Dịch Covid-19 tại Mỹ: Thách thức tiến trình phục hồi kinh tế

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức nghiên cứu kinh tế Conference Board, lòng tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 11-2020 giảm mạnh hơn dự kiến, giữa lúc các ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 bùng phát trở lại trên diện rộng.

Thực tế này khiến dự báo tăng trưởng kinh tế giảm mạnh trong quý IV-2020 và đặt ra nhiều thách thức đối với tiến trình phục hồi kinh tế của cường quốc số một thế giới. Con đường phục hồi phía trước còn rất dài và phụ thuộc phần lớn vào khả năng khống chế dịch bệnh.

Tình trạng gia tăng các ca nhiễm Covid-19 là nguyên nhân khiến nhiều hộ gia đình tại Mỹ giảm chi tiêu.

Số liệu trên được công bố sau khi các báo cáo mới đây cho thấy, tăng trưởng việc làm và doanh số bán lẻ trong tháng 10 của Mỹ đều ở mức thấp nhất kể từ tháng 5-2020. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã tăng mạnh vào giữa tháng 11. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đã giảm từ 101,4 trong tháng 10 xuống 96,1 trong tháng 11, thấp hơn so với mức 98 mà các nhà kinh tế dự báo trước đó.

Thực tế, sau khi Mỹ kiểm soát được “làn sóng” Covid-19 lần thứ nhất hồi tháng 5, xứ Cờ hoa đã có thêm 4,8 triệu việc làm trong tháng 6 khi nhiều doanh nghiệp trên cả nước bắt đầu nối lại hoạt động. Nền kinh tế Mỹ đã chứng kiến sự phục hồi mạnh hơn so với dự kiến. Trước đó, kinh tế Mỹ sụt giảm tới 31,4% trong quý II-2020, mức giảm sâu nhất kể từ năm 1947, rồi tăng trở lại ở mức 33,1% trong quý III-2020.

Thế nhưng, trong những tuần gần đây, đại dịch Covid-19 đang diễn biến theo chiều hướng xấu hơn tại Mỹ, thậm chí nhiều chuyên gia cảnh báo làn sóng này còn thảm khốc hơn cả giai đoạn bùng phát hồi tháng 3. Số ca mắc Covid-19 trong ngày tại Mỹ liên tục xác lập các kỷ lục mới. Theo CNN, một mô hình dự báo mới của Đại học Washington cho thấy, trong khoảng 2 tháng nữa, số ca mắc Covid-19 ở Mỹ sẽ chạm mốc 20 triệu. Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh các ca nhiễm và nhập viện vì Covid-19 trên toàn nước Mỹ đang bùng phát, tính đến ngày 25-11 là hơn 13 triệu ca.

Làn sóng Covid-19 mới với số ca mắc hằng ngày đang tăng nhanh ở mức kỷ lục khiến giới chức các bang trên toàn quốc phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Nền kinh tế Mỹ một lần nữa phải đối mặt với những rủi ro lớn và có nguy cơ mất hết những tiến bộ đạt được trong việc tái thiết. Nhiều doanh nghiệp có khả năng phải đóng cửa vĩnh viễn, yếu tố sẽ làm giảm nhu cầu lao động và có khả năng dẫn đến các đợt sa thải mới. Sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 cũng khiến các trường học phải đóng cửa và tình trạng học trực tuyến kéo dài đang ngày càng buộc nhiều phụ huynh phải bỏ việc để ở nhà trông con.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ trung tuần tháng 11 cho thấy mặc dù nền kinh tế Mỹ đã khôi phục được gần nửa số việc làm đã mất trong tháng 3 và tháng 4, song tỷ lệ phục hồi việc làm trong số lao động nữ chỉ đạt 39% so với 58% của nam giới. Tình trạng này sẽ làm sụt giảm mức thu nhập của các hộ gia đình, kéo theo tình trạng giảm chi tiêu dùng, yếu tố đóng góp tới 2/3 giá trị của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Theo số liệu về thước đo niềm tin mới nhất do Trường Đại học Michigan công bố, người tiêu dùng ngày càng bi quan hơn về tương lai và họ đã bắt đầu thắt chặt hầu bao ngay cả trước khi các biện pháp hạn chế mới có thể được thông báo áp dụng.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng để hy vọng nền kinh tế Mỹ sẽ khởi sắc hơn trong năm 2021 khi các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm hơn trong điều trị Covid-19, ngày càng nhiều người dân đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội hay triển vọng có một loại vắc xin hiệu quả cho toàn dân vào đầu năm sau. Dù vậy, các nhà phân tích nhận định, con đường phục hồi phía trước còn rất dài khi nền kinh tế Mỹ phải phụ thuộc phần lớn vào khả năng khống chế dịch bệnh.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/984645/dich-covid-19-tai-my-thach-thuc-tien-trinh-phuc-hoi-kinh-te