Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 236.535 ca nhiễm bệnh, trong đó có 5.890 ca tử vong, nâng tổng số người mắc COVID-19 toàn cầu lên 18.673.923 trường hợp, trong đó, số người thiệt mạng đã vượt 700.000 ca, lên 702.973. Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba. Nhiều nước đã quyết định lùi thời gian mở cửa nền kinh tế, đồng thời tái áp đặt các biện pháp giãn cách.

Châu Mỹ hiện là điểm nóng nhất của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Mỹ, Brazil, Mexico...

Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 54.504 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này lên 4.918.420 ca. Số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ là 160.290 ca.

Mỹ đã bắt đầu tiến hành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với một loại thuốc được bào chế nhằm chống lại virus SARS-CoV-2. Thuốc có tên gọi LY-CoV555 do Công ty công nghệ sinh học AbCellera Biologics của Canada phát triển nhận dạng trong một mẫu máu của một bệnh nhân mắc COVID-19 đã hồi phục. Sau đó Phòng thí nghiệm Lilly có trụ sở tại Mỹ đã hợp tác với Abcellera phát triển tổng hợp để sản xuất hàng loạt.

Brazil là vùng dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. Nước này đã ghi nhận hơn 2,8 triệu ca mắc và hơn 96.000 ca tử vong. Chánh văn phòng Tổng thống Brazil, Tướng Walter Souza Braga Nettovừa có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trở thành bộ trưởng thứ 7 tại quốc gia Nam Mỹ mắc COVID-19. Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Brazil, ông Braga Netto vẫn khỏe và không có triệu chứng, tuy nhiên, ông sẽ vẫn bị cách ly và làm việc từ xa.

Tuần trước, đệ nhất phu nhân Brazil cũng có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Bản thân Tổng thống Jair Bolsonaro cũng mắc COVID-19 song kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy ông đã khỏi bệnh.

Châu Á vẫn đang chìm trong làn sóng thứ 2 của đại dịch COVID-19 với hơn 78.329 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, mức tăng cao nhất so với các khu vực khác.

Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nhất tại châu Á, với 1.906.613 ca nhiễm và 39.820 ca tử vong. Tiếp đến là Iran với 314.786 ca nhiễm và 17.617 ca tử vong. Saudi Arabia và Pakistan đều có hơn 280.000 ca nhiễm, trong khi số ca tử vong tại Pakistan cao thứ ba khu vực, với 5.999 ca.

Tại châu Âu, Nga hiện là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất khu vực, với 861.423 ca trong khi Anh ghi nhận nhiều ca tử vong nhất với 46.210 ca.

Phát ngôn viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Christian Lindmeier ngày 4/8 cho biết họ coi các thông tin về vaccine ngừa COVID-19 của Nga là "khả quan", song điều quan trọng là phải trải qua tất cả các giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm.

Theo Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), vaccine đầu tiên của Nga ngừa COVID-19 dự kiến sẽ được đăng ký giấy phép trong vòng 10 ngày tới. Bộ Quốc phòng Nga ngày 4/8 thông báo rằng các tình nguyện viên thử nghiệm loại vaccine, được phát triển cùng với Viện nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học Gamaleya, đã cho thấy phản ứng miễn dịch mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào. Theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, nước này đang lên kế hoạch triển khai tiêm phòng vaccine đại trà vào tháng 10 tới.

Đức đang đương đầu với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai. Báo Augsburger Allgemeine ngày 4/8 đăng bài phỏng vấn bà Susanne Johna - Chủ tịch tổ chức Marburger Bund, đại diện cho các bác sĩ ở Đức, nêu rõ Đức đang ở giai đoạn làn sóng dịch bệnh thứ hai, đồng thời cảnh báo mong muốn của người dân về việc được trở lại cuộc sống bình thường và sức ép từ việc phải tuân thủ các biện pháp hạn chế sẽ khiến thành công mà giới chức Đức đạt được cho tới nay bị xóa sạch. Bởi vậy, bà hối thúc người dân tuân thủ quy định giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và thực hiện đầy đủ các biện pháp khử trùng.

