Dịch Covid-19 tác động bất lợi đến nền kinh tế toàn cầu

'Kinh tế Mỹ có các nền tảng vững chắc trong năm 2019 và điều này sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2020. Đặc biệt, có những thời điểm có thể khẳng định kinh tế Mỹ bước vào năm 2020 một cách vững chắc nhưng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể là một yếu tố bất lợi' - Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Richard Clarida nhận định.

Dịch Covid-19 tại Trung Quốc tác động đến vận tải container bằng đường biển, các chuỗi logistics, khiến hàng hóa bị mắc kẹt và thiệt hại gia tăng (Trong ảnh: Cảng biển nước sâu Dương Sơn, Trung Quốc)

Dịch Covid-19 tại Trung Quốc tác động đến vận tải container bằng đường biển, các chuỗi logistics, khiến hàng hóa bị mắc kẹt và thiệt hại gia tăng (Trong ảnh: Cảng biển nước sâu Dương Sơn, Trung Quốc)

Mỹ: Gián đoạn chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến đầu vào của kinh tế

Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida cảnh báo, dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến các công ty của Mỹ phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Vì vậy, Covid-19 sẽ có tác động lớn đến tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc ít nhất là trong quý 1-2020. Ông Richard Clarida cho rằng các chuỗi cung ứng là rất quan trọng, sự gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến yếu tố đầu vào của kinh tế Mỹ. Ông Richard Clarida cũng như các quan chức khác cho rằng còn quá sớm để đánh giá tác động, nhưng Fed sẽ giám sát chặt chẽ tình hình, khi Trung Quốc đóng góp phần lớn trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong tuần này, Hãng công nghệ Apple cảnh báo sẽ không đạt mục tiêu doanh thu trong quý 1 và nguồn cung iPhone sẽ bị hạn chế do những khó khăn trong việc xuất hàng ra khỏi Trung Quốc, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh trên toàn quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một” với Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký vào tháng trước cũng như việc Mỹ ký kết Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đã làm giảm bớt những yếu tố không chắc chắn, vốn cản trở hoạt động đầu tư, đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Ông Richard Clarida cho rằng đầu tư doanh nghiệp sẽ phục hồi trong năm nay và lĩnh vực bất động sản mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng. Lĩnh vực chế tạo của Mỹ giảm sút trong năm ngoái là do tác động từ các cuộc chiến thương mại với một số nước, nhưng số liệu gần đây cho thấy các công ty đã lạc quan hơn nhiều. Chỉ số về hoạt động chế tạo mà Fed chi nhánh Philadelphia (Mỹ) công bố đã tăng 20 điểm lên mức cao nhất trong 3 năm.

Nhật Bản: Đồng Yên có thể tiếp tục suy yếu

Giới phân tích nhận định ngoài dịch Covid-19, một nhân tố khác khiến đồng nội tệ của Nhật Bản giảm giá so với đồng USD là do nền kinh tế nước này đang đứng bên bờ vực suy thoái. Trong những ngày gần đây, đồng Yên đang giảm giá mạnh so với đồng USD do các nhà đầu tư lo ngại về những tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Nhật Bản. Tỷ giá đồng Yên đang ở mức thấp nhất trong gần 10 tháng qua.

Trong quý 4-2019, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản đã giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ quý 2-2014. Nếu so với quý 3-2019, GDP thực tế (GDP đã được điều chỉnh theo lạm phát) giảm 1,6%. Trước đây, đồng Yên thường tăng giá mỗi khi có những bất ổn về địa chính trị. Tuy nhiên, giờ đây, có vẻ như dịch Covid-19 đã khiến các nhà đầu tư phải đánh giá lại vai trò của đồng tiền này với tư cách nơi trú ẩn an toàn. Chuyên gia Tsuyoshi Shimomura của Ngân hàng Sumitomo Mitsui dự báo đồng Yên có thể giảm xuống mức 115 Yên/USD trong 1 tháng tới.

Sự suy yếu của đồng Yên có thể khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng và chi tiêu dùng của người dân nước này giảm. Và cuối cùng, điều này có thể tác động tới toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản. Trong khi đó, kết quả khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) cho thấy phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này đều lo lắng về các tác động của dịch Covid-19.

