Dịch COVID-19 tại châu Á đang diễn biến cực kỳ phức tạp

Dịch bệnh tại châu Á đang diễn biến cực kỳ phức tạp. Trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 81.348 ca nhiễm COVID-19, cao thứ 2 trong các châu lục chỉ sau châu Mỹ.

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h ngày 10/8, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 20.232.432 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 737.786 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện là 13.084.610 người.

Cho đến nay, châu Á ghi nhận 5.120.861 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 111.006 trường hợp tử vong.

Ấn Độ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực. Ngày 10/8, Ấn Độ ghi nhận thêm 53.016 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 887 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.267.153 và 45.353. Đáng chú ý, trong số bệnh nhân nhiễm mới có cả cựu Thủ tướng Pranab Mukherjee.

Ở khu vực Đông Nam Á, tình hình dịch cũng diễn biến vô cùng nguy hiểm. Tại Philippines, Bộ Y tế ghi nhận thêm 6.958 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 136.638 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á. Số ca tử vong đã tăng thêm 24 ca lên 2.293 ca.

Thủ đô Manila là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 4.163 ca nhiễm mới trong ngày 10/8, tiếp đó là các tỉnh Laguna, Rizal, Cavite, Bulacan.

Bộ trưởng Nội vụ Philippines Eduardo Ano khẳng định, Chính phủ đang kiểm soát được tình hình, dù số ca nhiễm trong cộng đồng đang không ngừng tăng. Chính phủ sẽ tập trung chuyển các ca bệnh nhẹ hoặc không có biểu hiện tới các cơ sở cách ly để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Tại Indonesia, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 1.687 ca nhiễm bệnh, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 127.083, trong đó có 5.765 ca đã tử vong.

Campuchia ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 251 ca, chưa có ca tử vong nào do COVID-19.

Trong 24 giờ qua, Nhật Bản ghi nhận thêm 1.207 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 47.990, trong đó có hơn 1.000 ca tử vong.

Ở Trung Quốc đại lục, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo ghi nhận thêm 49 ca nhiễm, trong đó có 35 ca nhập cảnh, 14 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong khi đó, tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), giới chức y tế đã ghi nhận thêm 69 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 4.148 ca. Trong số các ca nhiễm mới, có 67 ca nhiễm trong cộng đồng. Hiện vẫn còn 1.052 bệnh nhân trong bệnh viện, với gần 100 trường hợp nghiêm trọng. Tổng số ca tử vong tại Hong Kong hiện vẫn là 55.

Thủ đô Seoul, Hàn Quốc đang lo ngại nguy cơ bùng phát ổ dịch mới sau khi 8 tiểu thương tại chợ Namdaemun dương tính với COVID-19. Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã phát hiện 3 biến thể mới của protein gai ở các ca bệnh nhập khẩu (gồm 2 ca từ Pakistan và một ca từ Uzbekistan). KCDC sẽ phân tích thêm và báo cáo WHO.

Truy tìm ca bệnh số 0

Tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sỹ hôm 10/8, tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều phối Chương trình các vấn đề khẩn cấp y tế của WHO nhấn mạnh, dịch COVID-19 đang chứng minh "đặc biệt khó ngăn chặn" và virus corona chủng mới không phải là mầm bệnh dễ phát hiện.

Ông Ryan giải thích, hiện rất khó để phát hiện và phân biệt giữa COVID-19 với các triệu chứng bệnh khác nếu không có xét nghiệm đầy đủ và ngay lập tức. Đây là điều đang được ghi nhận ở nhiều quốc gia, nơi COVID-19 và bệnh cúm lan truyền cùng lúc.

CNN dẫn lời ông Ryan lưu ý, một cuộc điều tra dịch tễ học sẽ bắt đầu ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vì đó là nơi phát hiện ra những cụm lây nhiễm đầu tiên. Song, điều này không nhất thiết đồng nghĩa đó là nơi có ca bệnh số 0 (trường hợp đầu tiên mắc bệnh).

Theo quan chức WHO, việc truy tìm ca bệnh số 0 rất quan trọng, sẽ giúp nhận diện "đâu là điểm tường rào ngăn cách giữa động vật - con người bị xuyên thủng", khiến mầm bệnh nguy hiểm lây nhiễm sang người. Quá trình có thể tốn nhiều thời gian, do thế giới từng mất nhiều năm để xác định điều đó ở Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và vẫn chưa tìm ra câu trả lời đầy đủ đối với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/dich-covid19-tai-chau-a-dang-dien-bien-cuc-ky-phuc-tap/403921.vgp