Dịch Covid-19, khô hạn, nạn đói, mất mùa và hàm ý với nước Nga - 'vựa ngũ cốc' của thế giới

Trong thế kỷ XXI, công nghệ nông nghiệp tiên tiến có thể cho phép con người trồng dâu tây trên sa mạc hay dưa hấu, dưa mật ở vùng cực Bắc, nhưng thật không may, hàng trăm triệu người có thể chết đói vì thiếu ngũ cốc.

Một con voi chết vì thiếu thức ăn tại Công viên Quốc gia Hwange ở Zimbabwe, số voi chết do hạn hán đã lên tới 200 con. (Nguồn: AP)

2020 - năm “họa vô đơn chí”

2020 chắc chắn sẽ đi vào lịch sử với không chỉ khởi đầu của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, sự hoành hành của dịch bệnh, mà còn là khởi đầu của một nạn đói lớn, có thể tấn công hàng chục quốc gia.

Ông David Beasley, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc nhận định, “con ma đói hiển hiện và nguy hiểm hơn bao giờ hết; trong trường hợp xấu nhất, nạn đói đe dọa khoảng ba chục quốc gia”.

Theo Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia (NCEI) Nga, nhiệt độ trên hành tinh hai tháng trước đã đạt mức cao kỷ lục. Năm 2020 có khả năng sẽ lọt vào danh sách những năm nóng nhất trong lịch sử, thậm chí là năm nóng nhất. Đại dương quá nóng đang ẩn chứa nguy cơ nhiều cơn bão hơn.

Nhưng hiệu ứng đó có một đặc điểm là những cơn mưa chủ yếu đổ xuống đại dương, gần như không đến được đất liền. Điều này đe dọa con người và môi trường không chỉ bởi mức nóng, mà còn hạn hán quy mô lớn. Đã vậy, mực nước của các hồ chứa ở châu Âu đang ở mức báo động, đất nông nghiệp đang khô dần.

Các nhà khí hậu học cảnh báo các vụ cháy rừng khủng khiếp có thể tái diễn không chỉ ở Nga, mà cả Australia và trong các khu rừng Amazon đang cạn kiệt nước.

Mọi thứ đều phức tạp bởi vấn đề hiện hữu của biến đổi khí hậu toàn cầu, nguy cơ mất mùa lớn là rất cao, nhưng tệ hơn, đại dịch Covid-19 làm tê liệt quá trình sản xuất, phá vỡ các mối quan hệ kinh doanh truyền thống, nhiều kế hoạch lớn và dài hơi lập tức sụp đổ.

Cũng do đại dịch, không có ai thu hoạch mùa màng, hậu cần giao thông vận tải bị phá vỡ, giá thực phẩm chắc chắn sẽ tăng, nhưng đó chưa phải là tất cả.

Thời tiết bất thường ở Đông Phi khiến châu chấu có điều kiện lý tưởng để nhân giống. Những "đám mây" châu chấu di chuyển, nuốt chửng tất cả các thảm thực vật trước mặt chúng. Từ Kenya, châu chấu đi qua Ethiopia, Yemen, Nam Sudan, Somalia, Uganda, Tanzania đến Iran ở Trung Đông và sau đó là Trung Quốc.

Con người vẫn có thể chống lại châu chấu, nhưng điều này làm phức tạp nghiêm trọng việc kiểm dịch nói chung, khi mọi nguồn lực đang tập trung vào cuộc chiến chống lại virus corona.

Theo Liên hợp quốc, năm nay, có khoảng 265 triệu người sẽ thực sự chết đói. Và họ không chỉ thuộc các nước nghèo nhất châu Phi, mà cả các quốc gia như Iran, Venezuela hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga là nước xuất khẩu ngũ cốc số 1 thế giới. (Nguồn: Top Cor)

Ngũ cốc - ưu thế chiến lược của Nga

Liệu Nga có bị ảnh hưởng bởi nạn đói? Một kịch bản như vậy dường như rất khó xảy ra, ngay cả khi mùa Hè khô hạn và ảnh hưởng của virus corona đã được dự báo. Nước Nga có thể đáp ứng đủ nhu cầu thịt, sữa và các sản phẩm rau quả trong nước.

Cuối tháng 4 vừa qua, Nga đã tạm ngừng xuất khẩu ngũ cốc cho đến ngày 1/7 - quyết định đã dẫn đến một sự khuấy động trong thị trường thực phẩm toàn cầu. Lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc từng được đưa ra vào năm 2010 - khi hạn hán tạo ra sự đình trệ, gây ra lo ngại một vụ mùa thất bát sẽ dẫn đến tình trạng thiếu ngũ cốc ở nước này.