Cuộc khảo sát được thực hiện vào đầu tháng 2, với sự tham gia của gần 2.000 doanh nghiệp trên khắp cả nước. Theo đó, có tới 52% doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát lo ngại rằng họ có thể bị tác động tiêu cực nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, trong khi 11% cho biết dịch bệnh đã tác động tới hoạt động kinh doanh của họ. Có tới 62% trong số doanh nghiệp được hỏi có số lượng đơn hàng từ Trung Quốc hoặc doanh thu bán hàng cho du khách Trung Quốc bị giảm, trong khi 25% doanh nghiệp phải tăng chi phí để bảo vệ nhân viên và khách hàng khỏi dịch Covid-19. JCCI hiện đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói trên chống lại các tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Covid-19 gây bất lợi cho vận tải biển

Trung Quốc đang nỗ lực bình thường hóa hoạt động thương mại khi dịch Covid-19 tác động đến vận tải container bằng đường biển, các chuỗi logistics, khiến hàng hóa bị mắc kẹt và thiệt hại gia tăng. Dịch bệnh đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến nhiều doanh nghiệp cũng như các nhà máy tại Trung Quốc phải tạm dừng hoạt động, buộc các nhà chức trách nước này phải liên tiếp thực hiện các biện pháp chính sách trong những tuần gần đây để ngăn chặn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Trung Quốc đóng vai trò trọng yếu trong lĩnh vực vận tải container đối với mọi loại hàng hóa, từ thực phẩm tươi sống đến điện thoại, thời trang thiết kế cũng như linh kiện cho sản xuất công nghiệp. Hãng tàu vận chuyển container lớn nhất thế giới Maersk cảnh báo dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng trong năm nay, gây thêm sức ép cho lĩnh vực vốn đã gặp những khó khăn do các cuộc chiến thương mại và sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu.

Ông Søren Skou, Giám đốc điều hành Maersk cho biết hãng đang gặp sức ép lớn tại các cảng khi không có đủ nhân công để bốc dỡ container, không đủ lái xe tải để vận chuyển hàng hóa và cũng không có người tiếp nhận hàng ở các nhà máy hay các kho. Theo ông Soren Skou, nhiều tàu của hãng ở châu Á đang nằm chờ do hãng hủy nhiều chuyến hàng ra khỏi Trung Quốc trong 2 tuần qua. Trong khi đó, hãng tàu chuyên chở container lớn thứ 2 thế giới MSC cho biết việc bốc dỡ các container đông lạnh cũng bị ảnh hưởng.

Theo Công ty tư vấn vận tải biển Alphaliner, khoảng 46% số chuyến tàu dự kiến trên tuyến vận tải chính từ châu Á sang Bắc Âu bị hủy trong 4 tuần qua. Giám đốc điều hành Hiệp hội cảng biển Anh Richard Ballantyne cho rằng dịch bệnh bắt đầu có những tác động đến dòng chảy thương mại, với chi phí vận tải tăng và nảy sinh thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng như giá tăng và thiếu hàng hóa.

Anesco - Hiệp hội các công ty về nhân lực bốc dỡ hàng của Tây Ban Nha, ước tính khối lượng container sẽ giảm tới 30% trong những tháng tới do dịch Covid-19 gây ra những tổn thất cho các cảng tại Tây Ban Nha. Cảng Rotterdam, một trong những cảng bận rộn nhất châu Âu, dự kiến khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng container năm 2020 sẽ giảm so với mức 14,8 triệu TEU (đơn vị tương đương 20 foot) trong năm 2019.

“Dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến các công ty của Mỹ phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Vì vậy, Covid-19 sẽ có tác động lớn đến tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc ít nhất là trong quý 1-2020. Các chuỗi cung ứng là rất quan trọng, sự gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến yếu tố đầu vào của kinh tế Mỹ. Còn quá sớm để đánh giá tác động, nhưng Fed sẽ giám sát chặt chẽ tình hình, khi Trung Quốc đóng góp phần lớn trong nền kinh tế toàn cầu”.

Ông Richard Clarida (Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed)

“Dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng trong năm nay, gây thêm sức ép cho lĩnh vực vốn đã gặp những khó khăn do các cuộc chiến thương mại và sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu. Hãng đang gặp sức ép lớn tại các cảng khi không có đủ nhân công để bốc dỡ container, không đủ lái xe tải để vận chuyển hàng hóa và cũng không có người tiếp nhận hàng ở các nhà máy hay các kho. Nhiều tàu của hãng ở châu Á đang nằm chờ do hãng hủy nhiều chuyến hàng ra khỏi Trung Quốc trong 2 tuần qua”.

Ông Søren Skou (Giám đốc điều hành Hãng tàu vận chuyển container lớn nhất thế giới Maersk)

Hải Long (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/dich-covid19-tac-dong-bat-loi-den-nen-kinh-te-toan-cau/843762.antd