Dịch COVID-19: Người nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay thương mại sẽ cách ly và xét nghiệm như thế nào?

Quy trình nhập cảnh và giám sát, cách ly y tế phòng chống COVID-19 với người nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đã được lấy ý kiến các bộ ngành, dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới đây.

Thông tin trên được TS. Hà Anh Đức- Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết tại buổi tập huấn về phần mềm quản lý nhập cảnh để phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức vào sáng ngày 29/10.

Theo TS Hà Anh Đức dự thảo quy trình nhập cảnh và giám sát cách ly y tế đối với người nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đang trong quá trình hoàn tất trước khi ký ban hành. Quy trình này được tập hợp, bổ sung từ các văn bản của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các bộ ngành đã ban hành trước đó.

TS.BS.Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

TS.BS.Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Đối tượng áp dụng quy định này là người đi trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ nhập cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia, khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh. Danh sách các quốc gia, khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ được cho phép bởi Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Ông Hoàng Minh Đức- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Theo bản dự thảo, người nhập cảnh tự chi trả toàn bộ kinh phí cho các hoạt động đưa đón, cách ly tại khách sạn, xét nghiệm COVID-19. Riêng đối với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ (ở Việt Nam trên 14 ngày) được miễn thu phí xét nghiệm, trừ trường hợp yêu cầu cách ly tại khách sạn theo nguyện vọng.

Dự thảo cũng ghi rõ, đối với nhóm công dân Việt Nam và người nước ngoài là nhân thân (cha, mẹ, vợ, chồng, con) của công dân Việt Nam trước khi lên máy bay phải có hộ chiếu hợp lệ; giấy chấp thuận nhập cảnh (đối với người nước ngoài) do cơ quan có thẩm quyền cấp; có giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi khởi hành 3-5 ngày; đăng ký, có xác nhận tiếp nhận của cơ sở cách ly tại khách sạn và dịch vụ đưa đón; khai báo y tế điện tử trong 12 giờ trước khi khởi hành, cài đặt ứng dụng Vietnam Health Declaration và Bluezone.

Khi trên máy bay, hành khách phải đeo khẩu trang và tuân thủ hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm. Công dân Việt Nam và người nước ngoài là nhân thân của công dân Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày; lấy mẫu xét nghiệm lần 2 vào ngày thứ 14 kể từ khi nhập cảnh.

Người nhập cảnh tự chi trả chi phí cho hoạt động đưa đón, cách ly tại khách sạn, xét nghiệm - Ảnh minh họa

Đối với nhóm là người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân trước khi lên máy bay phải có hộ chiếu hợp lệ; có giấy chấp thuận nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2; có BHYT hoặc cam kết chi trả chi phí trong trường hợp mắc COVID-19; đăng ký, có xác nhận tiếp nhận của cơ sở cách ly tại khách sạn và dịch vụ đưa đón; khai báo y tế điện tử trong 12 giờ trước khi khởi hành.

Các chuyên gia khi nhập cảnh vào nước ta sẽ cách ly tập trung 7 ngày đầu tiên ở khách sạn, được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần (ngày thứ 2 và ngày thứ 6). Trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 ở mẫu bệnh phẩm lấy vào ngày thứ 6 sẽ được cách ly tại nơi lưu trú. Tại nơi lưu trú, chuyên gia, người lao động sẽ được lấy xét nghiệm lần thứ 3 vào ngày thứ 14 kể từ khi nhập cảnh.

Đối với nhóm là người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích ngoại giao, công vụ, làm việc từ 14 ngày trở lên; chuyên gia nước ngoài và người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích ngoại giao, công vụ, làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) sẽ được cách ly tại nhà, nơi lưu trú (do doanh nghiệp, khách sạn thu xếp) đủ 14 ngày.

Trong quá trình cách ly, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích ngoại giao phải đeo khẩu trang, phòng, chống lây nhiễm tại khu cách ly; lấy mẫu xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 14.

