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới ở mức một con số, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc lên 8.369 ca. Nước này cũng đã cho phép tất cả dịch vụ giao thông bao gồm cả hàng không, xe buýt nhanh và các phương tiện cá nhân hoạt động đủ công suất. Tuy nhiên, những người tham gia phương tiện giao thông phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 như bắt buộc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đo thân nhiệt.

Còn tại Philippines, số ca mắc Covid-19 đã lên tới 24.175 ca sau khi có thêm 443 ca nhiễm mới, trong đó có 1.036 ca tử vong và 5.165 ca hồi phục.

Châu Phi

Theo thống kê của Worldometer lúc 7 giờ sáng nay, hiện toàn châu Phi ghi nhận 219.266 ca mắc Covid-19 và 5.868 ca tử vong ở 54 quốc gia châu Phi, trong đó khu vực Maghreb (Bắc Phi) là nơi ảnh hưởng nhiều nhất về cả số ca mắc bệnh cũng như số ca tử vong.

Tại cuộc họp báo ở Geneva ngày 11-6 (giờ địa phương), Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi Matshidiso Moeti nhận định, đại dịch Covid-19 đang tăng tốc tại châu Phi, lan tới các khu vực nông thôn và tình trạng thiếu bộ xét nghiệm nhanh vẫn là thách thức với lục địa này.

Bà Moeti cho hay, 10 quốc gia châu Phi có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất châu Phi chiếm 75% trong tổng số 207.600 ca mắc Covid-19 của lục địa (số liệu tại thời điểm họp báo), trong đó có hơn 5.000 ca tử vong.

“Mặc dù số ca mắc này tại châu Phi chỉ chiếm chưa đầy 3% tổng số ca mắc toàn cầu, song rõ ràng đại dịch này đang tăng tốc tại đây”, Giám đốc WHO khu vực châu Phi Moeti nhận định.

Người đứng đầu WHO tại khu vực châu Phi cũng cảnh báo thêm, tình trạng thiếu các bộ xét nghiệm nhanh vẫn là thách thức đối với lục địa này và cho tới khi có vaccine điều trị, châu Phi dường như sẽ tăng số ca mắc tại các điểm nóng, đòi hỏi các biện pháp giãn cách xã hội và hệ thống y tế công mạnh mẽ.

Nam Phi vẫn là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất với hơn 58 nghìn ca, chiếm 1/4 tổng số ca mắc toàn khu vực. Tháng trước, nước này đã bắt đầu giai đoạn nới lỏng lệnh phong tỏa dù số ca nhiễm mới trong ngày chưa có dấu hiệu đi xuống.

Trong khi đó, Ai Cập, dù có số ca mắc Covid-19 lên tới 38.284 sau khi ghi nhận hơn 1.400 ca mắc mới trong 24 giờ. Chính phủ nước này ra thông báo về việc nối lại các chuyến bay và các hoạt động du lịch ở các tỉnh có ít ca mắc Covid-19 nhất. Kế hoạch này sẽ bắt đầu được thực hiện từ tháng 7. Ngoài ra, Ai Cập cũng sẽ rút ngắn thời gian giới nghiêm từ 20 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau thay vì 5 giờ sáng và sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 14-6 tới cho đến hết tháng này.

N.T

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44828202-dich-covid-19-tiep-tuc-dien-bien-trai-chieu.html