'Dịch chuyển số' để gần hơn với khán giả

'Khi xác định rõ đối tượng phục vụ của mình hiện nay là khán giả trẻ của thời đại số, chúng tôi quyết định làm cuộc 'dịch chuyển số' để gần hơn với khán giả của mình' - nhà báo Diễm Quỳnh chia sẻ với PV Báo Nhà báo & Công luận như vậy xung quanh cuộc 'dịch chuyển' gần đây của kênh.

Bản chất, sứ mệnh VTV6 không thay đổi

+ Trong suốt 12 năm kể từ ngày thành lập kênh, VTV6 đã trải qua 3 lần “dịch chuyển”, thế nhưng lần “dịch chuyển” gần đây với tên gọi “dịch chuyển số” cho thấy một kỳ vọng rất lớn của kênh?

- Về bản chất VTV6 vẫn là kênh truyền hình dành cho giới trẻ và sứ mệnh này không bao giờ thay đổi.

Hiện giờ, chúng tôi luôn nhấn mạnh khán giả số, thế hệ số là đối tượng mục tiêu hướng tới của mình. Nếu như trước đây chúng tôi chú trọng nhiều về định nghĩa VTV6 là ai (người bạn lớn, người dẫn dắt giới trẻ) thì giờ đây chúng tôi nhắc nhiều tới khán giả của VTV6 là ai. Theo tôi điều đó rất quan trọng, bởi khi khán giả của mình là khán giả số, họ có thói quen sống, giao tiếp, đưa ý kiến, chia sẻ thông tin trên mạng thì mình phải tiếp cận khán giả theo nhu cầu và thói quen ấy.

Nhà báo Diễm Quỳnh.

VTV6 đã có 10 năm đồng hành cùng người trẻ trong quá trình trưởng thành, tạo ra điểm hẹn, sân chơi, đưa ra tấm gương nghị lực vươn lên trong cuộc sống, gợi ý về con đường đi, phong cách sống, tạo cuộc trò chuyện với người trẻ. Thế nhưng, đến năm thứ 11, 12, chúng tôi quyết tâm xác lập một phương cách tiếp cận sâu hơn đến khán giả. Bởi vì, khán giả của VTV6 trước đây giờ đều đã ngoài 30 tuổi, họ bận rộn với công việc của họ, hành vi, lối sống thay đổi. Khán giả thế hệ mới ngày nay của VTV6 đã khác với lứa khán giả thời ban đầu, sau khi nghiên cứu, định vị khán giả, chúng tôi thấy mình phải thay đổi cách giao tiếp với họ.

Cũng là chương trình khuyến khích, động viên, tìm lối sống tích cực hơn cho người trẻ nhưng thay cho phong cách chính luận thiên về giáo dục, định hướng, dùng các tấm gương truyền thụ kinh nghiệm, bây giờ phải là những chương trình gần gũi, bình đẳng, chia sẻ cùng người xem rằng họ sống như thế nào, suy nghĩ ra sao. Cũng là đối thoại về quan điểm sống hay các vấn đề xã hội nóng bỏng, trước đây là hỏi đáp giữa hai thế hệ còn bây giờ là những diễn đàn của các cá nhân độc lập song song với kênh phản hồi của người xem. Cũng có câu hỏi được đặt ra là cuộc “dịch chuyển số” này sẽ hoàn thành như thế nào và “dịch chuyển” đi đâu nhưng theo tôi, đây không phải hành trình đầu - cuối mà là một sự thay đổi cách tư duy làm nội dung, phương thức tiếp cận, để cuối cùng quan trọng nhất là chương trình làm ra sẽ đi cùng nhịp sống khán giả thế hệ số.

+ Bên cạnh cuộc “dịch chuyển số” thì thực tế gần đây, nhiều chương trình có bản sắc của Đài Truyền hình Quốc gia phát trên kênh VTV1 nhưng do ê kíp của VTV6 tổ chức sản xuất. Đó chắc chắn là niềm tự hào không nhỏ của chị và các đồng nghiệp?

- Đầu tiên, phải cảm ơn các đồng nghiệp báo chí đã nhận ra các tác phẩm của chúng tôi trên những kênh sóng khác của VTV. Nếu nói tự hào thì tôi muốn nhắc đến chương trình Cất cánh - chương trình dành cho các diễn giả nói chuyện về các chủ đề được giới trẻ quan tâm như: kiếm tiền, giá trị sống, lập nghiệp, thất bại, những con đường mới hay sự dấn thân để thành công. Quán Thanh xuân cũng là một sản phẩm chúng tôi tâm đắc vì tiếp cận với khán giả lớn tuổi hơn của VTV. Ekip làm Quán Thanh xuân có những bạn trẻ và cả những bạn đã nhiều năm làm nghề. Họ bàn luận va đập trong lúc tìm ra những câu chuyện quá khứ, tìm ra những đề tài hay khiến những người lớn tuổi thấy thân thương và những người trẻ tuổi thấy hấp dẫn...