Thiếu hụt cũng xảy ra đối với thị trường lúa gạo, cây trồng nông nghiệp chính của châu Á. Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc áp đặt các hạn chế đối với hàng xuất khẩu của mình để tích lũy dự trữ cho nhu cầu của dân chúng. Kazakhstan đã đình chỉ việc xuất khẩu lúa mì, kiều mạch, đường, dầu hướng dương, khoai tây, cà rốt và củ cải đường.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà chức trách Nga chọn giữ dự trữ lúa mì, lúa mạch đen, ngô và lúa mạch trong nước cho đến thời điểm tốt hơn.

Xuất khẩu thực phẩm là động lực tăng trưởng ngoại thương chính của Nga. Theo người đứng đầu Bộ Nông nghiệp nước này, năm 2019, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở Nga đã kiếm được 25 tỷ USD từ thị trường ngoài nước, gấp đôi so với ngành công nghiệp quốc phòng (khoảng 13 tỷ).

Nga bán nông sản cho 160 quốc gia, bao gồm Trung Đông, châu Á, châu Phi, Liên minh châu Âu, các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập, và đang tiếp tục đầu tư vào nông nghiệp, đa dạng hóa thu nhập xuất khẩu.

Trong những năm tới, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến thị trường ngũ cốc toàn cầu, đất sẽ đóng băng vào mùa Đông - điều làm tăng tính thấm khí, và tàn dư cây trồng với phân bón hữu cơ phân hủy nhanh hơn. Trong mùa Đông ấm áp, thực vật nhận được ít chất dinh dưỡng hơn và năng suất giảm (điều mà Ukraine phải đối mặt trong năm nay).

Nga đang tích cực áp dụng các công nghệ mới trong nông nghiệp, khi thị trường có lợi nhuận này chưa được phân chia giữa các cường quốc khác. Dễ dàng thấy rằng sự cạnh tranh trong thị trường thực phẩm toàn cầu đang trở nên khốc liệt hơn, ngày càng có nhiều “người chơi” tham gia.

Để mở rộng thị phần trên thị trường lúa mì toàn cầu, Chính phủ Nga dự định phân bổ vốn cho các thiết bị hiện đại, tăng năng suất và chất lượng đất, đồng thời đưa thêm 10 triệu ha đất nông nghiệp vào lưu thông vào năm 2030, sẽ mang lại cho ngành nông nghiệp 7.000 tỷ Ruble giá trị gia tăng trong sản xuất.

Một trong những yếu tố quan trọng là cơ sở hạ tầng giao thông, do đó, các nhà ga bốc dỡ ngũ cốc đang được mở rộng ở nhiều cảng của Nga và các tuyến đường sắt chuyên chở ngũ cốc đang được hình thành.

Bất chấp trở ngại, trong tương lai, Nga không có ý định từ bỏ vị trí của một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Có những lo ngại rằng năm nay sản lượng ngũ cốc ở Nga sẽ không cao do điều kiện thời tiết. Đáng chú ý là mùa Xuân năm nay tại vùng Krasnodar và Stavropol, các khu vực cung cấp cho quốc gia một lượng lớn ngũ cốc, gần như không có mưa.

Mặc dù vậy, Chính phủ Nga rất lạc quan về sản lượng ngũ cốc của vụ mùa tới với dự báo 125,3 triệu tấn so với 121,2 triệu tấn năm ngoái. Dự kiến thu nhập từ xuất khẩu nông sản vào cuối năm nay sẽ lên tới gần 25 tỷ USD, và theo kế hoạch của Tổng thống Putin, thậm chí tăng lên 54 tỷ USD vào năm 2024.

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy, đối với bất kỳ quốc gia nào, dự trữ ngũ cốc còn quan trọng hơn cả dự trữ nhiên liệu. Với thực phẩm, nhu cầu đối với con người sẽ không bao giờ biến mất trong bất kỳ trường hợp nào. Ngoài ra, bất chấp chiến tranh và dịch bệnh, dân số thế giới vẫn tiếp tục tăng, có nghĩa là nhu cầu và giá thực phẩm cũng không ngừng tăng lên.

Hậu quả của virus corona có thể trở nên rất nghiêm trọng khi nguyên nhân “Mùa xuân Arab” đã bùng lên dữ dội ở Bắc Phi và Trung Đông, được cho phần lớn là do giá thực phẩm tăng vọt trong năm 2007-2008.

Lê Ngọc

(theo Top Cor, Top War)

Lê Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dich-covid-19-kho-han-nan-doi-mat-mua-va-ham-y-voi-nuoc-nga-vua-ngu-coc-cua-the-gioi-114971.html