Dịch Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống ở khắp nơi trên thế giới

Năm 2020, người dân toàn thế giới chứng kiến cuộc sống bình thường bỗng xáo trộn khi Covid-19 xuất hiện. Dịch bệnh dần được đẩy lùi cũng là lúc đời sống có nhiều đổi thay.

 Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống người dân trên khắp thế giới, cụ thể là các thói quen, cách làm việc hàng ngày. Để phòng ngừa virus lây lan, các biện pháp bảo vệ khi người lao động đi làm trở lại được áp dụng triệt để. Trong ảnh, nữ nhân viên Jessy đeo tấm chống giọt bắn trong lúc dũa móng cho khách tại một salon ở Winnington (Anh) vào tháng 7.

Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống người dân trên khắp thế giới, cụ thể là các thói quen, cách làm việc hàng ngày. Để phòng ngừa virus lây lan, các biện pháp bảo vệ khi người lao động đi làm trở lại được áp dụng triệt để. Trong ảnh, nữ nhân viên Jessy đeo tấm chống giọt bắn trong lúc dũa móng cho khách tại một salon ở Winnington (Anh) vào tháng 7.

Không còn cảnh nhiều nhân viên ngồi ăn chung, thoải mái nói chuyện trong giờ nghỉ trưa, mà thay vào đó là thực hiện giãn cách xã hội. Từng người ngồi tách biệt, đảm bảo cách xa những người xung quanh tối thiểu 2 m. Khung cảnh tại nhà ăn của một nhà máy ở Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng vì thế mà trở nên im ắng, vắng lặng hơn nhiều so với thời điểm dịch bệnh chưa xuất hiện.

Trong lúc các quốc gia nỗ lực đẩy lùi virus corona chủng mới, hạn chế tiếp xúc với người khác là lời khuyến cáo được nhấn mạnh ở mọi nơi. Những màn chắn nhựa đóng vai trò như “hàng rào” xuất hiện ở khắp các chợ, siêu thị, ngăn cách người mua và người bán trao đổi trực tiếp.

Khi các hoạt động cộng đồng dần quay trở lại bình thường, nỗi lo làn sóng dịch bệnh bùng phát một lần nữa khiến nhiều nhà hàng, quán bar buộc phải thực hiện cách thức phòng vệ. Không hiếm biện pháp sáng tạo ra đời như cho khách hàng ngồi trong lồng kính, lều trong suốt, nhằm tránh cảnh các vị khách do ham vui mà tiếp xúc ở khoảng cách gần.

Tại những không gian hẹp như thang máy, việc hạn chế số lượng người đi lại cũng trở nên quan trọng. Nhiều tòa nhà đưa ra biện pháp yêu cầu khách đi thang máy đứng theo từng ô vạch chia sẵn, quay mặt vào tường để giảm nguy cơ virus lây lan, tránh mặt đối mặt với người khác.

Khẩu trang từng bị xem nhẹ bởi cả chính phủ và người dân ở Mỹ, châu Âu. Sau một thời gian không khuyến khích, giới chức phương Tây dần nhìn thấy việc đeo khẩu trang trong bối cảnh dịch bệnh đem lại lợi ích cho cả cộng đồng, chứ không riêng cá nhân nào đeo nó. Khẩu trang từ đó bỗng chốc thành vật không thể thiếu mỗi khi ra đường. Trong ảnh, một nhân viên quán bia đang phục vụ khách với khuôn mặt được bịt kín ở Munich (Đức).

Cũng trong thời gian phong tỏa, người dân không được tự do đi lại như bình thường, công việc bán hàng qua livestream bùng nổ mạnh, đem lại cho người kinh doanh lợi nhuận không nhỏ. Kết nối Internet giúp cuộc sống của nhiều người dân bớt phần gián đoạn khi vẫn có thể đi học, đi làm vào mùa dịch.

Vào mùa dịch, gái mại dâm, phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp tình dục là một trong các đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Khách lo sợ lây nhiễm, các cô gái không còn thu nhập. Họ cũng là đối tượng vốn chịu nhiều dị nghị, không thuộc diện nhận trợ cấp của chính phủ. Nhiều người phải chuyển sang bán dâm, phục vụ khách online để cố kiếm số tiền ít ỏi cầm cự qua ngày.

Koiku đeo khẩu trang che mặt trước khi trình diễn tại một bữa tiệc hạng sang ở Tokyo (Nhật Bản). Bên cạnh, người phụ nữ tên Mayu đang chỉnh trang kimono cho cô. Cả hai đều là geisha. Trong mùa dịch, do yêu cầu giãn cách xã hội, những người làm geisha tại Nhật Bản phải cập nhật các hình thức phục vụ mới, trong đó có biểu diễn online. Nguyên nhân nằm ở việc các thứ có trong tiết mục biểu diễn của geisha - từ hát, nhảy đến trò chuyện, rót rượu cho khách trong không gian kín - đều vi phạm quy định về phòng dịch, khiến họ tạm thời không thể hành nghề.

Hầu hết sự kiện giải trí đông người đều bị hoãn, lùi lại vô thời hạn, đẩy các nghệ sĩ biểu diễn vào cảnh thất nghiệp, không còn show diễn. Nhiều người cố giải nguy tình thế bằng cách trình diễn online, phát trực tiếp để giữ chân khán giả trong lúc sân khấu đóng cửa. Trong ảnh, một nam ca sĩ đang hát thông qua ứng dụng Zoom, trong lễ hội âm nhạc trực tuyến kéo dài 6 tiếng tại studio ở Bangkok, Thái Lan.

Một bé gái ngồi trên các tấm vải, chăm chú chơi điện thoại tại một xưởng sản xuất váy cưới nhỏ ở Tô Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Tô Châu từng là "thủ phủ" váy cưới lớn nhất thế giới, chuyên cung cấp trang phục quan trọng cho cô dâu trong ngày trọng đại ở khắp mọi nơi. Nhưng mọi chuyện hoàn toàn trái ngược vào năm nay, khi dịch bệnh buộc các đôi phải hoãn hoặc hủy bỏ đám cưới vô thời hạn. Ngành công nghiệp cưới ở Tô Châu rơi vào tê liệt, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Khi đại dịch ập đến, các bác sĩ, y tá thuộc tuyến đầu chống dịch là những người vất vả nhất khi họ thường xuyên ở trong tình trạng quá tải. Chấp nhận rủi ro lây nhiễm, xa gia đình và người thương yêu, không ít nhân viên thuộc lực lượng y tế đã ra đi trong lúc cố gắng chữa trị cho bệnh nhân.

Y tá người Philippines April Glory ôm con trai trước khi bay sang Anh làm việc. Ảnh chụp bên ngoài sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở thủ đô Manila, Philippines vào tháng 8. Cô quyết định lên đường sau khi chính phủ nới lỏng hạn chế đối với việc di chuyển của nhân viên y tế. Lần đầu tiên Glory rời Philippines, con trai cô mới được một tuổi rưỡi. Cuộc chia tay diễn ra bịn rịn khi Glory biết sẽ phải nhiều tháng sau, cô mới lại được ôm cậu bé con của mình lần nữa.

Hiền Thy
Ảnh: Reuters

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dich-covid-19-lam-dao-lon-cuoc-song-o-khap-noi-tren-the-gioi-post1136357.html