Dịch Covid-19: Campuchia công bố ca 110, Tổng thống Indonesia bị kiện do lơ là phòng dịch

Bộ Y tế Campuchia sáng 2/4 công bố thêm một ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 tại nước này lên 110 người, trong đó 34 người đã hồi phục.

Một nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đệ đơn kiện Tổng thống Joko Widodo do sự lơ là của Chính phủ trong việc xử lý đại dịch Covid-19. (Nguồn: Jakartaglobe)

Bệnh nhân mới là người Campuchia 58 tuổi, từng tiếp xúc trực tiếp với nhóm khách du lịch Pháp dương tính với virus SARS-CoV-2 ở thành phố Sihanoukville (miền Nam Campuchia).

Như vậy, hiện có 36 người mắc Covid-19 liên quan đến nhóm du khách Pháp ở Sihanoukville, trong đó có 33 người quốc tịch Pháp, 2 hướng dẫn viên du lịch và một quản lý khách sạn ở Sihanoukville. Ngoại trừ một khách Pháp đã rời đi Phnom Penh để điều trị, số còn lại được cách ly và điều trị ở Khách sạn Independent và bệnh viện ở Sihanoukville.

Trong tổng số 110 trường hợp mắc COovid-19, có 34 trường hợp đã khỏi bệnh sau khi được điều trị ở các bệnh viện khác nhau trong nước.

* Trong khi đó, tại Indonesia, một nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đệ đơn kiện Tổng thống Joko Widodo và Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto do sự lơ là của Chính phủ trong việc xử lý đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại đến sinh kế của họ.

Truyền thông địa phương ngày 2/4 cho biết, đơn kiện nói trên đã được nhóm doanh nghiệp đệ trình lên Tòa án quận Trung tâm Jakarta. Ông Eng Enggal, đại diện các nguyên đơn cáo buộc Chính phủ đã không thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết trong giai đoạn đầu bùng phát dịch, ngược lại còn tung các gói kích thích du lịch.

Ông Enggal cho rằng, nếu chính quyền trung ương nghiêm túc trong việc phòng chống dịch bệnh từ đầu, các chủ doanh nghiệp như ông vẫn có thể kiếm sống. Hiện thu nhập của các doanh nghiệp bị mất song Chính phủ vẫn chưa hỗ trợ. 6 nguyên đơn cũng yêu cầu Tổng thống Jokowi và Bộ trưởng Terawan bồi thường 12 tỷ Rupiah (gần 711 nghìn USD) cho các thiệt hại vật chất và 10 triệu Rupiah cho các tổn thất phi vật chất.

Phản ứng của Tổng thống Jokowi trước tình trạng khẩn cấp ý tế hiện nay đã và đang gặp phải sự chỉ trích của công chúng. Một nghiên cứu gần đây do tổ chức Staqo Analytics thực hiện cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 23-30/3, khoảng 59% các cuộc thảo luận trên mạng xã hội và các trang tin tức trực tuyến có từ khóa “Jokowi” nhận được các phản hồi tiêu cực từ cộng đồng.

Tổng thống Jokowi đã nhiều lần bác bỏ đề xuất áp đặt biện pháp phong tỏa đối với Thủ đô Jakarta vốn đang là “tâm dịch” Covid-19 trong nước, bất chấp lời kêu gọi của các nhà khoa học và chuyên gia y tế trước lễ xả chay Idul Fitri sắp tới.

Tính đến ngày 2/4, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 1.790 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 170 ca tử vong, chiếm tới gần 9,5% số người mắc bệnh.

* Chính phủ Thái Lan ngày 2/4 thông báo, quốc gia này sẽ ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 22h tới 4h sáng hôm sau, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3/4 nhằm cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Được biết, lệnh giới nghiêm sẽ có một số ngoại lệ, bao gồm công tác vận chuyển các dụng cụ y tế, đưa người vào khu cách ly cũng như sự đi lại của của bệnh nhân và nhân viên y tế. Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Ratchada Thanadirek nói với hãng tin Reuters: "Thủ tướng sẽ đưa ra thông báo vào khoảng 18h tối nay trên đài truyền hình quốc gia".

* Chính phủ Malaysia vừa thành lập Ủy ban Nội các Đặc biệt với nhiệm vụ bảo vệ nền kinh tế và thị trường lao động của nước này, vốn đang bị tác động bởi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Ủy ban trên, do Bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp Mohamed Azmin Ali và Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob đồng lãnh đạo, là công cụ để Chính phủ Malaysia cân bằng giữa các ưu tiên về kinh tế với việc thực thị Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO), mệnh lệnh được ban hành và áp dụng để hạn chế sự lây lan của Covid-19 song cũng đang gây ra những tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội tại nước này.

Trong số các nhiệm vụ, ủy ban này sẽ tiến hành các biện pháp nhằm hỗ trợ các động lực của nền kinh tế, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong giai đoạn thực thi MCO, đồng thời giúp giảm nhẹ những tác động của MCO đến lực lượng lao động bị mất việc là người Malaysia. Bên cạnh đó, ủy ban cũng đảm trách xử lý những vấn đề nổi bật mà người dân và cộng đồng doanh nghiệp Malaysia phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay.

Dự kiến, ủy ban sẽ có cuộc họp vào ngày 4/4, sau đó sẽ đệ trình các đề xuất lên Thủ tướng Muhyiddin trong cuộc họp của Hội đồng Hành động Kinh tế diễn ra sau đó 2 ngày.

Cũng liên quan đến dịch bệnh Covid-19, ngày 2/4, Tòa án sơ thẩm thành phố Ipoh (bang Perak, Malaysia) đã tuyên phạt 26 cá nhân, trong đó có 12 người nước ngoài, mỗi người 1.000 Ringgit (khoảng 240 USD) do không chấp hành MCO. Nếu không nộp phạt, các đối tượng nói trên sẽ bị bỏ tù trong 3 tháng. Ngoài ra, một trong số các đối tượng nói trên còn bị phạt 5.000 Ringgit, hoặc 6 tháng tù nếu không nộp phạt, do đã có hành vi chống đối nhân viên công vụ.

Chu Văn

(theo Reuters, New Straits Times, TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dich-covid-19-o-dong-nam-a-campuchia-cong-bo-ca-nhiem-benh-thu-110-tong-thong-indonesia-bi-kien-do-lo-la-phong-dich-112801.html