Dịch Covid-19: Nhìn từ 'cơn sóng thần' Ấn Độ

Những gì đang xảy ra ở Ấn Độ chính là lời nhắc nhở về sự tàn khốc mà dịch Covid-19 có thể gây ra. Đây cũng chính là lời cảnh báo cho chính phủ và nhân dân các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam về công tác phòng, chống dịch.

Báo Thế giới & Việt Nam trích đăng góc nhìn của một số chuyên gia liên quan đến dịch Covid-19 ở Ấn Độ và bài học cho Việt Nam:

Ông Đỗ Cao Bảo: "Không được lơ là vì dịch Covid-19 có thể bùng phát khốc liệt hơn"

Ông Đỗ Cao Bảo, đồng sáng lập, Ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT.

Ông Đỗ Cao Bảo, đồng sáng lập, Ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT.

Hơn 1 triệu ca nhiễm mới, hơn 8.200 người tử vong chỉ trong 3 ngày qua; hơn 354.000 ca nhiễm mới, 2.806 người tử vong trong 24h qua. Đó là những con số trên hệ thống thống kê chính thức của chính phủ Ấn Độ về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở quốc gia Nam Á.

Làn sóng lây nhiễm Covid-19 vẫn đang tăng cao mỗi ngày, chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều chuyên gia dự báo đỉnh dịch ở Ấn Độ sẽ không thể đến trước ngày 15/5, điều đó có nghĩa là số ca nhiễm mới, số ca tử vong sẽ còn tiếp tục tăng cao ít nhất trong 3 tuần nữa.

Đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ đang hỗn loạn, nền y tế đang đứng trước bờ vực của sự sụp đổ, hàng chục nghìn bệnh nhân đang nằm chờ máy thở, chờ oxy để thở. Chính phủ Ấn Độ phải nhập khẩu khẩn cấp oxy từ Đức, Anh, Singapore, dùng máy bay trực thăng quân sự để vận chuyển oxy đến các tâm dịch.

Người nhà của bệnh nhân Covid-19 đang vô vọng tìm giường bệnh, tìm máy thở, tìm oxy cho người thân. Những người siêu giàu đang tìm mọi cách để tháo chạy khỏi Ấn Độ, người ta sẵn sàng mua vé máy bay đắt gấp 10 lần, người ta sẵn sàng thuê chuyên cơ với giá 40.000 - 50.000 USD một chuyến....

Tất cả những hiểu biết của nhân loại về Covid-19 vẫn còn quá ít, rất nhiều thời điểm, nhiều quốc gia tưởng như đã có thể kiểm soát, khống chế được dịch. Có thời điểm người ta cho rằng, Thụy Điển đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Rất nhiều người đã từng tuyên truyền, người Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam có sức đề kháng cao, Covid-19 không hề nguy hiểm với họ.

Đầu năm nay, Chính phủ Ấn Độ tin rằng, họ đã đánh bại được virus. Bộ trưởng Bộ Y tế nước này cho biết “Ấn Độ đang ở giai đoạn cuối của đại dịch”, và Ấn Độ bình thản xuất khẩu vaccine, không quyết liệt tiêm vaccine cho dân chúng. Giờ thì tất cả mới giật mình hoảng hốt, hóa ra không phải, cơn bão Covid-19 đã làm “rung chuyển Ấn Độ”...

Những gì đang xảy ra ở Ấn Độ chính là lời nhắc nhở về sự tàn khốc mà Covid-19 có thể gây ra. Đây cũng chính là lời cảnh báo cho chính phủ và nhân dân các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam về công tác phòng, chống dịch. Không một phút giây được phép lơ là chủ quan, buông lỏng, bởi dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại khốc liệt hơn, nguy hiểm hơn bất cứ lúc nào.

Chúng ta chưa thể sống yên bình, chưa thể bỏ thói quen 5K khi bên ngoài biên giới dịch bệnh vẫn đang hoành hành.

Nhà báo Thanh Hằng: "Cần sự tự giác thực hiện 5K của mỗi người"

Nhà báo Thanh Hằng.

Nhìn "sóng thần" Covid-19 ở Ấn Độ cũng như nhìn lại một số nước lớn đã từng thất bại thảm hại khi thả lỏng nhằm đạt "miễn dịch cộng đồng" như Mỹ, Ấn Độ, Anh, Brazil… thấy hài lòng về cách chống dịch ở Việt Nam.

