Dịch COVID-19 tạo ra ba thách thức nghiêm trọng cho châu Phi

Liên minh châu Phi (AU) đã đảm bảo vai trò điều phối trên khắp châu lục thông qua Chiến lược chung châu Phi phòng chống COVID-19, giúp huy động tài trợ, hỗ trợ chuyên môn và thúc đẩy tái cơ cấu nợ.

Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Johannesburg, Nam Phi ngày 2/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Johannesburg, Nam Phi ngày 2/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trang mạng Mail & Guardian, Nam Phi (mg.co.za) đăng bài phân tích với nhận định, trong vòng ba tháng kể từ khi châu Phi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã đảo lộn hoàn toàn cuộc sống ở lục địa này.

Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) cho biết châu Phi đã ghi nhận hơn 80.000 trường hợp nhiễm COVID-19 và hơn 2.700 ca tử vong do đại dịch này.
Theo thống kê, châu Phi hiện chưa bị rơi vào tình trạng lây nhiễm cộng đồng ồ ạt như các nơi khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dịch COVID-19 đã và đang làm suy yếu hơn các hệ thống y tế ở châu Phi, làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng nợ và tiếp tục làm trầm trọng hơn nữa các mối đe dọa an ninh lương thực.

Ba tháng sau khi châu Phi ghi nhận trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên, điều rõ ràng là ba mối đe dọa về sức khỏe, nợ và nạn đói sẽ dai dẳng bám theo lục địa này.
Thứ nhất, vấn đề sức khỏe và các loại vắc-xin.
Nhiều quốc gia châu Phi vẫn đang trong giai đoạn phục hồi hoặc đang phải đối phó với các đợt bùng phát dịch bệnh gần đây - bao gồm Ebola, sởi và bệnh sốt Lassa - khiến các nước này càng dễ bị tổn thương hơn trước tác động của COVID-19. Nếu tình trạng lây nhiễm tiếp tục gia tăng, các hệ thống y tế vốn đã yếu của châu Phi sẽ không thể đối phó với sự hoành hành của COVID-19.
Chúng ta đều nhận thức được rằng vắc-xin và các phương pháp điều trị là lối thoát chiến lược duy nhất khỏi đại dịch này. Tuy nhiên, độ trễ trung bình thường là 7 năm kể từ thời điểm một loại thuốc hoặc vắc-xin mới có sẵn ở một quốc gia phát triển đến được với các nước đang phát triển.
Điều này đã xảy ra trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009 với sự thiếu hụt nghiêm trọng vắc-xin. Tương tự, các nước phía Nam Sahara châu Phi phải mất một thập kỷ để có thể tiếp cận với các phương pháp điều trị HIV/AIDS.
Các quốc gia sẽ không thể chiến thắng COVID-19 ở bất kỳ nơi nào cho đến khi toàn thế giới đánh bại được đại dịch này. Trong khi chờ đợi một loại vắc-xin được phát triển, thời điểm này là cơ hội để tạo ra sân chơi bình đẳng và đảm bảo mọi người sẽ có quyền tiếp cận vắc-xin, bất kể thu nhập như thế nào.
Mới đây, các nhà lãnh đạo châu u đã đi tiên phong trong việc cam kết tài trợ nghiên cứu vắc-xin phòng chống COVID-19, nhưng điều đó là chưa đủ. Thế giới cần ban hành các biện pháp kiểm soát giá đối với vắc-xin, đầu tư trước và tiếp tục làm nhiều hơn để hỗ trợ các biện pháp y tế công cộng tại các quốc gia có hệ thống y tế yếu nhất.
Các nhà lãnh đạo châu Phi phải nhận ra rằng việc dành tối thiểu 15% ngân sách quốc gia cho y tế công cộng mà các nước này đã từng cam kết phải được thực hiện ngay, nếu không các nước sẽ phải đối mặt với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Không có sức khỏe, sẽ không có tiến bộ kinh tế.
Thứ hai, nền kinh tế và nợ.
Các biện pháp giãn cách xã hội, giới nghiêm và phong tỏa khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, các chi phí kinh tế của COVID-19 đang tàn phá châu Phi. Từ kiều hối giảm đến đầu tư nước ngoài thoái lui, tăng trưởng kinh tế của châu Phi từ 2,4% năm 2019 có thể giảm xuống tới -5,1% trong năm nay.
Hơn nữa, lục địa này có nguy cơ mất 30 triệu việc làm và hơn 1/3 các nước châu Phi có nguy cơ đối mặt sức ép nợ. Các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đồng ý đóng băng các khoản nợ cho các nước nghèo nhất thế giới trong thời gian còn lại của năm 2020 như là một phần của kế hoạch hành động COVID-19, nhưng đây là một giải pháp tạm thời và không giải quyết được căn bản vấn đề.
Nhiều quốc gia phía Nam Sahara châu Phi, bao gồm Gambia, Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo, chi nhiều tiền cho việc trả nợ bên ngoài hơn ngân sách dành cho y tế. Việc đóng băng các khoản nợ đến cuối năm 2020 sẽ không đủ để các nước châu Phi phục hồi sau hậu quả kinh tế của đại dịch COVID-19 và những quốc gia này sẽ phải vật lộn để đáp ứng chi phí nợ tăng vọt.
Không thể giới hạn tác động kinh tế của COVID-19 trừ khi bảo đảm sự phục hồi toàn cầu thực sự và không ai bị bỏ lại phía sau. Các nhà lãnh đạo G20 cần gia hạn việc đóng băng các khoản nợ hiện tại cho đến hết năm 2021 - không chỉ đối với các nước nghèo nhất, mà còn đối với toàn bộ các nước châu Phi, bao gồm cả Nam Phi và Ai Cập.
Ngoài ra, theo ước tính, châu Phi rất cần gói kích thích kinh tế trị giá 100 tỷ USD để hỗ trợ những nước bị thiệt hại nặng nhất do COVID-19. Trong bối cảnh các nước phát triển đang chi hơn 3.000 tỷ USD để cung cấp các biện pháp giảm sốc và kích thích nền kinh tế của nhóm nước này, yêu cầu trợ giúp của các nhà lãnh đạo châu Phi có vẻ không thấm gì so với khoản tiền khổng lồ của các nước phát triển.

