Dịch Covid-19 làm 'lộ sáng' tình trạng người Việt lao động bất hợp pháp ở nước ngoài

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) chiều 20-4, nhiều thành viên UBTVQH bày tỏ quan tâm đến tình trạng người lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại phiên thảo luận. Ảnh: QUOCHOI

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại phiên thảo luận. Ảnh: QUOCHOI

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, việc người Việt ra nước ngoài lao động không chỉ là câu chuyện làm kinh tế, mà còn liên quan đến thể diện của Việt Nam với thế giới.

“Philippines nổi tiếng về xuất khẩu lao động, lĩnh vực này của họ những năm qua đã góp phần tạo ra cán cân thanh toán quốc tế luôn luôn thặng dư. Điểm mạnh của những người lao động Philippines là khả năng ngoại ngữ, khả năng chuyên môn và sự tuân thủ quy định, pháp luật nước sở tại, tức khả năng thích ứng, “nhập gia tùy tục” rất tốt”, ông Nguyễn Văn Giàu bình luận.

Trong khi đó, điều rất đáng buồn là có không ít thông tin được phản ánh về việc người lao động Việt Nam vi phạm pháp luật, đánh bài, nhậu nhẹt, gây rối ở nước ngoài, ảnh hưởng tới thể diện quốc gia. Gần đây nhất, dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu đã bộc lộ thực tế là có một lượng lớn người Việt Nam ra nước ngoài lao động bất hợp pháp, gây khó cho cơ quan đại diện ngoại giao trong việc bảo hộ công dân.

“Bằng mọi cách phải nâng dần tiêu chuẩn lao động đi xuất khẩu, người nào phải đạt trình độ nhất định mới được ra nước ngoài làm việc”, ông Giàu góp ý và cho biết, những phẩm chất của người lao động xuất khẩu Philippines đều có được nhờ quá trình đào tạo, rèn luyện từ trong nước, trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Đồng tình với Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhìn nhận, khi những người lao động bất hợp pháp buộc phải trở về nước do dịch bệnh nghiêm trọng ở nước sở tại, dù không bỏ rơi, nhưng khi hỗ trợ hồi hương, cũng không nên “cào bằng” đối xử như các công dân bình thường khác, thậm chí phải phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ….

Theo Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, qua đợt dịch bệnh lần này, cũng cần rà soát, điều chỉnh cơ chế bảo vệ, hỗ trợ người lao động Việt Nam tại nước ngoài. Cụ thể là bên cạnh việc người lao động trước khi ra nước ngoài buộc phải ký quỹ như quy định hiện hành, cần đóng thêm một khoản tiền nữa để trường hợp có biến cố xảy ra, Nhà nước có nguồn tiền để sử dụng, lo cho những người cần hỗ trợ.

“Ngân sách không thể gánh mãi những khoản chi phí tương tự”, ông nói, đề cập lại vụ việc 39 người Việt tử vong trong container nhập cảnh trái phép vào Anh năm 2019.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, bà từng tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh các vấn đề tiêu cực về người lao động Việt Nam tại nước ngoài. Gần đây, việc người lao động Việt hết hạn hợp đồng cố tình ở lại làm việc “chui” tại Nhật Bản đã được chính Đại sứ nước này chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội.

Có cùng quan điểm với Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các bộ, ngành chức năng đặc biệt quan tâm tới ngành nghề đưa lao động ra nước ngoài làm, với định hướng hạn chế lao động giản đơn, chuyển sang ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn. Chẳng hạn, thay vì sang Trung Đông làm nghề xây dựng, hay đi Đài Loan làm giúp việc, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân hy vọng “sẽ có thêm nhiều kỹ sư dầu khí Việt sang Kuwait làm với mức lương 10.000 - 20.000 USD/tháng”.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dich-covid19-lam-lo-sang-tinh-trang-nguoi-viet-lao-dong-bat-hop-phap-o-nuoc-ngoai-658284.html