Rồi gần đây là chương trình nghệ thuật Đại lộ Di sản... Việc đưa một số dự án nghệ thuật vào quỹ công việc của mình thể hiện khao khát làm nghề của ekip trẻ, bên cạnh nhiệm vụ chính trị là những chương trình kỷ niệm trọng điểm hàng năm “đến hẹn lại lên”. Chúng tôi mong muốn làm được chương trình mang thương hiệu của ekip sáng tạo VTV6, để tăng thêm lựa chọn thưởng thức của các show truyền hình. Hơn nữa, hiện nay Ban Thanh Thiếu niên đang cùng chung sân với Ban Sản xuất các Chương trình Thể thao. Họ có những mùa giải lớn và “làm mưa, làm gió” trên nhiều khung giờ kênh VTV6, vì thế bản thân Ban Thanh Thiếu niên cũng phải có những gam màu đậm nét riêng đóng góp hài hòa cho kênh.

Nhà báo Diễm Quỳnh phỏng vấn khách mời trong chương trình "Quán Thanh Xuân".

Tư duy người làm phải “dịch chuyển”

+ Thế nhưng nói gì thì nói, muốn kênh có cuộc “dịch chuyển” thành công thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, thưa nhà báo?

- Hiện nay VTV6 có một đội ngũ những người làm truyền hình trẻ nhưng không phải là những người chập chững vào nghề, cái “trẻ” ở đây là khát khao được làm cái gì mới mẻ. Tôi nghĩ cuộc “dịch chuyển số” có thể mới diễn ra trên sóng VTV6 ở chặng ban đầu nhưng với đội ngũ, nó đã tạo một dấu ấn rất sâu sắc. Có thể nói “thế hệ số” đã thành từ khóa sâu đậm trong mỗi thành viên VTV6 và đó là điều rất quan trọng, vì cuộc “dịch chuyển” không thể thành công nếu bản thân những người làm nội dung không chịu “dịch chuyển”.

Hiện nay, ekip của VTV6 đều là những người có đời sống công nghệ số, là những “công dân số”, vì vậy, việc làm những chương trình phục vụ khán giả mà chính mình nằm trong số đó chắc chắn sẽ đem lại cảm hứng và nguồn năng lượng dồi dào. Bản thân tôi là người không thích làm đi làm lại một cái gì đó quá quen tay, thích tìm cách tiếp cận, cách thể hiện mới. Đáng mừng là ekip của VTV6 hiện nay cũng thích thay đổi, thậm chí còn cảm thấy không thỏa mãn với đề tài, khái niệm hay cách làm cũ. Nó giống như bạn dùng Facebook, việc thay avatar và status mỗi ngày khiến bạn quen thay đổi, linh hoạt trong thể hiện. Tôi nghĩ đó cũng là tâm trạng rất… thế hệ số.

Đội ngũ phóng viên, biên tập viên VTV6 luôn mong muốn làm những điều mới mẻ.

+ Chắc chắn con đường kéo công chúng mục tiêu về với mình sẽ không “trải đầy hoa hồng”, thưa nhà báo?

- Đúng vậy. Hiện nay khán giả đang bị cuốn vào nhiều thứ thông tin khác, trong khi các kênh truyền thông phát triển liên tục khiến chúng tôi ngoài việc sản xuất chương trình còn phải đẩy mạnh công tác truyền thông. Khán giả thời nay có nhiều sự lựa chọn nghe - nhìn thú vị, không cần thiết phải “trông” vào ti vi như trước. Đó là áp lực không nhỏ với những người làm truyền hình. Giờ đây khán giả bật ti vi hay không thì khó đoán nhưng chắc chắn họ đang lướt điện thoại. Vì vậy cuộc đi tìm “người yêu cũ” chưa bật ti vi mà đang online trên mạng ngày càng khắc nghiệt nhưng không thể không làm và chừng nào các gia đình còn cảm thấy các thiết bị điện tử trong nhà bắt buộc phải có một chiếc ti vi thì chúng tôi vẫn còn cơ hội. Hơn nữa, hiện nay VTV đã có ứng dụng để mọi người xem ti vi trên di động là VTVgo nên đẩy mạnh nội dung gần gũi thế hệ online là cách làm không thể khác.

+ Có ai đó nói rằng: “Thay đổi hay là chết, nhưng nếu thay đổi không đúng phương pháp cũng khó có thể tồn tại”. Chị nghĩ sao về điều này?

- Thất bại ở đây là khái niệm rất rộng, như ngày xưa chúng tôi dùng cả năm để thực hiện một chương trình kéo dài 20 số, nhưng bây giờ chúng tôi có thể dừng phát ngay sau 4 số nếu nó không hiệu quả để thay thế bằng sản phẩm khác tốt hơn. Vậy là thất bại được thay thế bởi cơ hội mới. Nếu thay đổi không đúng phương pháp thì chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh đến khi nào nó hiệu quả mới thôi. Nhưng như tôi đã chia sẻ: “lõi” chương trình luôn mang mục tiêu rõ ràng cũng như “lõi” giá trị của kênh là không đổi, đó là thứ duy nhất luôn bất biến.

+ Vâng, xin cảm ơn chị!

Hoàng Hà (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dich-chuyen-so-de-gan-hon-voi-khan-gia-post63688.html