Nhờ thực hiện xét nghiệm trên quy mô lớn cùng hệ thống chăm sóc y tế tiên tiến và áp dụng hiệu quả quy định giãn cách xã hội, nền kinh tế lớn nhất châu Âu cho tới nay vẫn vững vàng trước đại dịch COVID-19 với số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia láng giềng như Pháp và Italy. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, số ca mới mắc COVID-19 tại Đức đang có xu hướng tăng. Các chuyên gia y tế cảnh báo động thái nới lỏng các quy định giãn cách xã hội đang khiến virus SARS-CoV-2 lây lan trở lại trong cộng đồng.

Theo thống kê của Viện Robert Koch (RKI) tính đến ngày 3/8, Đức ghi nhận thêm 879 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 211.281, trong đó có 9.156 ca tử vong.

Theo nghiên cứu đăng tải ngày 4/8, nước Anh sẽ đương đầu với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai với tốc độ lây lan cao gấp đôi trong mùa Đông năm nay so với thời điểm bắt đầu bùng phát dịch bệnh nếu mở cửa trở lại các trường học mà không triển khai hệ thống xét nghiệm và truy dấu hiệu quả hơn.

Nghiên cứu do các chuyên gia tại Đại học College London cùng Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London thực hiện, mô phỏng tác động của việc mở cửa trở lại các trường học hoặc toàn thời gian hoặc bán thời gian để các bậc phụ huynh có thể đi làm lại đối với nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2. Theo đó, nếu tất cả các trường giảng dạy lại vào tháng 9/2020 nhưng không có chiến lược xét nghiệm - truy dấu - cách ly hiệu quả, hệ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 (R) sẽ tăng lên trên mức 1 và đỉnh điểm của làn sóng dịch bệnh thứ hai sẽ rơi vào khoảng tháng 12/2020 với số ca mắc bệnh cao gấp 2-2,3 lần so với làn sóng dịch ban đầu.

Cùng ngày, Ủy ban Khoa học Pháp cảnh báo "nhiều khả năng" làn sóng dịch COVID-19 thứ hai sẽ bùng phát vào mùa Thu hoặc mùa Đông năm nay do nước này ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gia tăng rõ rệt trong 2 tuần qua.

Tại Australia, Victoria - bang đông dân thứ 2 của nước này, ngày 4/8 thông báo sẽ triển khai 500 binh sĩ quân đội giám sát thực hiện quy định phòng dịch, cùng với hình thức phạt nặng hơn đối với những người vi phạm. Theo Thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrews, có gần 1/3 những người từng tiếp xúc với ca mắc COVID-19 không thực hiện quy định cách ly tại nhà khi được kiểm tra. Do đó, chính quyền bang quyết định tăng cường giám sát thực hiện quy định cách ly và tăng mức phạt 5.000 AUD (3.559 USD) các đối tượng được xác định vi phạm lệnh cách ly.

Châu Phi hiện ghi nhận gần 970.000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 20.600 ca tử vong. Liên minh châu Phi (AU), gồm 55 quốc gia thành viên đã ghi nhận thêm 10.985 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua và 324 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở lục địa này là 20.612 trường hợp.

Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất ở châu Phi về số trường hợp mắc COVID-19, tiếp đó là Ai Cập, Nigeria, Ghana, Algeria, Morocco... Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lây lan nhanh và rộng khắp trên châu Phi, hiện 34 quốc gia châu lục này vẫn đóng cửa hoàn toàn biên giới để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan trên toàn thế giới, WHO cảnh báo chính phủ và công dân nhiều nước cần tập trung vào các biện pháp phòng dịch được đánh giá hiệu quả khi mà chưa có vaccine phòng bệnh, như xét nghiệm, truy xét các trường hợp nghi nhiễm, bảo đảm giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/dich-covid19-dien-bien-phuc-tap-tai-nhieu-quoc-gia/403198.vgp