Thứ ba, các mối đe dọa an ninh lương thực.

Thế giới hiện có khoảng 212 triệu người thường xuyên trong tình trạng không đảm bảo về an ninh lương thực và phần lớn số đó ở hâu Phi. Ngay cả trước khi COVID-19 tấn công, lục địa này đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng do lũ lụt, hạn hán, xung đột đang diễn ra ở khu vực Sahel và sự xâm nhập của châu chấu sa mạc tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở Đông Phi.
Dịch COVID-19 khiến nhiều chính phủ châu Phi rơi vào tình thế “lực bất tòng tâm”. Một mặt, tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt, mất việc, giảm kiều hối và giãn cách xã hội khiến hàng triệu nông dân và những người lao động phi chính thức khác ở châu Phi không thể làm việc, dẫn đến sản lượng và thu nhập của họ giảm một cách đáng kể.
Mặt khác, tình trạng không chắc chắn của đại dịch cũng đã thúc đẩy các nước phát triển áp đặt các hạn chế xuất khẩu và hạn ngạch xuất khẩu. Các nước châu Phi vốn là những nhà nhập khẩu thực phẩm ròng, sẽ chịu tác động rất lớn từ những quyết định này và cũng không thể có biện pháp nào để giải quyết thách thức đó. Không có tài trợ, chính phủ nhiều nước châu Phi hầu như không thể hỗ trợ được người dân trong nước.
Trớ trêu thay, không phải nguồn cung lương thực thiếu hụt. Nếu chính phủ và các doanh nghiệp hành động ngay bây giờ, họ có thể ngăn chặn đại dịch COVID-19 trở thành đại nạn đói. Để làm điều này, các nhà lãnh đạo châu Phi cần đảm bảo dòng chảy lương thực tự do từ các vựa lương thực của thế giới đến những nơi cần thiết nhất.
Chính phủ châu Phi cần tạo ra một “hành lang ngũ cốc”, cho phép dòng chảy lương thực tự do, đặc biệt đảm bảo rằng nông dân, nhà chế biến lương thực – thực phẩm, thương nhân, nhân viên cảng, thuyền viên và nhân viên hàng hải khác có thể làm việc an toàn trong quá trình phong tỏa.
Khối thương mại trải rộng trên khắp lục địa sẽ giúp đảm bảo nguồn cung thực phẩm. Ở cấp độ toàn cầu, các quốc gia phải chống lại các biện pháp bảo hộ từ các lệnh cấm xuất khẩu và giảm các rào cản thương mại để đảm bảo dòng chảy các hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là các nguồn cung cấp thực phẩm và y tế.
Từ việc đánh giá những tác động của COVID-19 ở châu Phi trong ba tháng qua, đây là lúc để lục địa này có cơ hội vạch ra những cách thức mới và sáng tạo nhằm giải quyết ba mối đe dọa trên. Dù chỉ là những liên kết yếu nhất, nếu cùng nhau, chúng ta có thể đánh bại đại dịch này./.

Đình Lượng (P/v TTXVN tại Pretoria)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dich-covid-19-tao-ra-ba-thach-thuc-nghiem-trong-cho-chau-phi/157825.html