Dịch COVID-19 đến sáng 5/6: Mỹ Latinh đang là 'điểm nóng'

Bộ Y tế Mexico thông báo ghi nhận thêm 816 ca tử vong và 4.446 ca mắc mới, còn Peru tổng cộng ghi nhận 183.198 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 5.031 ca tử vong.

Chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Benito Juarez, Nezahualcoyotl, Mexico ngày 22/5/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Benito Juarez, Nezahualcoyotl, Mexico ngày 22/5/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7 giờ 30 sáng 5/6 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 6.692.653 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 392.286 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 3.230.104 người.

Mỹ vẫn đang là tâm dịch của thế giới với 1.924.018 ca mắc và 110.173 ca tử vong.

Xếp sau Mỹ về số ca tử vong là Anh với 39.904 ca trong số 281.661 ca mắc, Italy với 33.689 ca tử vong trong số 234.013 ca mắc, Brazil với 34.039 ca tử vong trong số 615.870 ca mắc và Pháp với 29.065 ca tử vong trong số 152.444 ca mắc.

Tại khu vực Mỹ Latinh, “điểm nóng” mới về dịch COVID-19, Bộ Y tế Mexico thông báo ghi nhận thêm 816 ca tử vong và 4.446 ca mắc mới, nâng tổng số ca tử vong lên 12.545 ca với tổng cộng 105.685 ca mắc, và 46.659 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Mexico ghi nhận số ca mắc mới và tử vong tăng mạnh sau khi chính phủ nước này ngày 1/6 quyết định dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội để từng bước đưa đất nước quay trở lại trạng thái bình thường mới.

Chỉ trong 4 ngày qua, Mexico ghi nhận 15.020 ca mắc mới và số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm 2.615 người.

Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell nhấn mạnh Mexico vẫn đang trong giai đoạn đỉnh dịch và điều chỉnh dự báo số ca tử vong do COVID-19 có thể lên đến 35.000 ca so với con số 30.000 trước đó.

Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Peru Víctor Zamora thông báo nước này sẽ đẩy mạnh nhập khẩu bình ôxy dùng để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, đồng thời tuyên bố đây sẽ là nguồn “tài sản chiến lược” do tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ diễn biến phức tạp.

Peru đang phải đối mặt với sự thiếu hụt tới 8.000 bình ôxy y tế, trong khi đó các nhà máy sản xuất loại mặt hàng này đã trở nên quá tải do khủng hoảng COVID-19.

Peru hiện là quốc gia có số ca mắc bệnh cao thứ 2 tại Mỹ Latinh, chỉ sau Brazil.

Đến nay, nước này ghi nhận 183.198 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 5.031 ca tử vong.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Mỹ, số ca mắc ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã lên đến 30.469 người, trong đó có 804 ca tử vong, tăng tương ứng 1.399 ca bệnh và 51 ca tử vong.

Tại châu Phi, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Africa) cho biết các nước châu Phi sẽ tiếp nhận tổng cộng 90 triệu bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tới nhằm tăng cường công tác xét nghiệm trên diện rộng tại châu lục 1,3 tỷ dân này.

Theo CDC Africa, đến thời điểm hiện tại, các quốc gia châu Phi đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 3,4 triệu trường hợp, đạt tỷ lệ 1.700 xét nghiệm/1 triệu người, thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ 37.000 xét nghiệm/1 triệu người tại Italy và 30.000 xét nghiệm/1 triệu người tại Anh.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết để đạt được tỷ lệ xét nghiệm như tại Liên minh châu Âu (EU), ngoài 90 triệu bộ kit xét nghiệm nêu trên, châu Phi vẫn cần thêm khoảng 25 triệu bộ kit nữa.

Trong bối cảnh tốc độ lây lan của dịch COVID-19 tại Nam Phi ngày càng gia tăng, nội các nước này đã thông qua quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp cấp quốc gia thêm một tháng đến hết ngày 15/7. Đến nay, nước này ghi nhận 40.792 ca mắc, trong đó có 848 ca tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi ngày 22/5/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Bộ Y tế Ai Cập thông báo đã phát hiện thêm 1.152 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia Bắc Phi lên 29.767 người.

Tính đến nay, tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 ở Ai Cập hiện là 1.126 người sau khi có thêm 38 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 4/6. Bên cạnh đó, cũng đã có thêm 406 bệnh nhân đã khỏi bệnh và được ra viện, qua đó nâng tổng số trường hợp bình phục lên 7.756 người.

Trong khi đó, Văn phòng của Thủ tướng Algeria Abdelaziz Djerad cho biết quốc gia Bắc Phi này sẽ nối lại các hoạt động kinh tế, thương mại và dịch vụ bắt đầu từ ngày 7/6 và chia thành 2 giai đoạn.

Kế hoạch được thực hiện theo lộ trình nới lỏng lệnh cách ly do chính phủ thiết lập vì đại dịch COVID-19.

Theo thống kê mới nhất, Algeria ghi nhận thêm 98 ca mắc và 8 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia này là 9.831 người và 681 ca tử vong.

Quốc gia Bắc Phi hiện xếp thứ 4 trong số các quốc gia châu Phi có số ca nhiễm nhiều nhất châu lục, chỉ sau Nam Phi, Ai Cập và Nigeria.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Vắcxin Toàn cầu (Global Vaccine Summit 2020) do Anh chủ trì diễn ra ngày 4/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh cần phải đảm bảo mọi người dân trên thế giới có thể tiếp cận với vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 một khi các nhà khoa học phát triển và điều chế thành công loại vắcxin này.

Về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi "một kỷ nguyên mới của sự hợp tác y tế toàn cầu" nhằm thúc đẩy "sự đồng lòng của nhân loại trong cuộc chiến chống dịch bệnh," đặc biệt tại các nước nghèo nhất thế giới.

Hội nghị kêu gọi được 8,8 tỷ USD từ 32 chính phủ và 12 quỹ, công ty và các tổ chức trên toàn thế giới để sản xuất các loại vắcxin phòng chống các bệnh sởi, bại liệt, và bạch hầu cho hơn 300 triệu trẻ em tại nước nghèo nhất thế giới trong thời gian từ 2021-2025, đồng thời giúp thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19./.

Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dich-covid19-den-sang-56-my-latinh-dang-la-diem-nong/644025.vnp