Dịch Covid-19 có 'uy hiếp' mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020?

Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020 đang gặp nhiều khó khăn, tuy vậy, vẫn có những tín hiệu lạc quan để kỳ vọng có thể đạt được điều này.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2020, số lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm so với cùng kỳ năm trước, chỉ bằng 86,8% so với 1 tháng của năm 2019.

Tính riêng tháng 4, cả nước có hơn 4.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 68% so với tháng trước, số doanh nghiệp giải thể và chờ giải thể chiếm hơn 3.000. Tính chung 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian, giải thể hoặc chờ giải thể tăng lên 42.000.

Nguyên nhân dẫn đến số lượng doanh nghiệp chờ giải thể tăng lên là do kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm. Nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam lâm vào khủng hoảng khi dịch bệnh kéo dài. Điều này đã khiến hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải phá sản hoặc đứng trước bờ vực phá sản.

Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020 liệu có thể đạt được trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19?

Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020 liệu có thể đạt được trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19?

Với thực trạng trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp mới trong năm 2020 là rất khó khăn, thậm chí là không đạt được.

Cũng theo ông Lâm, mặc dù doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 2,1%, nhưng con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với năm trước. Nếu duy trì được con số tăng trưởng mức kỷ lục như năm ngoái là hơn 138.000 thì tổng số doanh nghiệp mà nền kinh tế dự kiến có trong năm nay cũng chỉ ở mức 900.000 doanh nghiệp.

Nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan, TS. Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm, đại dịch Covid-19 là một thách thức lớn cho mục tiêu phấn đấu đạt 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020 của Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương số 10. Tuy nhiên, vẫn có tiềm năng để triển khai những chính sách đột phá và nếu cố gắng phấn đấu thì có thể đạt được mục tiêu này.

Tiềm năng ở chỗ, hiện, chúng ta có từ 5-7 triệu hộ kinh doanh cá thể và nhiều hộ từ trước đến nay hoạt động không thua kém về quy mô cũng như hiệu quả kinh doanh so với các DNVVN. Cùng với đó, bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới đây thông qua những chính sách mới về hỗ trợ tài chính cho các DNVVN cũng như các doanh nghiệp mới được thành lập từ hộ kinh doanh cá thể. Theo đó, sẽ có những chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp rất tích cực, ví dụ, miễn giảm thuế 2 năm cho những doanh nghiệp đi từ hộ cá thể lên và thực hiện thuế suất DNVVN từ 15 - 17%, thậm chí còn thấp hơn…

Với những tín hiệu đó, ông Phong hy vọng, trong năm nay cũng như năm sau Việt Nam sẽ có sự bứt phá về số lượng cũng như các doanh nghiệp thành lập mới. Đồng thời, việc tái khởi động nền kinh tế trong thập kỷ mới này sẽ chứng kiến sự quay trở lại của các doanh nghiệp đã dừng hoạt động hoặc tuyên bố chấm dứt hoạt động trong thời gian qua.

“Mặc dù chưa thật chắc chắn nhưng có nhiều kỳ vọng, chúng ta sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đã đặt ra. Từ năm 2021, tin rằng sẽ có thể có những đột phá mới kèm theo đó”, ông Nguyễn Minh Phong cho hay.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc phục hồi kinh tế trong bối cảnh bình thường mới này đòi hỏi một tư duy mới cho cả Nhà nước, cho cả doanh nghiệp, thậm chí cả người dân. Theo tinh thần chung là vừa phải đạt mục tiêu về bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch, đồng thời khôi phục và phát triển kinh tế trong dự cảm về những biến động mới trên thị trường. Bao gồm cả biến động về những yêu cầu nâng cao chất lượng hàng hóa cho đến biến động đứt gãy chuỗi cung ứng truyền thống để có thể mở ra những cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực mới cũng như đối tác mới. Đặc biệt, sẽ có sự xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh hiện đại trên cơ sở kinh tế nền tảng và thương mại điện tử cũng như các kết nối phi tiếp xúc truyền thống khác.

Với tinh thần đó, ông Phong cho rằng, để khôi phục hoạt động và phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải rà soát lại mình, rà lại các mục tiêu, đối tượng, chiến lược cũng như các hoạt động kinh doanh để khẳng định vị thế cũng như thiết lập các chuỗi cung ứng mới nhằm thích ứng với bối cảnh mới này.

“Cần coi trọng việc đầu tư để nâng cấp khả năng về công nghệ, đáp ứng được yêu cầu để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như cạnh tranh trong bối cảnh mới; cần xây dựng những kịch bản cho tình huống khác nhau. Đây là yêu cầu mới đặt ra, bởi vì rõ ràng, dịch Covid-19 đã buộc các nước phải có những hành động rất cực đoan, buộc các doanh nghiệp phải có những biện pháp, kịch bản thích ứng với hoàn cảnh chung như đã xảy ra và có thể sẽ phải thay mới trong thời gian tới”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh./.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dich-covid19-co-uy-hiep-muc-tieu-1-trieu-doanh-nghiep-trong-nam-2020-1047402.vov