Còn chuyên gia nước ngoài và người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích ngoại giao, công vụ, làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) sẽ được lấy mẫu xét nghiệm trong ngày đầu tiên cách ly. Sau đó, cứ 3 ngày lấy mẫu xét nghiệm 1 lần.

Theo dự thảo, ngoài những giấy tờ cần thiết, trước khi nhập cảnh cả 3 nhóm trên đều cần có giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày khởi hành 3-5 ngày, phải khai báo y tế điện tử trong vòng 12 giờ trước khi khởi hành và cài đặt ứng dụng Vietnam Health Declaration và các ứng dụng truy vết. Riêng nhóm 1 và nhóm 2 cần thêm đăng ký và có xác nhận tiếp nhận của khách sạn và dịch vụ đưa đón.

Người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân nhập cảnh vào Việt Nam phải có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2; có BHYT hoặc cam kết chi trả chi phí trong trường hợp mắc COVID-19

Tại buổi tập huấn, đại diện một số Sở Y tế các địa phương đa góp ý vào bản dự thảo đồng thời đề nghị đơn vị triển khai phần mềm quản lý nhập cảnh đơn giản, sớm hoàn thiện để các đơn vị thực hiện, đặc biệt là các cán bộ tại trung tâm y tế xã.

Phát biểu tại buổi tập huấn, TS Hà Anh Đức nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng chống dịch COVID-19 đã được triển khai rất sớm và đã góp phần quan trọng vào thành công của công tác chống dịch ở nước ta.

"Quan điểm của Ban Chỉ đạo, của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan là khi ứng dụng công nghệ vào chống dịch phải trên tinh thần tạo sự thuận lợi nhất cho người thực hiện. Đơn vị soạn thảo và làm phần mềm quản lý nhấp cảnh sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để xây dựng phần mền hoàn thiện hơn, phục vụ tốt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch"- TS Hà Anh Đức nhấn mạnh

Từ tháng 3, phần mềm quản lý nhập cảnh đã được triển khai. Đến nay đã có 4 buổi đào tạo. Sau khi Cục Y tế Dự phòng ban hành quy trình mới nhất về kiểm soát người nhập cảnh, Viettel đã điều chỉnh hệ thống tờ khai y tế phù hợp với các đối tượng là người nhập cảnh, công an xã, cửa khẩu, đơn vị y tế các tuyến, cơ sở cách ly và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố.

Phần mềm quản lý nhập cảnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý người nhập cảnh, từ khi khai báo y tế cho đến khi cách ly tại nơi cư trú hoặc xuất cảnh. Phần mềm không chỉ tăng cường theo dõi các đối tượng cách ly, phân công cho lực lượng công an giám sát mà còn kiểm tra ngẫu nhiên đối tượng cách ly bằng hệ thống gọi điện tự động. Ngay từ khi mới triển khai, phần mềm đã được tích hợp mã QR CODE. Mã QR CODE sẽ tự động chuyển tới tờ khai y tế của mỗi người dân, được dán tại cửa ra vào lên máy bay của các cụm cảng hàng không quốc tế tại các nước để hành khách dễ nhận biết, nhân viên y tế có thể quét mã để lấy thông tin về tờ khai y tế của hành khách.

Trước đây, tại các khách sạn hầu hết mã QR CODE đều do nhân viên quét để đánh dấu hành khách đã lưu trú. Tuy nhiên, với phiên bản mới của phần mềm quản lý nhập cảnh, hành khách hoàn toàn có thể chủ động quét mã để xác nhận đã lưu trú ở khách sạn, quản lý thông tin cá nhân.

Về vấn đề quản lý kết quả xét nghiệm, được biết, khi đã có kết quả xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ có 2 cách để cập nhật lên hệ thống, đó là scan mã phiếu hoặc quét mã QR CODE.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dich-covid-19-nguoi-nhap-canh-vao-viet-nam-tren-chuyen-bay-thuong-mai-se-cach-ly-va-xet-nghiem-nhu-the-nao-n182111.html