Đó là khoanh từng đốm nhỏ ngay và luôn, không để nó bùng lớn bằng việc phong tỏa diện hẹp nhưng xét nghiệm diện rộng và truy vết quyết liệt. Sau đợt dịch lần 1 phong tỏa diện rộng, từ đợt 2, 3, Việt Nam đã có đối sách phù hợp là phong tỏa diện hẹp để vẫn chống dịch mà vẫn phát triển kinh tế. Đó là lý do để năm 2020, cùng cả thế giới lâm vào đại dịch nhưng Việt Nam là nước hiếm hoi tăng trưởng dương.

Thực tế này cho thấy, con đường đi của Việt Nam là đúng đắn. Bởi y tế Việt Nam yếu, chỉ cần mất kiểm soát dịch vài ngày là y tế có thể sụp đổ. Vì lượng máy thở, thuốc, giường bệnh ở nước ta chưa bao giờ dư thừa.

Chuẩn bị dịp nghỉ lễ dài ngày đúng lúc dịch cực kỳ căng thẳng ở các nước xung quanh, Bộ Y tế cũng cực kỳ lo lắng. Bộ trưởng Bộ Y tế đi đến các tỉnh có nguy cơ dịch tràn vào từ Lào và Campuchia để kiểm tra, đủ thấy Bộ lo khả năng dịch bùng như thế nào trong dịp này. Do đó, nếu cấm hội hè sẽ tốt cho việc chống dịch hơn nhiều.

Nhưng Bộ Y tế và Chính phủ cũng hiểu đây là cơ hội cho ngành du lịch, hàng không "quẫy đuôi" nếu không sẽ "chết kỹ". Do đó, dù lo lắng vẫn đành chấp nhận, dẫu cho "cái gương" Ấn Độ với số người tử vong kỷ lục đủ làm bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng phải lo sợ.

Vì thế, một số người kiến nghị Chính phủ hoãn hội hè dịp nghỉ lễ, trong khi một số lại lo lắng việc kiến nghị hoãn hội hè sẽ khiến kinh tế “chết kỹ” hơn. Thực ra, Chính phủ biết và hẳn là lựa chọn có chủ đích nhằm dung hòa giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Trong bối cảnh này, chỉ còn sự tự giác thực hiện 5K của mỗi người mới cứu rỗi được thôi.

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ: "Hãy hạn chế du lịch và ngưng bắn pháo hoa dịp nghỉ lễ"

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ.

Covid-19 ngay nước láng giềng, hãy ngưng pháo hoa và hạn chế du lịch nếu không muốn lặp lại thảm cảnh đau thương như Ấn Độ!

Không biết phải nói gì khi chứng kiến một Ấn Độ hoàn toàn vỡ trận, người chết không kịp thiêu, một trong những nguyên nhân bắt đầu từ đám đông. Một Thái Lan, Campuchia không mấy khả quan trước những làn sóng Covid-19 mới. Lào xưa giờ yên lành, nay ngay thủ đô của họ, phải ngăn sông cấm chợ.

Họ bên cạnh chúng ta, vài nước ngay cửa của chúng ta. Họ vỡ trận, ta chẳng khác gì ngồi trên lửa. Năm nay nghỉ lễ, một số nơi ở ta vẫn bắn pháo hoa. Tranh thủ nghỉ lễ dài ngày, bà con hoan hỉ ầm ầm kéo nhau đi du lịch.

Thực sự, nhìn viễn cảnh biển người chen lấn xem pháo hoa năm ngoái, tôi vẫn chưa hết rùng mình vì nghe ra họ không sợ Covid-19.

Nên hủy pháo hoa, hoặc cứ tổ chức bắn nhưng khuyến cáo người dân không được tụ tập ngoài phố để xem, như bóng đá không khán giả, không sao cả.

Nên khuyến cáo người dân hạn chế đi du lịch. Nhìn một Đà Nẵng năm trước vẫn chưa hết sợ; nhìn cả nước căng mình chống dịch mới đây mà thương.

Và nhìn Ấn Độ để nghĩ, không pháo hoa, không du lịch, sẽ cần thiết hơn nhiều nếu để rơi vào tình cảnh như đất nước ấy.

Doanh nghiệp du lịch và hàng không có thể giảm lợi nhuận một chút, không khí không pháo hoa có thể sẽ buồn một chút, nhưng sẽ chẳng là gì so với mối đe dọa Covid-19 như các nước láng giềng hay Ấn Độ.

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dich-covid-19-nhin-tu-con-song-than-an-do-143384.html